Tham dự có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ; lãnh đạo VPQH; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương.
Về phía tỉnh Hà Giang có: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn; đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh; và đại diện lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành phố…
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết, Hà Giang là vùng đất cổ có từ lâu đời, nơi cư trú của 19 dân tộc. Với đặc điểm kiến tạo tự nhiên, Hà Giang đã và đang hình thành 3 không gian văn hóa du lịch độc đáo, hấp dẫn. Trong đó, không gian du lịch Tây Nam của tỉnh gồm các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình, với điểm nhấn là di tích danh thắng ruộng bậc thang, được tạo ra từ quá trình lao động bền bỉ vì lẽ sinh tồn của sự sống, cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Pu Péo, La Chí…
Ông Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Hà Giang đã và đang phát huy những tiềm năng văn hóa, danh thắng vốn có của mình để vươn lên phát triển kinh tế du lịch. Di sản văn hóa quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì là một trong những sự kiện văn hóa tiêu biểu mà Hà Giang muốn giới thiệu tới du khách trong nước và quốc tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại lễ khai mạc Ảnh: Nguyễn Phương
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu bày tỏ vui mừng trước sự phát triển, thay đổi của Hà Giang hôm nay, đạt được nhờ sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Trong đó, với sức sáng tạo, tinh thần lao động cần cù, bền bỉ, cộng đồng các dân tộc tỉnh Hà Giang đã xây dựng được hàng nghìn thửa ruộng bậc thang kỳ vỹ, uốn lượn quanh những sườn đồi, lưng núi, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo ra cảnh quan ngoại mục, thu hút sự quan tâm, đến trải nghiệm của du khách gần xa.
“Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì được công nhận Di tích quốc gia từ năm 2012, một di sản độc đáo, hấp dẫn, cùng với Cao nguyên đá Đồng Văn và các danh thắng khác là nhân tố giúp du lịch Hà Giang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nhà”, Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Đánh giá cao sự cố gắng và những thành tựu quan trọng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã đạt được, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu mong muốn, trong thời gian tới, Hà Giang cần tiếp tục nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tập trung triển khai các khâu đột phá, chương trình trọng điểm, khai thác hợp lý, hiệu quả tài nguyên, thiên nhiên, các giá trị văn hóa dân gian đặc sắc, các tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch, dược liệu, kinh tế biên mậu… Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Hà Giang cần quan tâm xây dựng, bảo tồn và phát huy các di sản, lễ hội văn hóa gắn với phát triển sản phẩm kết tinh từ truyền thống văn hóa độc đáo của các dân tộc anh em phải làm tốt nhiệm vụ bảo vệ phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.
Phó Chủ tịch QH tin tưởng, với quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, sự đồng thuận của đồng bào, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đoàn kết, tiếp tục bứt phá vươn lên, xây dựng Hà Giang giàu mạnh, văn minh, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc, đóng góp tích cực vào sự phát triển của khu vực Đông Bắc Bộ và cả nước.
Tại lễ khai mạc, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh đã trao Quyết định di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nghề trạm bạc của người Nùng cho Đảng bộ, nhân dân huyện Hoàng Su Phì; trao giải cuộc thi Nghệ nhân pha trà quốc tế 2019…