HỘI THẢO GIÁO DỤC 2019: ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP VIỆT NAM

21/09/2019

Tại Hội thảo giáo dục 2019 với chủ đề “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập Quốc tế’’ do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tổ chức, nhiều ý tưởng về các giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp Việt Nam trong thời gian tới được đề xuất, kiến nghị.

Phát triển Giaos dục nghề nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương và nỗ lực của toàn ngành, công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức của xã hội, người dân, doanh nghiệp về GDNN đã có những chuyển biến tích cực; số lượng người tham gia vào GDNN ngày càng tăng; tỷ lệ người học sau tốt nghiệp có việc làm cao, thu nhập ổn định. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về GDNN từng bước được hoàn thiện; mạng lưới cơ sở GDNN phát triển rộng khắp, đa dạng về loại hình và trình độ đào tạo; các điều kiện bảo đảm chất lượng ngày càng được tăng cường; xuất hiện ngày càng nhiều mô hình đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện thành công các nhiệm vụ của ngành và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Toàn cảnh hội thảo

Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực của thị trường lao động trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế tri thức, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế dịch chuyển nhân lực trên thị trường lao động quốc tế, GDNN cần tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực của thị trường lao động.

Tại hội thảo, các ý kiến đều cho rằng, phát triển GDNN là một trong những  nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững của đất nước. Phát triển GDNN là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, trước hết là của ngành lao động thương binh và xã hội các cấp, của doanh nghiệp và người dân.

Gắn kết chặt chẽ GDNN với nhu cầu của thị trường lao động

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN cần chú trọng cả quy mô, cơ cấu và chất lượng đào tạo; kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, đảm bảo tính ổn định của hệ thống nhưng cần tầm nhìn dài hạn;  nâng chất lượng GDNN từng bước đạt chuẩn khu vực và quốc tế để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong nước và hội nhập với thị trường lao động khu vực và thế giới.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu tại hội thảo

Bên cạnh đó, phát triển hệ thống GDNN theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt với nhiều phương thức và trình độ đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cấp kỹ năng nghề nghiệp suốt đời của người lao động để đáp ứng yêu cầu của vị trí làm việc, giảm tình trạng thất nghiệp và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, cải thiện thu nhập và đời sống cho người lao động; Phát triển hệ thống GDNN cần sự tham gia của Nhà nước với ưu tiên bố trí ngân sách cho GDNN trong tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo; sự tham gia của các đối tác trong và ngài nước.

Đặc biệt, gắn kết chặt chẽ GDNN với nhu cầu của thị trường lao động và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; lấy sự chấp nhận của thị trường lao động là thước đo của hiệu quả GDNN; chú trọng đào tạo thường xuyên, đào tạo cập nhật, đào tạo lại và đào tạo tại doanh nghiệp để phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp nhằm duy trì việc làm bền vững cho người lao động và nhu cầu sử dụng nhân lực của doanh nghiệp; có chính sách đầu tư phát triển GDNN đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách, đối tượng dễ bị tổn thương, tạo cơ hội cho mọi người lao động học nghề, lập nghiệp, góp phần xóa đói, giảm nghèo thực hiện công bằng xã hội.

Một số giải pháp trong thời gian tới

Để tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo và hiệu quả của GDNN; phát triển hệ thống GDNN với nhiều phương thức và trình độ đào tạo nghề nghiệp, các đại biểu cho rằng, thời gian tới chúng ta cần, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về GDNN. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong thông tin và truyền thông, tạo sự chuyển biến về nhận thức, sự đồng thuận và huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN; nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy, các đơn vị trong ngành nhất là các cấp ủy, thủ trưởng đơn vị về ý nghĩa, tầm quan trọng của đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN đối với việc phát triển nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển GDNN; chỉ đạo các tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng, các đơn vị trực thuộc và các cơ sở GDNN xây dựng kế hoạch thực hiện thiết thực, hiệu quả.

 Các chuyên gia tham gia thảo luận tại hội thảo

Bên cạnh đó, quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo (đa ngành, chuyên ngành), vùng miền, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng; sáp nhập hoặc giải thể các cơ sở GDNN yếu kém, hoạt động không hiệu quả, không đủ năng lực triển khai tự chủ; tập trung nguồn lực đầu tư một số cơ sở GDNN chất lượng cao, ngành, nghề trọng điểm đã được quy hoạch theo các cấp độ (quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia) và các cơ sở GDNN chuyên ngành, các nhóm đối tượng đặc thù. Khuyến khích thành lập mới cơ sở GDNN tư thục, cơ sở GDNN của doanh nghiệp và có vốn đầu tư nước ngoài.

Cùng với đó, tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững. Nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo theo lĩnh vực, ngành nghề, cấp trình độ đào tạo; hình thành cơ sở dữ liệu về cung cầu thị trường lao động. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN. Phát huy vai trò của các đơn vị sử dụng lao động, người sử dụng lao động, hiệp hội nghề nghiệp trong đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN. Hình thành mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở GDNN và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm nhằm hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp. Chú trọng phát triển tinh thần khởi nghiệp trong GDNN.

Đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo

Đồng thời, đẩy mạnh tự chủ của các cơ sở GDNN gắn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh giá độc lập, sự kiểm soát của nhà nước, giám sát của xã hội; chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng trong hệ thống GDNN; phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng, đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN; thúc đẩy xã hội hóa GDNN.

Trong thời gian tới, để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN, đưa GDNN phát triển ở một tầm cao mới, các đại biểu cho rằng, cần tập trung thực hiện đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp nêu trên, để GDNN thực sự đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu kết luận hội thảo

Phát biểu kết thúc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nhấn mạnh, với trọn vẹn một ngày làm việc hết sức khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm; trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn và dân chủ của gần 200 đại biểu tham dự, có thể khẳng định chương trình làm việc của Hội thảo Giáo dục năm 2019 với chủ đề “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế” do Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng đầy đủ mục đích, yêu cầu mà Ban tổ chức đề ra.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, những ý kiến thảo luận, đề xuất, đóng góp chân thành và thẳng thắn, những ý kiến tranh luận, phản biện đầy tâm huyết và trách nhiệm của các đại biểu tại hội thảo sẽ là nguồn thông tin tham khảo quý giá, là những gợi mở quan trọng, góp phần khơi dậy sự quan tâm và trách nhiệm của xã hội, làm thay đổi quan điểm và nhận thức của xã hội và người dân về học nghề, lập thân, lập nghiệp cũng như mang ý kiến của người dân, của cộng đồng đến gần hơn các nhà hoạch định chính sách để từ đó xây dựng hệ thống chính sách phát triển GDNN phù hợp với yêu cầu của thực tiễn trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng đổi mới, sáng tạo và hội nhập quốc tế./.

Thu Phương