ĐOÀN ĐBQH TỈNH VĨNH LONG GIÁM SÁT VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO TỒN VÀ TÔN TẠO DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA HUYỆN TAM BÌNH

20/08/2019

Nguồn kinh phí phân bổ cho công tác quản lý, bảo tồn, trùng tu và tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn còn hạn chế... là mọt trong những bất cập được UBND huyện Tam Bình nêu ra tại buổi giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh về công tác quản lý, bảo tồn, trùng tu và tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn giai đoạn 2014-2018 diễn ra chiều ngày 19/8.

Đoàn giám sát thực tế tại Chùa Kỳ Son 

Đoàn đã đến giám sát thực tế tại Chùa Kỳ Son ở ấp Sóc Rừng và Chùa Đại Thọ ấp Đại Thọ, xã Loan Mỹ. Đây là 02 di tích lịch sử cấp tỉnh, có lối kiến trúc văn hóa Khmer với niên đại hàng trăm năm. Trong đó, Chùa Đại Thọ là di tích lịch sử cách mạng hiện chánh điện đang bị xuống cấp cần được trùng tu, tôn tạo để bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, tạo điều kiện thuận lợi làm nơi sinh hoạt cho phật tử.

Làm việc với huyện Tam Bình, Ủy ban nhân dân huyện kiến nghị Trung ương xem xét đầu tư mở rộng tuyến đường giao thông hương lộ Cái Ngang kết nối với di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang để tạo điều kiện cho người dân đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử, truyền thống cách mạng của cha ông; kiến nghị tỉnh xem xét sớm đầu tư cải tạo, xây dựng khu lưu niệm phong trào Đông Du ở ấp Tường Lễ, xã Tường Lộc,…

Toàn cảnh buổi làm việc 

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Vĩnh Long Lưu Thành Công nhấn mạnh, hiện nay Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến giá trị văn hóa vì đây được xem là nền tảng dân tộc. Do đó, ông đề nghị Ban quản trị, Trụ trì các chùa tiếp tục quan tâm bảo tồn giá trị các di tích, đặc biệt là các giá trị cổ mang nét đặc trưng kiến trúc văn hóa Khmer.

Đối với huyện Tam Bình, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Lưu Thành Công đề nghị địa phương tiếp tục quan tâm bảo tồn, kiến tạo, giữ gìn và phát huy các di tích gắn với du lịch tâm linh; tiếp tục làm hồ sơ các công trình chưa xếp hạng đề nghị ngành chức năng xem xét công nhận đáp ứng ý nguyện cộng đồng dân cư. Huyện cần đẩy mạnh vận động xã hội hóa có thêm nguồn kinh phí thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo các di tích trong điều kiện kinh phí hạn chế như hiện nay. Đoàn cũng đề nghị địa phương cần rà soát lại các văn bản, quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn, trùng tu và tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa đã được Trung ương ban hành xem có gì bất cập để từ đó đề xuất, kiến nghị Trung ương xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Theo Ủy ban nhân dân huyện Tam Bình, trên địa bàn huyện hiện có 69 di tích, trong đó 08 di tích được xếp hạng có 02 di tích cấp quốc gia, 06 di tích cấp tỉnh. Hiện còn 62 di tích chưa được xếp hạng. Địa phương cũng đang lập thủ tục đề nghị công nhận di tích cấp tỉnh cho Đình Phú Mỹ, xã Tân Phú.

Vũ Thạch