Toàn cảnh buổi làm việc
Thời gian qua, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Hà Giang, công tác giảm nghèo của tỉnh bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, giai đoạn 2012-2015, toàn tỉnh đã giảm hơn 24 nghìn hộ nghèo, từ 35,38% xuống còn 18,10%, bình quân mỗi năm giảm gần 5% tỷ lệ hộ nghèo. Đối với 6 huyện nghèo thuộc diện 30A giai đoạn này giảm 6,68% đạt mục tiêu của nghị quyết. Giai đoạn 2016-2018 toàn tỉnh giảm được hơn 18 nghìn hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,65% xuống còn 31, 17%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 19,09 triệu đồng. 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã. Đời sống của các hộ nghèo ngày càng đươc nâng cao, tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, thoát nghèo bền vững... Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế. Nguồn ngân sách Trung ương giao cho tỉnh hạn hẹp, do tác động suy giảm kinh tế và cắt giảm Đầu tư công; Việc phân bổ và giao vốn thực hiện các Chương trình không được đảm bảo theo nhu cầu; Nguồn lực của tỉnh còn khó khăn, nguồn vốn để thực hiện Chương trình chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Trung ương cấp, việc huy động các nguồn lực khác còn gặp nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng rất lớn. Việc lồng ghép các chương trình vào đầu tư xây dựng các dự án trên cùng một địa bàn khó thực hiện, vì cơ chế mỗi chương trình khác nhau. Một số văn bản hướng dẫn của Trung ương ban hành còn chậm, giai đoạn đầu các cơ chế chính sách của Trung ương và của tỉnh có sự thay đổi do vậy việc triển khai trong thời gian đầu còn chậm và lúng túng… Bên cạnh đó công tác giảm nghèo vẫn chưa thực sự bền vững, tình trạng tái nghèo vẫn cao.
Tại buổi giám sát, các thành viên Đoàn giám sát yêu cầu tỉnh làm rõ sự khác biệt khi thực hiện chính sách giảm nghèo giữa các giai đoạn 2012 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2018, các chỉ tiêu đạt được để từ đó so sánh và thấy rõ những bước chuyển biến tích cực khi thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo. Đối với tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo về vững của Hà Giang; một số thành viên đề nghị tỉnh cần làm rõ nguyên nhân của tình trạng này. Cùng với đó là vấn đề làm rõ việc lồng ghép các chính sách, pháp luật trong giảm nghèo gắn với đối tượng, địa bàn, những tồn tại về thể chế, chính sách, tổ chức thực hiện; chính sách khuyến khích thu hút các nhà đầu tư vào vùng dân tộc hay cần làm rõ về nguồn vốn cho các huyện 30A. Đồng thời làm rõ các tiêu chí của tỉnh trong vấn đề xác định hộ nghèo đa chiều giai đoạn mới, đặc biệt nêu bật được những vấn đề bất cập trong tiêu chí xác định hộ nghèo đa chiều hiện nay. Ngoài ra cần đánh giá lại công tác tuyên truyền khi hiện nay Hà Giang còn hơn 24.000 hộ dân vẫn chưa được tiếp cận với ti vi, báo, đài.
Giải trình những vấn đề Đoàn giám sát quan tâm, các ý kiến của UBND tỉnh Hà Giang cho rằng, các chương trình về giảm nghèo còn dàn trải. Đối với các tiêu chí đánh giá về nghèo đa chiều, qua thực hiện ở địa phương đã bộc lộ vướng mắc, chưa thực sự phù hợp, đánh giá theo các tiêu chí còn gặp khó khăn... Trên cơ sở đó cần tích hợp các chương trình để thực hiện mục tiêu chương trình giảm nghèo hiệu quả.
Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh phát biểu kết luận tại buổi làm việc
Thay mặt Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao kết quả thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn thời gian qua, tốc độ giảm nghèo nhanh so với khu vực, tạo sinh kế cho người dân. Có được kết quả này là do sự vào cuộc tích cực của tỉnh ủy, UBND, HĐND trong việc ban hành các văn bản để kịp thời chỉ đạo, triển khai, linh hoạt các chương trình kế hoạch thống nhất từ cấp tỉnh đến cơ sở. Tuy vậy, công tác giảm nghèo của tỉnh nhanh nhưng chưa bền vững…
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị cấp ủy, chính quyền tỉnh cần chỉ đạo thống nhất, quyết liệt hơn nữa đối với các chính sách giảm nghèo; thường xuyên đánh giá hiệu quả chương trình giảm nghèo để có những đề xuất điều chỉnh cho phù hợp thực tế, lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án, tránh chồng chéo và huy động mọi nguồn lực trong nhân dân để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đối với công tác tuyên truyền, Tỉnh cần đổi mới hình thức tuyên truyền để phù hợp với văn hóa tập tục của 19 dân tộc trên địa bàn, cùng với đó, tỉnh cần thực hiện lồng ghép các chương trình giảm nghèo để phát tiển kinh tế - xã hội của địa phương hiệu quả hơn…