Hoạt động thư viện ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế
Thảo luận về dự án Luật Thư viện, các đại biểu đều cho rằng hiện nay hệ thống thư viện, nhất là thư viện công cộng, hoạt động kém hiệu quả, không đáp ứng được nhu cầu đọc và khai thác thông tin của người dân. Hệ thống thư viện trường học chưa được quan tâm đúng mức; văn hóa đọc đã và đang bị lấn át bởi những hình thức tiếp cận thông tin mới... Những bất cập này đặt ra yêu cầu phải sớm có chính sách khắc phục.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, từ chỗ chỉ là nơi giữ gìn di sản thư tịch của dân tộc, thu thập, tổ chức khai thác và sử dụng vốn tài liệu dùng chung, đến nay thư viện đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, không gian học tập sáng tạo của cộng đồng, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Mười năm gần đây, các thư viện đã từng bước hiện đại hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước xây dựng thư viện điện tử, thư viện số nhằm cung cấp thông tin cho người sử dụng được dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, hoạt động thư viện ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và chưa thỏa mãn được nhu cầu đọc, sử dụng và khai thác thông tin của các tầng lớp nhân dân. Nhiều thư viện ở Việt Nam luôn phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu do ngân sách đầu tư cho thư viện còn hạn chế. Khó khăn lớn nhất hiện nay của các thư viện là thiếu nguồn lực để phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; người làm công tác thư viện thụ động, thư viện chưa thực sự được tạo điều kiện để phát huy hết sự chủ động và sáng tạo trong công tác.
Báo cáo thẩm tra Tờ trình số 49/TTr - CP của Chính phủ về Luật Thư viện, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng: Ở nước ta, hệ thống thư viện nhất là thư viện công cộng hoạt động kém hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu đọc và khai thác thông tin của người dân; thư viện trường học chưa được quan tâm đúng mức; văn hóa đọc đã và đang bị lấn át bởi những hình thức tiếp cận thông tin mới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật Thư viện
Dẫn chứng thực tế của ngành thư viện hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết: Trước đây, có thời điểm thư viện phát triển rất mạnh bởi nó gắn với văn hóa đọc. Nhưng những năm gần đây văn hóa đọc không còn như trước nên hoạt động thư viện cũng chưa được như mong muốn. Tình trạng sách của các thư viện mang bày bán ở vỉa hè rất nhiều, sách cũ bán theo cân. Những người tìm mua sách thanh lọc ở các cửa hàng sách cũ, sách vỉa hè khá nhiều, có cuốn lên tới cả triệu đồng. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: “Đây là lượng tài sản lớn của nhà nước đang lãng phí nghiêm trọng, thất thoát tri thức, cho nên cần qui định về quản lý thư viện sao cho chặt chẽ”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng chỉ ra rằng, thư viện là nơi quản lý giữ gìn sách, cũng như thư phòng là phòng đọc sách. Không những thế, thư viện còn là nơi nghiên cứu khoa học, là nơi lưu giữ thông tin, là nơi hướng dẫn cung cấp cho độc giả kiến thức văn hóa đọc, cho nên cần đầu tư quan tâm tới thư viện nhiều hơn.
Cần xem lại quy định về xếp hạng thư viện
Dự thảo quy định xếp hạng thư viện dựa trên các tiêu chí về quy mô, cơ sở hạ tầng, vốn tài liệu, tiện ích thư viện, hiệu quả hoạt động, cơ cấu, trình độ và năng lực của người làm thư viện là chưa cụ thể về tiêu chí, nguyên tắc và chính sách đối với mỗi hạng, khó khả thi. Thực tế 12 năm qua cho thấy, việc xếp hạng thư viện thực hiện theo Thông tư 67/2006/TT-BVHTT còn nhiều bất cập do xếp hạng thư viện dựa trên tiêu chí hành chính làm ảnh hưởng đến chính sách đầu tư, hiệu quả hoạt động của thư viện và do chính sách đối với cán bộ lãnh đạo thư viện công cộng chưa hợp lý khi dựa vào kết quả xếp hạng thư viện. Đến nay, Thông tư 67 vẫn chưa được tổng kết.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng, cách xếp hạng thư viện không phụ thuộc vào to hay nhỏ mà phụ thuộc vào tầm ảnh hưởng trong thực tiễn. Các thư viện có quan hệ hữu cơ, tác động tương hỗ lẫn nhau vì có nhiệm vụ chia sẻ thông tin, phát huy giá trị vốn tài liệu, cung cấp các dịch vụ công thiết yếu, phục vụ nhu cầu học tập, nâng cao trình độ của nhân dân. Do đó, mạng lưới thư viện là nội dung cần được làm rõ để làm cơ sở xác định thư viện trọng điểm, vị trí của các thư viện khác trong mạng lưới, từ đó đề ra các chính sách phát triển sự nghiệp thư viện, quy định việc thành lập thư viện, quyền, trách nhiệm của thư viện và Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Tuy nhiên, nội dung này chưa rõ, khó xác định được mối quan hệ, sự ảnh hưởng, tác động, hỗ trợ lẫn nhau giữa các loại hình thư viện, giữa các thư viện trong cùng loại hình.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định cho phù hợp, trong đó đặc biệt quan tâm việc xác định rõ trách nhiệm của thư viện trọng điểm và trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị và các bộ, ngành đối với xây dựng thư viện./.