KẾT QUẢ KỲ HỌP THỨ 6 QUỐC HỘI KHÓA XIV: ĐỔI MỚI TRONG TIẾN HÀNH KỲ HỌP VÀ KỸ LƯỠNG TRONG CÔNG TÁC CHUẨN BỊ

27/12/2018

Qua thảo luận về việc tổng kết kỳ họp thứ 6, tại phiên họp thứ 29 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất rằng kết quả kỳ họp thứ 6 đã tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao, ghi nhận những đổi mới trong công tác chuẩn bị và tiến hành kỳ họp của Quốc hội.

Một kỳ họp dân chủ, thẳng thắn, cởi mở và trách nhiệm

Qua theo dõi hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 có thể thấy xuyên suốt cả kỳ họp là không khí dân chủ, thẳng thắn và cởi mở được thể hiện ở tất cả công việc, các hoạt động. Điều này thể hiện rõ nét nhất, đậm đà nhất là ở thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội, thảo luận các dự án và hoạt động chất vấn. Tại các phiên họp thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước các đại biểu được phát biểu, chất vấn hầu như đến tận người cuối cùng. Ý kiến chưa rõ hoặc không đồng tình thì được quyền tranh luận, bình luận không chỉ giữa các đại biểu Quốc hội với các bộ trưởng, trưởng ngành mà còn giữa các đại biểu Quốc hội. Cơ quan hành pháp, cơ quan chủ trì dự án, người bị chất vấn được trình bày, làm rõ bản chất của vấn đề, đi đến tận cùng của một sự việc qua đó để đi đến thống nhất.

Về vấn đề này, qua thảo luận tại phiên họp thứ 29, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thống nhất ghi nhận, các phiên thảo luận tại tổ và hội trường được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ; không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, hình thức tranh luận tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả cao, đặc biệt là tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đại biểu Quốc hội đã tích cực tham gia phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến phong phú, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm, không né tránh, theo đuổi đến cùng những vấn đề mà cử tri và dư luận quan tâm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo tổng kết kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV tại phiên họp thứ 29

Góp phần không nhỏ vào thành công của kỳ họp là công tác điều hành của Đoàn Chủ tịch đã thể hiện sự linh hoạt, tạo điều kiện để đại diện các Đoàn được phát biểu ý kiến, tranh luận. Đối với các nội dung có đông đại biểu đăng ký, Đoàn Chủ tịch đã ưu tiên cơ cấu địa phương và đại biểu có chuyên môn sâu theo lĩnh vực phát biểu, tạo không khí sôi nổi nhưng vẫn bảo đảm tính nghiêm túc, góp phần quan trọng vào thành công kỳ họp. Các kết luận của Đoàn Chủ tịch cũng được thể hiện ngắn gọn, súc tích, có trọng tâm.

Đặc biệt, vai trò chủ trì kỳ họp, chỉ đạo, điều hòa đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát huy tối đa, góp phần bảo đảm tiến độ và chất lượng các nội dung trình Quốc hội. Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện tốt nhiệm vụ trong suốt quá trình diễn ra kỳ họp.

Tích cực chủ độngchuẩn bị nội dung phục vụ kỳ họp thứ 6

Để chuẩn bị cho kỳ họp, kể từ sau kỳ họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã tích cực chủ động, phối hợp, chuẩn bị nội dung phục vụ kỳ họp thứ 6. Các hội nghị lấy ý kiến về các nội dung kỳ họp được tổ chức có hiệu quả, thành công, thu hút được nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các nhà khoa học.

Các dự án, dự thảo, báo cáo đã được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, bảo đảm chất lượng và tiến độ, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng. Bên cạnh đó, công tác phục vụ kỳ họp được chuẩn bị chu đáo, thường xuyên được rà soát, kiểm tra, bảo đảm đáp ứng yêu cầu, tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội yên tâm dự họp.

Về các công tác bảo đảm cho kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, chương trình kỳ họp được bố trí hợp lý, chặt chẽ, có nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội trước kỳ họp; được điều chỉnh kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế, tiết kiệm được thời gian, công sức.

Đoàn Chủ tịch điều hành một phiên họp toàn thể của Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV

Đã có những kỳ họp của Quốc hội có thời gian làm việc dài kỷ lục lên tới 36 ngày làm việc. Quốc hội đã phấn đấu rút ngắn dần thời gian kỳ họp nhưng vẫn bảo đảm khối lượng và chất lượng công việc. Tới nay, Kỳ họp thứ Sáu thời gian thực tế làm việc chỉ còn 22,5 ngày làm việc. Mặc dù thời gian họp được rút ngắn nhưng vẫn bảo đảm khối lượng, chất lượng công việc đề ra thông qua việc việc thiết kế chương trình hợp lý, khoa học. Các nội dung được sắp xếp đan xen với nhau vừa tạo điều kiện cho đại biểu có thời gian nghiên cứu tài liệu; vừa để các cơ quan khác có thời gian tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu và hoàn thiện văn bản.

Bên cạnh đó công tác tập hợp, tổng hợp cơ bản bảo đảm kịp thời, trung thực, nghiêm túc và đầy đủ; tiếp thu, giải trình thỏa đáng các ý kiến của đại biểu, kể cả nội dung tiếp thu hoặc không tiếp thu. Vấn đề được lựa chọn xin ý kiến là những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, sát thực tế.

Công tác phục vụ tài liệu, cung cấp thông tin tư liệu có nhiều cải tiến, đổi mới, cơ bản đã khắc phục được hạn chế của các kỳ họp trước, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội. Công tác tiếp dân được thực hiện tốt, các kiến nghị của cử tri gửi tới đại biểu Quốc hội trong kỳ họp được nghiên cứu trả lời đầy đủ. Các công tác bảo đảm khác được quan tâm nâng cao chất lượng, góp phần nâng cao hiệu suất làm việc của đại biểu.

Công tác tuyên truyền về kỳ họp cũng được thực hiện chủ động hơn, bảo đảm kịp thời, sinh động, có định hướng rõ ràng, truyền tải thông tin phong phú đến cử tri cả nước, tạo điều kiện thuận lợi để cử tri theo dõi, nắm bắt, đánh giá đúng các hoạt động của các vị đại biểu Quốc hội và kết quả các phiên họp.

Sau 22,5 ngày làm việc, Quốc hội đã hoàn thành nội dung chương trình kỳ họp thứ 6 và để lại những dấu ấn quan trọng, tạo đà cho đất nước phát triển bền vững trong những năm sắp tới. Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao, ghi nhận những đổi mới trong công tác chuẩn bị và tiến hành kỳ họp của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan, bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó với Nhân dân, được Nhân dân giám sát chặt chẽ.

Bảo Yến