Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Đổi mới hoạt động chất vấn
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn luôn là nội dung đặc biệt, được cử tri và Nhân dân quan tâm theo dõi. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 thông qua việc chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề liên quan, không ấn định số người trả lời chất vấn cũng như không xác định nhóm vấn đề chất vấn. Phiên chất vấn có tới 19 Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng 2 Phó Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn, nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã có phát biểu làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời một số đại biểu có chất vấn đối với Thủ tướng.
Cho ý kiến tổng kết kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV tại phiên họp thứ 29 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, tăng sự tranh luận sâu sắc giữa các đại biểu Quốc hội, làm rõ nhiều vấn đề. Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề; các thành viên Chính phủ, trưởng ngành khi trả lời đã thể hiện việc nắm vững lĩnh vực phụ trách, thẳng thắn, cầu thị, không né tránh các câu hỏi của đại biểu, sẵn sàng nhận trách nhiệm về những vấn đề còn yếu kém của ngành. Chủ tọa phiên chất vấn kiên quyết, sắc sảo, uyển chuyển, tạo sự gắn kết giữa các vị đại biểu Quốc hội với các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong việc đưa ra giải pháp, được cử tri đánh giá cao. Qua đó cho thấy, các nghị quyết đã được triển khai nghiêm túc, nhiều cam kết, lời hứa đã được thực hiện và mang lại những kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV
Thực tế, hình thức chất vấn “hỏi nhanh - đáp gọn” được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thí điểm thành công tại phiên họp thứ 22 là cơ sở để đổi mới căn bản hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Sáu của Quốc hội. Cách thức chất vấn mới, hỏi 1 phút, trả lời 3 phút mỗi câu đã tạo sự tương tác nhiều hơn, đối thoại trực diện giữa người chất vấn và người trả lời vấn đề được chất vấn. Điểm đặc biệt là kỳ họp này không chất vấn theo nhóm vấn đề, chốt danh sách người trả lời chất vấn mà là chất vấn việc thực hiện các nghị quyết về chất vấn của các kỳ họp trước và các chuyên đề đã được Quốc hội giám sát từ đầu nhiệm kỳ tới nay; nội dung chất vấn trúng vào bộ, ngành nào thì bộ trưởng, trưởng ngành đó phải trả lời. Với các vấn đề kinh tế - xã hội rộng lớn như vậy nên trong lần chất vấn này, số câu hỏi đã được chất vấn nhiều gấp 2,4 lần so với các kỳ họp trước, số ý kiến tranh luận nhiều gấp 2,7 lần và số người trả lời chất vấn nhiều gấp 5,5 lần.
Lấy phiếu tín nhiệm – thước đo hiệu quả hoạt động
Tại kỳ họp, Quốc hội đã hoàn thành lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Công tác triển khai thận trọng, chu đáo, trách nhiệm, nghiêm túc, theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục, bảo đảm dân chủ, khách quan. Tài liệu, hồ sơ của người được lấy phiếu tín nhiệm được chuẩn bị đầy đủ và gửi sớm đến đại biểu Quốc hội để có cơ sở cho việc đánh giá chính xác, công tâm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, kết quả lấy phiếu tín nhiệm là "thước đo" hiệu quả hoạt động của những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; đồng thời, là nguồn động lực để những người được tín nhiệm cao tiếp tục cống hiến, những người chưa được tín nhiệm cao sẽ phấn đấu khắc phục khuyết điểm, nâng cao hiệu quả công việc.
Đại biểu Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV
Trước đó, Quốc hội đã hai lần thực hiện lấy phiếu tín nhiệm trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII song kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy, cả 48 chức danh đều đạt từ tín nhiệm trở lên, chức danh có tỷ lệ thấp nhất cũng đạt gần 69%. Có 34/48 chức danh có số phiếu Tín nhiệm cao đạt từ 52% lên đến 90,10%. Điều này cho thấy các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong nhiệm kỳ này đã phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, tận tụy hơn, do đó và vì thế được tín nhiệm hơn, được lòng dân hơn.
Xem xét thỏa đáng các báo cáo công tác của các cơ quan Nhà nước
Quốc hội cũng đã dành thời gian thỏa đáng xem xét các báo cáo về công tác tư pháp, công tác phòng, chống tham nhũng, công tác khiếu nại, tố cáo và một số báo cáo khác. Các báo cáo phản ánh cơ bản đầy đủ các kết quả đạt được, nêu rõ những hạn chế, bất cập, nguyên nhân và đề xuất phương hướng, giải pháp khắc phục nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng các công tác này trong thời gian tới. Tài liệu tham khảo kèm theo khá phong phú, cung cấp số liệu chứng minh cụ thể, sát với thực tế các mặt công tác. Đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận sôi nổi, đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề trong báo cáo cũng như thực tiễn, đánh giá đúng tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội. Qua đó cho thấy công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế tiếp tục được quan tâm, chú trọng; cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực; tổ chức bộ máy nhà nước kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử được tăng cường và xử lý quyết liệt; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tiếp tục có những chuyển biến tích cực…
Trên cơ sở đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của cử tri và Nhân dân; triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả các lĩnh vực công tác trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết chung kỳ họp, trong đó đánh giá tổng quan về kết quả kỳ họp và quyết định một số vấn đề quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan giám sát, cũng như làm cơ sở để Chính phủ triển khai những nhiệm vụ Quốc hội giao.