Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam làm việc với UBND Thành phố Hội An về việc sử dụng đất đai tại đô thị
Với đặc thù là một thành phố có di sản văn hoá thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới, Hội An là một trong những địa phương khá nóng chuyện đất đai. Các trường hợp khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai tăng từng năm. Chỉ riêng trong năm 2018 đã có khoảng 30 vụ khiếu kiện đất đai ở cả 2 cấp (thành phố và cấp tỉnh). Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 – 2015) của thành phố Hội An được lập theo quy định của Luật đất đai 2003. Một số chỉ tiêu sử dụng đất không còn phù hợp với Luật Đất đai năm 2013 nên gây khó khăn cho việc đánh giá kết quả thực hiện cũng như tổ chức thực hiện các dự án có thời gian kéo dài.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, Quảng Nam cho biết: “Dự án khởi phát từ khi Luật đất đai năm 1993 có hiệu lực. Đến bây giờ là Luật đất đai 2013 vẫn chưa thực hiện được. Chính sách thay đổi, quy trình đền bù giải toả cũng thay đổi. Đặc biệt là khu dự án khu du lịch Thái Bình Dương ở phường Cẩm An. Chính sách đền bù liên tục thay đổi nên hiệu quả sử dụng đất ở đây 1 phần nào đó bị ảnh hưởng, và ảnh hưởng đến đời sống người dân trong vùng dự án”.
Ông Phan Thái Bình, Phó Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Quảng Nam, Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc
Cũng theo đó, dù thành phố Hội An đã rất nỗ lực trong việc thực hiện các kết luận về thanh tra đất đai, tuy nhiên khó khăn vẫn còn. Sự thay đổi của Nghị định 69/2009 thay cho Nghị định 84/2007 đã khiến cho chính sách bồi thường trong thu hồi đất nông nghiệp thay đổi, giá bồi thường sau này chỉ bằng một nửa so với trước, trong khi các yếu tố khác của đời sống đều tăng, dẫn đến việc dự án càng kéo dài thì UBND Thành phố Hội An càng khó tổ chức đối thoại với người dân.
Thay mặt Đoàn giám sát, ông Phan Thanh Bình - Trưởng đoàn, đã chỉ ra những tồn tại cần phải được khắc phục, giải quyết trong thời gian tới, đồng thời ghi nhận những vướng mắc của thành phố Hội An./.