Luật CAND (sửa đổi) thay thế cho Luật CAND năm 2014 (Luật năm 2014), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2019 (riêng các quy định về cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng; phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng có hiệu lực thi hành từ ngày 11/01/2019).
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định: Luật CAND (sửa đổi) đã thể chế hóa được quan điểm, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thi hành Luật CAND năm 2014; bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật của Nhà nước ta. Luật CAND (sửa đổi) gồm 7 chương, 46 điều. So với Luật CAND năm 2014, Luật tăng 1 điều; sửa đổi, bổ sung 34 điều; giữ nguyên 12 điều.
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn - Thứ trưởng Bộ Công an
Luật CAND năm 2018 là cơ sở pháp lý trực tiếp, quan trọng để lực lượng công an nhân dân nâng cao chất lượng, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Nhân dân tin tưởng giao phó. Trong đó, trọng tâm là đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, vi phạm pháp luật, thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về an ninh trật tự. Xây dựng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, tạo môi trường ổn định để phát triển mọi mặt của đất nước.
Luật có nhiều điểm mới như: Bổ sung quy định mới trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành trung ương, Hội đồng nhân dân và UBND các cấp đối với hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, Hoàn thiện thêm một bước quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của CAND cho phù hợp với các đạo luật mới và thực tiễn thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Luật sửa đổi các quy định về hệ thống tổ chức của CAND để làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị, trong đó có 3 chủ trương lớn, quan trọng về mô hình tổ chức: xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy; sáp nhập Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy với Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; không tổ chức cấp tổng cục thuộc Bộ Công an.
Luật CAND (sửa đổi) tạo cơ sở pháp lý để bố trí, sắp xếp lại hệ thống chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND; sửa đổi quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND hợp lý hơn, chặt chẽ hơn, phù hợp với cách bố trí lực lượng và mô hình tổ chức mới của CAND các cấp.
Đặc biệt, Luật không quy định cụ thể các vị trí có cấp bậc hàm cấp tướng. Trước đó, để phù hợp với chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy trong công an nhân dân theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát quy định số lượng vị trí từng cấp tướng. Với đơn vị đã rõ và thực hiện ổn định trên cơ sở kế thừa Luật CAND năm 2014 thì quy định cụ thể ngay trong Luật. Đối với đơn vị được hình thành sau khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy thì việc xác định cấp bậc hàm cấp tướng được xác định trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí và giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định. Quy định này cũng bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, kế thừa quy định hiện hành, căn cứ số lượng, nguyên tắc, tiêu chí đã được Quốc hội xác định, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể từng vị trí có cấp bậc hàm cấp tướng, bảo đảm chặt chẽ, linh hoạt trong tổ chức thực hiện.
Về số lượng cấp phó có cấp bậc hàm cấp tướng, theo quy định của Luật CAND năm 2014, chỉ có đơn vị Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động có số lượng cấp phó có cấp bậc hàm cấp tướng không quá 4, cấp tổng cục số lượng cấp phó không quá 5. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Công an tổ chức lại bộ máy không còn các tổng cục, các đơn vị cấp cục được sáp nhập trên cơ sở nhiều cục khác nhau mà Cục trưởng các cục này đã được Luật CAND năm 2018 sửa đổi lại quy định có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng. Cụ thể, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của việc chỉ đạo điều hành chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm sự cân đối về số lượng cấp phó của 2 Bộ Tư lệnh nêu trên và một số cục hiện nay sau khi sáp nhập được giao thực hiện nhiệm vụ của nhiều cục trước đây, số lượng cấp phó có cấp bậc hàm Thiếu tướng của 2 Bộ Tư lệnh và 15 đơn vị cấp cục không quá 4, các đơn vị còn lại không quá 3.
Luật Công an nhân dân năm 2018 là cơ sở tiếp tục xây dựng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, tạo môi trường ổn định để phát triển mọi mặt của đất nước.
Đáng chú ý, Luật quy định rõ: CAND là lực lượng vũ trang nhân dân, do đó, cấp bậc hàm gắn với chức vụ, chức danh để thực hiện chức năng, nhiệm vụ; đồng thời, cấp bậc hàm là nguyên tắc cơ bản để xác định tiền lương. Đối với những trường hợp được tuyển chọn vào công an nhân dân, việc xác định cấp bậc hàm căn cứ vào trình độ, quá trình công tác, nhiệm vụ được giao và bậc lương được sắp xếp để phong cấp bậc hàm phù hợp. Việc phong, thăng cấp bậc hàm cũng phải theo niên hạn để bảo đảm công bằng, cân đối trong hệ thống cấp bậc hàm và chế độ lương trong Công an nhân dân.
Một trong những điểm mới nữa của Luật CAND năm 2018 là đã sửa đổi quy định về thời hạn công dân thực hiện nghĩa vụ công an nhân dân. Đây được xác định là thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc trong lực lượng vũ trang nhân dân. Theo đó, hàng năm, công an nhân dân được tuyển chọn công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ với thời hạn 24 tháng. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ nhưng không quá 6 tháng trong trường hợp bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu nạn, cứu hộ. Thủ tục tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân được áp dụng như tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.
Luật cũng bổ sung quy định mới về công nghiệp an ninh. Theo đó, Nhà nước có chính sách, cơ chế đặc thù xây dựng và quy hoạch phát triển công nghiệp an ninh; đầu tư nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện khác phục vụ nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh. Quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất của hạ sĩ quan là 45 tuổi, cấp úy là 53 tuổi, thiếu tá, trung tá đối với nam là 55 tuổi, nữ là 53 tuổi; thượng tá với nam là 58 tuổi, nữ 55 tuổi, đại tá với nam là 60 tổi, nữ là 55 tuổi, cấp tướng là 69 tuổi.
Để triển khai thi hành Luật CAND (sửa đổi), từ nay đến 1/7/2019, Bộ Công an sẽ xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, phổ biến cho đến xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy định chi tiết, biện pháp thi hành Luật. Trước mắt, Bộ Công an tổ chức tập huấn các nội dung của Luật cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ cốt cán, hội viên Chi hội Luật gia, báo cáo viên pháp luật Công an các cấp; các học viện, trường trong CAND. Đồng thời, phân công cho đơn vị xây dựng hệ thống văn bản quy định chi tiết 15 điều, khoản, điểm của Luật./.