Trong ngày làm việc đầu tiên của phiên họp toàn thể lần thứ 10, Ủy ban Tư pháp đã tiến hành cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo giám sát chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với các quyết định, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Ủy ban nhân dân”. Tại buổi làm việc, các bộ, ngành đã chỉ rõ những nhiệm vụ cụ thể trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính kể từ khi Luật tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực.
Đại diện Bộ Tư pháp phát biểu tại phiên họp
Các bộ, ngành chấp hành nghiêm pháp luật về tố tụng hành chính
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, qua tổng hợp công tác kiểm sát việc giải quyết án hành chính ở các địa phương đã xác định những dạng vi phạm trong quyết định hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân chủ yếu là: các quyết định được ban hành về giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thu hồi đất, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cưỡng chế thu hồi đất không đảm bảo căn cứ pháp luật, không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ việc. Việc hỗ trợ, bồi thường khi thu hồi đất chưa thỏa đáng, chưa đúng quy định; xác định không đúng thời điểm sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng đối tượng. Theo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, việc kiểm sát trả lại đơn khởi kiện, kiểm sát thụ lý và giải quyết vụ án hành chính của Tòa án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân bị khởi kiện được đảm bảo; kiểm sát viên tham gia hầu hết các phiên tòa. Qua công tác kiểm sát đã phát hiện nhiều vi phạm, Viện kiểm sát đã tiến hành kháng nghị, kiến nghị kịp thời, chất lượng kháng nghị vượt chỉ tiêu do Quốc hội đề ra tại Nghị quyết số 37/2012/QH13.
Về nhiệm vụ chấp hành pháp luật tố tụng hành chính của ngành Tòa án, đại diện Tòa án nhân dân tối cao cho biết, từ khi Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực đến nay, do quy định mới về thảm quyền của các cấp Tòa án, nên số vụ khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Ủy ban nhân dân tiếp tục tăng ở Tòa án cấp tỉnh.
Theo Tòa án nhân dân tối cao số vụ án hành chính đã giải quyết theo thủ tục sơ thẩm trong 03 năm (2015-2017) là hơn 9000 vụ. So với tổng số án hành chính đã thụ lý sơ thẩm, thì số án kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân chiếm hơn 60%.
Đại diện Bộ Tư pháp cho biết, năm 2017, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự tiến hành kiểm tra tình hình triển khai thực hiện công tác theo dõi thi hành án tại các Cục thi hành án dân sự như tại Tp Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Hải Phòng, Bắc Giang, An Giang, Đồng Nai, Hà Nội, Đồng Tháp…Theo Bộ Tư pháp cho biết, trong 3 năm 2015, 2016, 2017, tổng bố bản án, quyết định phải đôn đốc/theo dõi đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Ủy ban nhân dân là khoảng 580 vụ việc, trong đó số quyết định buộc phải thi hành án hành chính các cơ quan thi hành án dân sự đã đăng tải công khai khoảng 70 quyết đinh; số trường hợp chấp hành viên đã làm việc người phải thi hành án là hơn 120 trường hợp. Kết quả, tính đến ngày 30/9/2017, tổng số bản án, quyết định đã được thi hành xong là hơn 470 vụ việc; tổng số bản án, quyết định chưa được thi hành xong là gần 50 vụ việc.
Các đại biểu thảo luận tại phiên họp
Cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa
Tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Tư pháp và các đại biểu tham dự đánh giá Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp đã tích cực, chủ động trong công tác soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Tố tụng hành chính cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban và một số đại biểu cũng chỉ ra rằng, sự phối hợp giữa cơ quan Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan thi hành bản án, quyết định hành chính, có lúc, có nơi chưa thật sự được chặt chẽ, chưa kịp thời phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án hành chính.
Nhận định được một số tồn tại trên, các đại biểu đề nghị các bộ, ngành cần có biện pháp khắc phục để làm tốt hơn nữa việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính trong thời gian tới. Cụ thể: Tòa án nhân dân tối cao cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tổng kết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác giải quyết các vụ án hành chính để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng đẫn thi hành; tăng cường công tác giải đáp, hướng dẫn nghiệp vụ. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tăng cường công tác ra soát, kiện toàn bộ máy, bố trí nguồn lực hợp lý trên cơ sở biên chế hiện có để tăng cường Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên có kinh nghiệm, năng lực cho khâu kiểm sát giải quyết án hánh chính, thi hành án hành chính và pháp chế. Đề nghị Bộ Tư pháp tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ trên cơ sở tổng hợp các vướng mắc từ địa phương; khắc phục tình trạng hầu hết các Cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên ngại va chạm trong việc ban hành các văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Ủy ban nhân dân. Đồng thời Bộ Tư pháp cần tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác thi hành án hành chính tại các địa phương, đặc biệt các địa phương có số lượng lớn các bản án hành chính phải thi hành; tham mưu với Chính phủ có giải pháp nhằm thi hành dứt điểm các bản án, quyết định hành chính của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật tồn tại từ năm 2011 đến nay./.