Toàn cảnh buổi tiếp
Vui mừng chào đón Giáo sư Jerome Isaac Friedman, Phó Tổng Thư ký, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh chúc mừng những thành công, những phát kiến vĩ đại mà Giáo sư đã đạt được trong sự nghiệp của mình.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh hy vọng, với kinh nghiệm của một nhà khoa học lỗi lạc, Giáo sư sẽ tiếp tục tham gia các sự kiện khoa học của Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm tới các nhà khoa học trẻ, các tài năng vật lý trẻ của Việt Nam có thêm cơ hội phát triển, thể hiện mình và khẳng định những đóng góp to lớn cho sự phát triển của khoa học và công nghệ trên thế giới cũng như sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Giáo sư Jerome Isaac Friedman chia sẻ tại buổi tiếp
Cảm ơn sự tiếp đón của Phó Tổng Thư ký, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh, Giáo sư Jerome Isaac Friedman đánh giá Việt Nam là một đất nước có nhiều tiềm lực to lớn; sinh viên Việt Nam rất chăm chỉ và sáng tạo, đã đóng góp nhiều vào sự phát triển của đất nước trong lĩnh vực khoa học và kiến trúc.
Giáo sư Jerome Isaac Friedman cho rằng, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu cơ bản, vì những lợi ích lớn và lâu dài. Theo Giáo sư, chúng ta đang cần nhiều giải pháp công nghệ để phục vụ cuộc sống, cần nhiều nghiên cứu để tạo ra những tiến bộ mới và cần nhiều những tiến bộ khoa học mới để giải quyết những vấn đề đang vướng mắc. Không chỉ Việt Nam mà tất cả quốc gia trên thế giới đều cần phải đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu cơ bản và cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển khoa học. Giáo sư Jerome Isaac Friedman bày tỏ tin tưởng, việc Chính phủ Việt Nam luôn đề cao và có nhiều chính sách đúng đắn trong phát triển khoa học, công nghệ sẽ đem lại những thành tựu to lớn cho Việt Nam trong phát triển kinh tế -xã hội.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Giáo sư chụp ảnh lưu niệm tại buổi tiếp
+ Giáo sư Jerome Isaac Friedman sinh ngày 28/03/1930 tại Chicago. Ông là nhà vật lý người Mỹ đã đoạt giải Nobel Vật lý năm 1990 cùng với Henry Kendall và Richard E, Taylor cho công trình nghiên cứu tiên phong của họ về “tán xạ phi đàn hồi sâu của các electron trên các proton và neutron liên kết”, là công trình có tầm quan trọng thiết yếu cho sự phát triển của mô hình quark trong ngành vật lý học.
GS Jerome Isaac Friedman đã từng nhiều lần đến Việt Nam. Trong chuyến thăm lần này, Giáo sư sẽ đến tham dự hội thảo “Những cửa sổ nhìn vào vũ trụ” nhân kỷ niệm 25 năm Gặp gỡ Việt Nam tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành tại Quy Nhơn, Bình Định và giao lưu với các học sinh được giải thưởng quốc tế Olympic nhằm truyền cảm hứng sáng tạo khoa học./.