Hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước
Tại hội nghị, đa phần các đại biểu đều cho rằng sự ra đời của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước trong thời điểm hiện tại là cần thiết. Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng Quốc hội cần xem xét kỹ càng dự thảo Luật để tránh việc lạm dụng luật để văn bản nào cũng mật, tài liệu nào cũng mật, từ đó gây ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin của người dân.
Đi sâu vào dự thảo Luật, đại biểu cho rằng ở Điều 21 về thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước cần điều chỉnh lại cho phù hợp. Cụ thể theo dự thảo Luật, thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước là 30 năm đối với bí mật độ “tuyệt mật”; 20 năm đối với bí mật độ “tối mật” và 10 năm đối bí mật độ “mật”. Với quy định này có thể hiểu rằng sau thời gian đó thì những bí mật Nhà nước sẽ được công khai. Tuy nhiên, tại Điều 22 của dự thảo Luật lại cho gia hạn vô số lần nếu việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Điều này vô tình làm cho quy định trở nên vô nghĩa hoặc bị vô hiệu hóa.
Còn tại Điều 25 về tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật Nhà nước, đại biểu cho rằng quy định theo dự thảo Luật còn đơn giản, vì thế cần quy định rõ hơn nhóm đối tượng, thẩm quyền và phương thức tổ chức thực hiện để quy định này được chặt chẽ hơn.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang đã ghi nhận và sẽ chuyển đến Quốc hội trong kỳ họp gần nhất./.