Toàn cảnh hội nghị
Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có các thành viên Ban Dân nguyện, đại diện các Ủy ban, cơ quan, đơn vị của Quốc hội, đại diện Ban Dân vận Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng đại diện một số Bộ, ngành.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, công tác dân vận giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động của Quốc hội. Khi thực hiện các chức năng lập hiến, lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước, Quốc hội luôn hết sức chú trọng đến chính sách phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân vận.
Trong thời gian vừa qua, công tác dân nguyện của Quốc hội đã được quan tâm cải tiến, đổi mới và đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần vào sự thành công chung của Quốc hội, được cử tri cả nước đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác dân nguyện vẫn còn một số tồn tại một số bất cập như: một số đại biểu Quốc hội do khối lượng công tác chuyên môn lớn còn chưa dành nhiều thời gian cho công tác nghiên cứu đơn thư của công dân để chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; công tác đôn đôc theo dõi, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo đôi khi còn chưa thường xuyên nên hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng nguyện vọng của công dân; các hình thức tiếp xúc cử tri chủ yếu vẫn thực hiện thông qua phương thức truyền thống là trước và sau kỳ họp nên việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân vẫn còn nhiều hạn chế…
Nhằm phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác dân nguyện gắn với việc thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Trưởng Ban Dân nguyện mong muốn nhận được nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn của các đại biểu về nội dung này, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác dân vận và công tác dân nguyện của Quốc hội trong thời gian tới để đáp ứng nhiều hơn nữa nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân cả nước.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại Hội nghị
Theo Báo cáo chuyên đề về Kết quả công tác giám sát việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri và giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát trong thời gian tới, nhìn chung, công tác nghiên cứu xử lý đơn, thư thuộc trách nhiệm của Quốc hội đã được tăng cường; nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo gay gắt đã được nghiên cứu kỹ để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân. Việc nghiên cứu, giám sát vụ việc cụ thể đạt kết quả tốt, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp,chính đáng của người dân, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội đã chủ động theo dõi, giám sát ngay trong quá trình giải quyết vụ việc; chủ động nghiên cứu, yêu cầu các cơ quan chức năng của địa phương báo cáo, cung cấp thông tin việc giải quyết các vụ việc mà Đoàn đại biểu Quốc hội đã chuyển đơn. Một số Đoàn đại biểu Quốc hội đã xây dựng quy trình tiếp nhận, xử lý đơn và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; xác định thứ tự ưu tiên xử lý đơn theo các tiêu chí cụ thể, qua đó công tác xử lý đơn được thực hiện nghiêm túc với quy trình hiệu quả, khoa học; công tác theo dõi, đôn đốc, giám sát cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường.
Đa số các đại biểu cho rằng, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội trong những năm qua ngày một được nâng cao chất lượng, bước đầu đã khắc phục được tính hình thức, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chung của Quốc hội. Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội trong những năm gần đây đã góp phần tạo không khí dân chủ trong xã hội, tăng cường mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri, giữa chính quyền với nhân dân và giữa nhân dân với Quốc hội, nâng cao năng lực đại diện cho các vị đại biểu dân cử, tạo điều kiện để cử tri tham gia quản lý nhà nước, góp phần làm sâu sắc thêm bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Hoạt động tiếp xúc cử tri được đổi mới theo hướng mở rộng thành phần, đối tượng cử tri và tiếp xúc trực tiếp ở các cụm dân cư, khu phố, làng, thôn, bản, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân gặp gỡ và trao đổi với đại biểu Quốc hội. Nội dung tiếp xúc cử tri cũng đã được lựa chọn, chắt lọc từ các vấn đề nổi bật trong kỳ họp Quốc hội cũng như những vấn đề dư luận quan tâm.
Đại biểu phát biểu tại Hội nghị
Tuy nhiên, từ thực tế các địa biểu cũng chỉ ra rằng, hình thức tiếp xúc cử tri hiện nay vẫn còn đơn điệu. Hiệu quả trả lời tại buổi tiếp xúc của một số đại biểu Quốc hội còn thấp do chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa nắm bắt đầy đủ thông tin về tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương. Thời gian mỗi đại biểu Quốc hội dành cho tiếp xúc cử tri còn hạn chế. Nội dung tiếp xúc cử tri mới tập trung vào kết quả các kỳ họp Quốc hội, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ từ kỳ họp trước đến kỳ họp sau, tuy nhiên, những nội dung chuyên sâu còn thiếu. Một số thông tin chưa được truyền đạt đầy đủ đến cử tri, dễ dẫn đến hiểu nhầm, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng gây bất ổn xã hội…
Các đại biểu đề nghị, trong thời gian tới, Đảng đoàn Quốc hội cần tiếp tục lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đẩy mạnh thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân vận khi thẩm tra, thảo luận, cho ý kiến và xem xét thông qua các dự án; tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giám sát hoạt động của các cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Bên cạnh đó, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội; Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc tiếp công dân, xử lý đơn, thư của công dân, giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Mặt khác, tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền các địa phương trong việc tiếp công dân, kịp thời giải quyết đơn, thư khiếu nại tố cáo của công dân và giải quyết kiến nghị của cử tri, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và là tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc của cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền. Đặc biệt, cần chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tiếp nhận, xử lý đơn, thư và kiến nghị cử tri.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cảm ơn những ý kiến phát biểu tâm huyết của các vị đại biểu dự Hội nghị. Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, Ban Dân nguyện sẽ tổng hợp đầy đủ, báo cáo Đảng đoàn Quốc hội để có chỉ đạo cụ thể nhằm đẩy mạnh các hoạt động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện công tác dân vận theo tinh thần Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI nói chung và các mặt của công tác dân nguyện nói riêng.
Trên cơ sở tinh thần Hội nghị, Trưởng Ban dân nguyện đề nghị các cơ quan của Quốc hội; các Bộ, ngành Trung ương; các cơ quan, đơn vị hữu quan; các đại biểu Quốc hội… tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ban Dân nguyện trong việc tham mưu, giúp Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện công tác dân vận theo nội dung Nghị quyết 25-NQ/TW./.