Tham dự buổi làm việc còn có Quyền Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam Đinh Quang Tri, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cùng các thành viên Đoàn giám sát.
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Báo cáo trước Đoàn giám sát, Quyền Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam Đinh Quang Tri cho biết, trong giai đoạn 2011-2016, nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài và vay thương mại nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc cân đối nguồn vốn cho đầu tư xây dựng của Tập đoàn. Trong bối cảnh khó khăn về thu xếp vốn cho các dự án điện giai đoạn này, nguồn vay càng có ý nghĩa góp phần đảm bảo hoàn thành kế hoạch đầu tư xây dựng của Tập đoàn và cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế- xã hội.
Các dự án ODA đã hỗ trợ tổng thể cho việc nâng cấp và mở rộng hệ thống điện, đáp ứng nhu cầu về cung cấp điện an toàn và tin cậy. Tổng công suất nguồn điện được cải tạo, mở rộng và đầu tư mới bổ sung cho toàn hệ thống thông qua các dự án sử dụng nguồn ODA, vốn vay ưu đãi. Hàng loạt dự án lưới điện truyền tải 500kV, 220kV sử dụng nguồn vốn ODA góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực truyền tải điện, tăng độ tin cậy ổn định hệ thống.
Nhiều dự án trọng điểm, có quy mô đầu tư lớn sử dụng nguồn vốn ODA như mạch vòng 500kV Phú Mỹ- Song Mây- Tân Định- Phú Lâm- Nhà Bè; Sơn La- Hiệp Hòa- Quảng Ninh- Thường Tín- Nho Quan- Hòa Bình, đảm bảo cung cấp điện cho các thành phố lớn và trọng điểm kinh tế của đất nước.
Đặc biệt các dự án ODA đã mang lại kết quả ấn tượng về chương trình điện khí hóa khu vực nông thôn với tỷ trọng lớn từ nguồn vốn ODA đến nay đã nâng số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia từ đạt trên 98,69%, số xã đạt trên 99,97%.
Quy chế quản lý và thực hiện nguồn ODA đã được hoàn thiện, bộ máy tổ chức thực hiện các chương trình dự án ODA ngày càng chuyên nghiệp hơn đã góp phần thực hiện hiệu quả các nguồn lực ODA. Thông qua các dự án sử dụng nguồn ODA, cán bộ ngành ddienj nói chung và cán bộ kỹ thuật nói riêng đã được tiệp cận, học hỏi kinh nghiệm nâng cao trình độ chuyên môn từ các chuyên gia quốc tế; được đào tạo, chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến…góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực cho cán bộ ngành điện.
Quyền Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đinh Quang Tri báo cáo trước Đoàn giám sát
Bên cạnh đó, đại diện EVN chia sẻ thực tế, thời gian chuẩn bị đối với một dự án điện vay vốn ODA khoảng 2-3 năm bao gồm các bước như xác định dư án, chuẩn bị, thẩm định, phê duyệt và đàm phán, ký kết khoản vay. Ngoài ra, do phải đáp ứng thời hạn hoàn thành hồ sơ dự án theo yêu cầu nhà tài trợ, các đơn vị chuẩn bị danh mục dự án chưa sát với tình hình thực tế (quy hoạch địa phương, nhu cầu phụ tải…), hồ sơ dự án sơ sài, chất lượng chưa cao, phải hiệu chỉnh nhiều lần, ảnh hưởng tới tiến độ hoàn thành các thủ tục trình duyệt của phía Việt Nam và nhà tài trợ. Các thủ tục pháp lý để khoản vay có hiệu lực thường mất nhiều thời gian do các quy định của Việt Nam thiếu sự đồng bộ, chồng chéo và chưa hài hòa với quy định của các nhà tài trợ.
Đại diện EVN cho rằng do thiếu đồng bộ trong các quy định của pháp luật, thiếu hài hòa về thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ, năng lực cán bộ quản lý và sử dụng vốn ODA, công tác theo dõi thực hiện và đánh giá các chương trình dự án ODA chưa thực hiện đầy đủ là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến một số chương trình dự án ODA chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Để tăng cường hiệu quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho các dự án điện thời gian tới, đại diện EVN cho biết, Tập đoàn sẽ tập trung thực hiện rà soát, lập kế hoạch và lựa chọn danh mục dự án đầu tư theo từng giai đoạn phù hợp với tiến độ chuẩn bị, đàm phàn và giải ngân các khoản vay của nhà tài trợ. Xem xét, đánh giá hiệu qảu các dự án đầu tư để cân nhắc, quyết định đầu tư phù hợp chi phí nguồn vốn vay. Nâng cao chất lượng chuẩn bị tài liệu dự án, đảm bảo kế hoạch đàm phán các khoản vay, tiến độ thực hiện dự án đáp ứng yêu cầu về chất lượng hồ sơ. Thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân của các dự án đang thực hiện. Cùng với đó, Tập đoàn sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan thúc đẩy hoàn thành thủ tục trình duyệt dự án vay vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định trong thời gian sớm nhất. Tích cực phối hợp làm việc với các nhà tài trợ, tổ chức tài chính…tìm kiếm khả năng vay trực tiếp (không yêu cầu bảo lãnh của Chính phủ), đa dạng hóa nguồn vốn vay trong bối cảnh khó khăn tiếp cận các khoản vay như hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng lưới điện phân phối.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải đánh giá báo cáo của EVN tương đối chi tiết, đáp ứng yêu cầu của Đoàn giám sát. Qua trao đổi nhiều nội dung các thành viên Đoàn giám sát quan tâm được giải trình làm rõ. Về cơ bản Đoàn giám sát đánh giá cao nỗ lực của EVN trong việc quản lý, sử dụng vốn ODA góp phần thực hiện nhiệm vụ cung ứng điện cho phát triển kinh tế- xã hội. Về cơ bản việc quản lý, sử dụng vốn ODA tại EVN cơ bản đạt hiệu quả với số lượng lớn vốn được huy động. Trên cơ sở kinh nghiệm đã có, đánh giá tình hình thực hiện thời gian qua, định hướng phát triển ngành điện, tiếp tục đặt ra yêu cầu sử dụng hiệu quả vốn ODA trong điều kiện mới. Trong đó, chú trọng đa dạng hóa nguồn vốn vay, khắc phục hạn chế trong giải ngân vốn, tập trung sử dụng vốn ưu đãi, nguồn ngân sách cho vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị EVN tiếp tục hoàn thiện báo cáo để gửi lại Đoàn giám sát.
Cùng ngày, Đoàn Giám sát cũng đã có buổi làm việc với Tổng Công ty Công nghiệp tầu thuỷ./.