THẢO LUẬN TỔ 06 KỲ HỌP THỨ 5 QUỐC HỘI KHÓA XIV: ĐBQH ĐỀ NGHỊ CẦN ĐỊNH HƯỚNG ĐẦU TƯ TỪ BẬC HỌC THẤP NHẤT

30/05/2018

Chiều 30/5, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Phát biểu tại tổ số 06 (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng, Thái Bình, Bình Định), đại biểu Nguyễn Phi Long cho rằng dự thảo Luật giáo dục cần có định hướng phát triển giáo dục từ bậc học thấp nhất là mầm non để từ có quy định chính sách ưu tiên rõ ràng.

Tổ 06 thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

Phát biểu tại tổ, đại biểu Nguyễn Phi Long – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho rằng Luật giáo dục là nền tảng, là cơ sở của hệ thống giáo dục quốc dân chi phối toàn bộ nền tảng giáo dục hiện nay. Mọi quan điểm, mục tiêu phát triển giáo dục đều phải được thể hiện trong luật giáo dục để định hướng, định hình nền giáo dục sau này. Trước nhiều vấn đề đặt ra, đại biểu cho rằng lần sửa đổi này cần phải sửa đổi một cách toàn diện, tổng thể Luật Giáo dục và có thể đặt tên là Luật Giáo dục (sửa đổi).

Trao đổi cụ thể về nội dung về giáo dục mầm non trong dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Phi Long cho biết, Luật Giáo dục hiện hành quy định giáo dục mầm non thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 3 tháng đến 6 tuổi. Đây là lứa tuổi nền tảng rất quan trọng cần sự chăm sóc của gia đình, nhà trường và xã hội một cách bài bản, chỉn chu, an toàn và cẩn thận nhất. Tuy nhiên vừa qua chúng ta thấy được rất nhiều vấn đề liên quan đến bậc học này. Đại biểu bày tỏ mong muốn Ban soạn thảo chỉnh sửa tổng thể Luật giáo dục và quan tâm đặc biệt hơn nhóm trẻ nhỏ nhất.

Đại biểu nêu rõ, theo thống kê của Bộ Giáo dục- Đào tạo, năm học 2017-2018 chúng ta có 15256 trường trong đó có 12662 trường công lập và ngoài công lập 2594 trường. Số nhóm lớp có 199151 và số trẻ em theo học là 5.306.536. Trong khi đó, tại các trường công lập thì quá tải, 30-40 cháu trên 1-2 cô chăm sóc. Các trường ngoài công lập mở ồ ạt không có kiểm định, đánh giá; nhiều trường chui tự lập, giáo viên không được đào tạo không đạt chuẩn. Trước thực trạng đó, đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục- Đào tạo cần nghiên cứu, giải quyết nhiều vấn đề. 

Đại biểu Nguyễn Phi Long phát biểu tại phiên thảo luận

Cụ thể, điều 101 Luật Giáo dục quy định về đầu tư các nguồn tài chính cho giáo dục cần phải phải quy định nhà nước ưu tiên đầu tư cho cấp mầm non và ghi rõ tỷ lệ phần trăm nhất định đầu tư ngân sách cho mầm non đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu công nghiệp, khu chế xuất trong tổng số 20% ngân sách nhà nước dành cho giáo dục. Ngoài đầu tư về tiền bạc thì còn vấn đề đất đai, cơ sở vật chất, đầu tư về giáo viên cũng cần phải được quan tâm ở bậc học này.

Đại biểu nhấn mạnh, có định hướng giáo dục mà nhà nước không đầu tư bài bản ở một cấp nào đó thì rất khó có để có một nền tảng vững chắc. Chúng ta khuyến khích xã hội hóa nhưng xã hội hóa mà không quản lý được hoặc quản lý chưa tốt cũng tạo ra dư luận xã hội ảnh hướng tới cả hệ thống.

Liên quan đến vấn đề giáo viên, đại biểu đề nghị, giáo viên mầm non phải thực sự quy chuẩn bởi nếu giáo viên không có kĩ năng chăm sóc trẻ em, không có tình yêu thương trẻ em thì không thể làm được.

Cùng với đó, giáo viên mầm non phải có vị trí nhất định trong hệ thống giáo dục, trong hệ thống cán bộ công chức của ngành giáo dục. Cố gắng sau này xây dựng một luật nhà giáo phải xác định vị trí, vai trò của thầy cô để đào tạo bài bản, bảo đảm thu nhập, tránh trường hợp các thầy cô được tuyển dụng nhưng khi không có tiền trả lương lại loại bỏ.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại phiên họp giải trình những vấn đề đại biểu quan tâm

Dự thảo luật cũng cần quy định những nơi trọng điểm nhà nước phải đầu tư như khu công nghiệp, khu chế xuất. Đây là khu vực nhiều thanh niên trong lứa tuổi xây dựng gia đình, những người đóng góp xây dựng đất nước nhưng đầu từ cho đối tượng này hiện nay lại rất thấp. Các gia đình trẻ ở khu vực này đều phải gửi con ở nhóm giữ trẻ ngoài công lập không đảm bảo chất lượng, con cái phó mặc cho các điểm học, may mắn gặp được người người tốt thì con mình được chăm sóc, ăn uống, vệ sinh nhưng không may mắn thì rất nguy hiểm.

Đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, nhiều điểm học cách nhà hàng chục cây số, thời tiết không thuận lợi đưa trẻ đi học rất vất vả. Do đó nếu nói thực hiện xã hội hóa nhà trẻ ở các khu vực này là rất khó thu hút thực hiện vì vậy nhà nước phải đầu tư tại những khu vực này.

Ngoài ra, trong phát biểu của mình, đại biểu Nguyễn Phi Long cũng đề nghị quan tâm đến phân luồng trong giáo dục. Theo đó, người học sau khi học xong trung học cơ sở có thể tùy vào năng lực của mình mà học lên trung học phổ thông hoặc học nghề và sau đó lên đại học, đồng thời trong quá trình học nghề nếu thấy có thể nâng cao trình độ có thể học lên đại học và ngược lại. Để quy định được như vậy cũng cần có giải pháp để thực liên thông hoặc rẽ ngang trong hệ thống giáo dục. Điều này bảo đảm xây dựng một hệ thống giáo dục mở, làm tốt định hướng nghề nghiệp và giáo dục nghề nghiệp cũng như có thời gian đào tạo công nhân lành nghề công nhân bậc cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội

Bài và ảnh: Bảo Yến