Thảo luận về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) tại tổ 06 (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng, Thái Bình và Bình Định), các đại biểu cho rằng nhiều nội dung cần được quy định cụ thể hơn trong luật như thời điểm đặc xá, điều kiện đặc xá, khác biệt giữa xét đặc xá và tha tù trước thời hạn.
Đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) tại tổ số 06 (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng, Thái Bình, Bình Định)
Thống nhất cao với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đặc xá, nhiều đại biểu Quốc hội cho biết, dự án Luật thể hiện sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước đối với người phạm tội bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, đồng thời khuyến khích họ ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo để được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước, trở thành người có ích cho xã hội. Tuy nhiên, một số đại biểu nêu rõ, các quy định về đặc xá chưa có nhiều khác biệt cơ bản so với các chính sách khoan hồng khác đang được giao cho cơ quan tư pháp thực hiện. Tính chất đặc biệt này phải được thể hiện ở các nội dung chủ yếu là: thẩm quyền, thời điểm, điều kiện, trình tự, thủ tục đặc xá.
Trước quan điểm cho rằng đặc xá và tha tù trước thời hạn được quy định trong Bộ luật hình sự có nhiều điều kiện giống nhau, đại biểu Lê Đình Nhường – Thái Bình, cho rằng cần phải hiểu rõ bản chất của đặc xá và tha thù trước thời hạn có điều kiện là khác nhau.
Đại biểu Lê Đình Nhường nêu rõ bản chất của của đặc xá và tha tù trước thời hạn có điều kiện là khác nhau
Về bản chất pháp lý, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vẫn là người đang chấp hành án, chỉ thay đổi hình thức từ chấp hành án trong các cơ sở giam giữ sang chấp hành tại cộng đồng, hay nói cách khác họ được “nợ” phần hình phạt chưa chấp hành. Đặc xá là ân huệ của Chủ tịch nước, miễn toàn bộ hoặc một phần hình phạt cho người đang chấp hành hình phạt để họ được ra ngoài, làm công dân bình thường. Do đó đại biểu đề nghị Ủy ban thẩm tra cần xem xét lại các kiến nghị về đối tượng và điều kiện đặc xá để thể hiện đúng bản chất của từng chế định, không thể vì cho rằng điều kiện của hai chế định tương đối giống nhau mà hạn chế đối tượng và rút ngắn điều kiện về thời gian chấp hành án trong đặc xá.
Đại biểu Nguyễn Phi Long – Bình Định, cho rằng dự thảo Luật cần quy định cụ thể, rõ ràng về các điều kiện đặc xá để bảo đảm tính công khai minh bạch, trách trường hợp phải đợi có hướng dẫn mới thi hành được; đồng thời bảo đảm quyền cho phạm nhân, tạo điều kiện cho phạm nhân phấn đấu trong quá trình cải tạo. Như quy định về chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí, bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác thì cần định lượng rõ là đã thực hiện được bao nhiêu phần trăm thì được xem xét đặc xá hay đối với điều kiện về gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dư thảo luật quy định như vậy còn chung chung, cần cụ thể là hộ nghèo, hay cận nghèo…
Đại biểu Nguyễn Phi Long đề nghị quy định cụ thể các điều kiện được xét đặc xá
Trong khi đó đại biểu Bùi Quốc Phòng – Thái Bình, đề nghị dự thảo Luật cần xác định cụ thể hơn thế nào là sự kiện trọng đại của đất nước để bảo đảm chủ động trong triển khai thực hiện, đồng bộ giữa các luật và đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp. Theo đại biểu, dự thảo Luật giữ nguyên quy định của Luật hiện hành về 3 thời điểm đặc xá gồm nhân sự kiện trọng đại của đất nước; nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt là hợp lý và phù hợp với thẩm quyền của Chủ tịch nước. Tuy nhiên, hiện nay mới có hướng dẫn cụ thể về các ngày lễ lớn theo quy định của Chính phủ mà mà chưa quy định về sự kiện trọng đại của đất nước, vì vậy đại biểu đề nghị phải quy định cụ thể hơn về nội dung này.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh – Bình Định, thì cho rằng, thời điểm xét đặc xá cần tính đến tình hình tội phạm của đất nước lúc đó để xác định số lượng phạm nhân được đặc xá vào mỗi đợt, khắc phục tình trạng đặc xá lớn, đối tượng rộng như thời gian qua làm phức tạp thêm cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng cần phải xem xét đến tình hình tội phạm tại thời điểm xét đặc xá
Ngoài ra, tại buổi thảo luận các đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát dự thảo Luật để bảo đảm quy định thống nhất, phù hợp với quan điểm chỉ đạo và định hướng xây dựng Luật, tránh chồng chéo, mâu thuẫn về nội dung như: thẩm quyền quyết định đặc xá của Chủ tịch nước; trình tự, thủ tục lập hồ sơ, danh sách người đủ điều kiện đề nghị đặc xá nhân ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước; thực hiện quyết định đặc xá đối với người nước ngoài; xem xét đặc xá với người bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, chống hòa bình, chống loài người, tội phạm chiến tranh, khủng bố; xem xét đặc xá trong trường hợp đặc biệt, đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của nhà nước; đồng thời cần tiếp tục rà soát về kỹ thuật văn bản để bảo đảm chất lượng của dự thảo Luật.