Toàn cảnh phiên làm việc buổi sáng 24/5
Với mong muốn góp phần hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Vương Ngọc Hà Đoàn đại biểu Quốc hội Tỉnh Hà Giang chia sẻ còn một số băn khoăn và đề xuất thêm một số nội dung như sau trong dự án Luật Tố cáo (sửa đổi):
Thứ nhất, về khái niệm người bị tố cáo được quy định là: Người bị tố cáo là cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi bị tố cáo. Đại biểu cho rằng cần phải sửa đổi, bổ sung khái niệm này. Bởi vì, theo rà soát trong dự thảo luật có đến 49 từ sử dụng "người bị tố cáo". Trong đó đại biểu Vương Ngọc Hà thấy rằng có những từ được gắn với thuộc tính như là của một cá nhân. Cụ thể như tại điểm c khoản 1 Điều 31 quy định về việc xác minh nội dung tố cáo thì quy định họ tên, địa chỉ của người bị tố cáo.
Đại biểu Vương Ngọc Hà phát biểu tại phiên làm việc
Tại khoản 4 của điều này quy định: Trong quá trình xác minh, người xác minh nội dung tố cáo phải tạo điều kiện để người bị tố cáo giải trình và đưa ra những chứng cứ để xác minh. Đại biểu cho rằng, họ và tên chỉ dùng cho một con người cụ thể và việc giải trình hay đưa ra những chứng cứ đối với cá nhân hay tổ chức thì phải được cơ quan, tổ chức đó ủy quyền cho người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó. Vì vậy, nếu như dùng từ "người" để bao hàm cho cả cơ quan, tổ chức thì có lẽ chưa đầy đủ. Vì vậy đại biểu xin được đề nghị nên dùng từ "đối tượng" thay cho từ "người".
Giải thích về vấn đề này, đại biểu cho biết, đối tượng bị tố cáo là các đối tượng mà bị người tố cáo nêu tên và cho rằng có hành vi vi phạm ghi vào trong đơn tố cáo hoặc người tố cáo đến báo với cơ quan có thẩm quyền rằng một người nào đó có hành vi mà họ cho rằng là hành vi vi phạm. Theo báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ thì trong năm 2017 chỉ có hơn 10% là tố cáo đúng, số còn lại tố cáo sai và vừa đúng vừa sai. Vì vậy, những đối tượng bị ghi trong đơn tố cáo mà bị tố cáo sai thì là nhũng đối tượng không có hành vi mà người đã tố cáo. Chính vì vậy, nếu khẳng định ngay người bị tố cáo là người có hành vi bị tố cáo là chưa hoàn toàn chính xác. Vì vậy, đại biểu Vương Ngọc Hà mong muốn điều này sẽ được chỉnh sửa, bổ sung và quan điểm cá nhân đại biểu được đề nghị, đó là đối tượng bị tố cáo là cơ quan, tổ chức, cá nhân bị người tố cáo báo cho cơ quan có thẩm quyền là có hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ hai, về việc tiếp nhận tố cáo tại Điều 23, khoản 1 tố cáo bằng văn bản. Trong thực tế có xảy ra những hiện tượng đó là một nội dung tố cáo nhưng được gửi đến rất nhiều nơi, ví dụ đã có rất nhiều đại biểu Quốc hội cùng nhận được những đơn tố cáo về cùng một nội dung, nếu theo quy trình thì tất cả những nội dung này đều phải được những người nhận được đơn thông báo đến người gửi đơn là đã nhận được đơn tố cáo, đồng thời chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nếu như vậy rất khó khăn và thực tế đã cho thấy rất khó khăn đối với cơ quan tổng hợp dữ liệu này. Vì vậy, luật của chúng ta lần này có thể giải quyết được vấn đề đó hay không. Đại biểu Vương Ngọc Hà mong muốn lần sửa đổi luật lần này cần giải quyết được vấn đề đó bổ sung vào trong khoản này về địa chỉ nhận đơn tố cáo, đó là tùy theo từng vụ việc người tố cáo có thể gửi đơn đến một địa chỉ là cơ quan có thẩm quyền theo từng vụ việc mà chúng ta đã quy định rất rõ ràng từ Điều 13 đến Điều 21 của luật này. Hoặc nếu như không xác định được cơ quan nào có thẩm quyền thì có thể gửi đến cơ quan tiếp dân.
Tại Điều 24 về việc xử lý ban đầu thông tin tố cáo đã quy định rất rõ về trách nhiệm của các cơ quan nhận được đơn mà không thuộc thẩm quyền.
Đối với khoản 2 người đến tố cáo trực tiếp, mặc dù chúng ta đã ban hành Luật Tiếp công dân trong đó quy định rõ ràng về nơi để tổ chưc tiếp dân cũng như quyền và nghĩa vụ của người tố cáo đến điểm tiếp dân. Nhưng thực tế vẫn có hiện tượng người tố cáo đến các điểm để tố cáo trực tiếp bằng lời nói mà nơi đó những cơ quan, tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền để tiếp công dân nên gây khó khăn cho cơ quan này. Vậy luật này có nên xử lý nội dung này hay không.
Đại biểu Vương Ngọc Hà đề nghị bổ sung nội dung về địa chỉ để tiếp nhận tố cáo trực tiếp bằng lời nói là các cơ quan tiếp công dân theo quy định.Đại biểu tin rằng việc gửi đơn đúng địa chỉ cũng như đến đúng nơi để trình bày chắc chắn họ sẽ thực hiện vì họ muốn có một bộ máy trong sạch. Nếu làm được vậy thì đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để chúng ta tuyên truyền cho các công dân thực hiện làm theo đúng pháp luật và góp phần xây dựng nếp sống văn minh.
Gắn với nội dung này đại biểu cũng xin đề nghị bỏ nội dung hướng dẫn người tố cáo viết bằng văn bản khi đến trực tiếp tố cáo bằng lời nói, vì quy định như thế tạo cho người tiếp công dân có sự lựa chọn là người đó sẽ hướng dẫn người đến tố cáo phải viết lại bằng văn bản sau đó mới có thể ghi lại bằng biên bản, như vậy làm người đến tố cáo e ngại.
Cuối cùng, đại biểu Vương Ngọc Hà đề nghị xem lại trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong Điều 9 và 10 đối với người tố cáo và người bị tố cáo, vì trách nhiệm này là trách nhiệm dân sự, chỉ phát sinh sau khi người bị tố cáo và người tố cáo có kết luận về việc tố cáo và nội dung bồi thường thiệt hại được quy định rất rõ trong Bộ luật Dân sự tại Chương XX.