Theo đó, Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ, trên cơ sở tổng hợp từ phiếu xin ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định 4 nhóm vấn đề chính thức sẽ được chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp này. Theo đó trong tổng số 473 phiếu xin ý kiến thu về có: 93,23% tổng số phiếu chọn chất vấn nhóm vấn đề 1; 89,2% tổng số phiếu lựa chọn nhóm vấn đề 2; 85,84% tổng số phiếu chọn chất vấn nhóm vấn đề 3; 68,29% tổng số phiếu chọn chất vấn nhóm vấn đề 4.
Cụ thể, nhóm vấn đề thứ nhất là về giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là tại các thành phố lớn; giải pháp xử lý triệt để những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT). Trách nhiệm trả lời chính là: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Nhóm vấn đề thứ hai, công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo; tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu ở các vùng, địa phương, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện đang bị tác động rất mạnh mẽ bởi biến đổi khí hậu... Trách nhiệm trả lời chính là: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Công an, Tổng Thanh tra Chính phủ và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Nhóm vấn đề thứ ba là về thực trạng và các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập; các giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường. Trách nhiệm trả lời chính là: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Nhóm vấn đề thứ tư, thực trạng thị trường lao động ở nước ta; giải quyết việc làm trong nước và đưa người lao động Việt Nam đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng; thực trạng hoạt động dạy nghề của các doanh nghiệp, dạy nghề theo nhu cầu xã hội, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại tình dục đối với trẻ em. Trách nhiệm trả lời chính là: Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao, Công an và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho biết, tại Kỳ họp này, Thủ tướng Chính phủ sẽ không trả lời chất vấn trước Quốc hội vì theo quy định, tại kỳ họp giữa năm, Thủ tướng có thể ủy quyền cho một Phó Thủ tướng trả lời chất vấn thay. Hơn nữa, trong thời gian Quốc hội tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tham dự Hội nghị G7 nên không thể trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ủy quyền, phân công cho Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thay mặt lãnh đạo Chính phủ trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp này.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 3 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn (4 - 6/6/2018). Hoạt động này có sự cải tiến, cụ thể là thời gian để mỗi đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn là 1 phút và sau khi 3 đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi, người bị chất vấn phải trả lời ngay với thời gian dành cho mỗi lần trả lời là 3 phút. Thời gian hỏi 1 phút đòi hỏi các đại biểu Quốc hội phải chắt lọc nội dung, làm rõ câu hỏi. Người trả lời có 3 phút cũng buộc phải trả lời ngắn gọn. Việc cải tiến, đổi mới này được thực hiện trên cơ sở kết quả thí điểm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp lần thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm mục đích tăng cường tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động của Quốc hội.