Toàn cảnh phiên họp
Trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho biết, sau 10 năm thi hành, Chủ tịch nước đã 07 lần ban hành Quyết định về đặc xá nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước. Qua đó, đã đặc xá cho 85.897 phạm nhân, 1.123 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và đặc xá thuộc trường hợp đặc biệt cho 13 phạm nhân và 01 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để phục vụ yêu cầu đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Kết quả thực hiện công tác đặc xá những năm qua cho thấy, đối tượng, điều kiện được đề nghị đặc xá theo quy định của Luật Đặc xá cơ bản phù hợp và có tính răn đe, giáo dục cao, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Công tác đặc xá được tiến hành theo quy trình xét duyệt thống nhất, khoa học và chặt chẽ thể hiện sự công khai, dân chủ, minh bạch.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn trình bày Tờ trình
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Đặc xá đã bộc lộ những tồn tại, bất cập không cophù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành sau đó, như Hiến pháp năm 2013, Luật Thi hành án hình sự năm 2010, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015... Ngoài ra, diện người được đặc xá tha tù trước thời hạn với số lượng lớn, đối tượng rộng nên chưa thể hiện đầy đủ ý nghĩa đặc ân của Nhà nước ta đối với người phạm tội. Vì vậy, để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, với quy định của các đạo luật liên quan đến tư pháp hình sự mới được Quốc hội thông qua và giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong công tác xét đặc xá thời gian qua, thì việc sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá năm 2007 là cần thiết.
Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) có bố cục gồm 6 Chương, 39 Điều quy định về thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá, người được đặc xá. Việc xây dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) đảm bảo thể chế hoá những quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về chính sách khoan hồng, nhân đạo đối với người phạm tội, bị kết án phạt tù; cụ thể hoá quy định thẩm quyền đặc xá của Chủ tịch nước trong Hiến pháp năm 2013; xác định rõ những nguyên tắc pháp lý cơ bản, trình tự, thủ tục, đối tượng, tiêu chuẩn được hưởng đặc xá, thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và các cơ quan, tổ chức khác trong việc đặc xá; kế thừa những kinh nghiệm về công tác đặc xá theo quy định của Luật Đặc xá trong thời gian qua; đồng thời đổi mới, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước; bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất giữa nội dung Luật Đặc xá với các đạo luật khác có liên quan, nhất là pháp luật trong lĩnh vực hình sự, tố tụng hình sự và thi hành án hình sự.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra
Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp đánh giá hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu về thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tán thành với các quan điểm xây dựng luật như trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp đề nghị việc xây dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) cần phải khắc phục được những hạn chế, bất cập trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành (nhất là về điều kiện, thời điểm, trình tự, thủ tục đặc xá…). Ngoài ra, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, Ủy ban Tư pháp đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để tránh chồng chéo với các quy định trong các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Về phạm vi sửa đổi và tên gọi của dự án Luật, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với đề nghị của Chính phủ và cho rằng dự thảo có phạm vi sửa đổi rộng (sửa đổi 15/36 điều và bổ sung 03 điều mới), nhiều nội dung sửa đổi là những chính sách lớn, cơ bản của Luật Đặc xá. Do đó, việc đổi tên gọi thành Luật Đặc xá (sửa đổi) là phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp
Về các trường hợp không đề nghị đặc xá, Ủy ban Tư pháp nhận thấy việc bổ sung thêm các trường hợp không được đặc xá với người bị kết án như đề nghị của Chính phủ là cần thiết, bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, việc loại trừ hoặc bổ sung những tội cụ thể nào cần rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt là đối chiếu với các quy định tại Điều 66 của Bộ luật Hình sự về tha tù trước thời hạn có điều kiện, bảo đảm ý nghĩa của chế định đặc xá, khuyến khích người phạm tội cải tạo tốt để sớm được tái hòa nhập cộng đồng, phù hợp với những chính sách khoan hồng khác của Nhà nước.
Để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm sát hoạt động đặc xá, Ủy ban Tư pháp đề nghị dự thảo luật bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan; trách nhiệm kiểm tra của cơ quan cấp trên với cơ quan cấp dưới; trách nhiệm kiểm soát giữa các khâu, giữa các cơ quan; trách nhiệm kiểm sát của Viện kiểm sát; trách nhiệm giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong phát biểu
Qua thảo luận, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết của việc sửa đổi, ban hành Luật để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn thi hành công tác đặc xá trong thời gian vừa qua và đảm bảo được sự thống nhất với các Luật có liên quan được ban hành sau.
Từ các lý do về sự cần thiết và các quan điểm cơ bản về việc xây dựng luật được Chính phủ đưa ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, Luật Đặc xá không sửa không được, song cần phải quan tâm đến sự cần thiết của việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đặc xá nhằm đảm bảo đúng ý nghĩa là một đặc ân của Nhà nước đối với những người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn hay tù chung thân được giảm xuống có thời hạn. Bên cạnh đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc tính khả thi khi thống nhất quan điểm không mở rộng diện được đặc xá và quy định chặt chẽ các điều kiện đặc xá.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết thúc phiên họp
Tại phiên họp, các nội dung liên quan đến thời điểm tiến hành đặc xá, người được đặc xá trong trường hợp đặc biệt, điều kiện được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại của đất nước, thủ tục trình Chủ tịch nước ban hành Quyết định về đặc xá… cũng được Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận.
Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, qua xem xét, thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành việc sửa đổi, xây dựng dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Tuy nhiên, đây là dự án luật mới được trình lần đầu, do vậy đề nghị Ban soạn thảo rà soát, chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung của Báo cáo đánh giá tác động và Báo cáo tổng kết thi hành thực tiễn. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án luật đảo đảm vai trò, trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào tổ tư vấn, Hội đồng thẩm định và làm rõ trách nhiệm các cơ quan; bổ sung nội dung quy định về tái hòa nhập cộng đồng, vai trò của chính quyền địa phương, Mặt trận, đoàn thể xã hội trong việc giúp người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng tốt.