CẦN LÀM RÕ MỘT SỐ VẤN ĐỀ KHI MỞ RỘNG PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH TRONG DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG (SỬA ĐỔI)

11/04/2018

Ngày 11/4, tại phòng họp Tân Trào – Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành xem xét, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Qua thảo luận, cho ý kiến, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài Nhà nước. Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý cần cân nhắc, làm rõ hơn một số quy định trong nội dung này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Kết luận số 10-KL/TW ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí đã chỉ rõ một trong 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đó là: “Từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước”.

Do đó, theo Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trên cơ sở ý kiến của Đại biểu Quốc hội, quán triệt tinh thần này, dự thảo Luật sửa đổi trình Quốc hội tháng 10 năm 2017 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng này. Dự thảo Luật quy định trách nhiệm PCTN nói chung của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước; đồng thời quy định về việc áp dụng bắt buộc một số chế định về phòng ngừa tham nhũng đối với một số tổ chức xã hội, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước xuất phát từ các lý do như:

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật 

Thứ nhất, hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp này có ảnh hưởng đáng kể đến đời sống xã hội, sự phát triển lành mạnh, ổn định của nền kinh tế và quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên, cá nhân, tổ chức có liên quan. Thứ hai, quy định về PCTN trong các tổ chức, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước còn chưa rõ ràng về quan điểm, phương thức và biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng. Thứ ba, nếu lựa chọn phương án mở rộng việc áp dụng bắt buộc một số biện pháp PCTN đối với tất cả các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước thì sẽ không mang tính khả thi trong tổ chức thực hiện và có nguy cơ gây cản trở đối với sự phát triển của khu vực quan trọng này, đặc biệt là trong bối cảnh xây dựng Nhà nước liêm chính, hành động và kiến tạo phát triển.

Tuy nhiên, căn cứ pháp luật về chứng khoán thì quỹ đầu tư không phải là pháp nhân, không có bộ máy điều hành mà chịu sự quản lý của công ty quản lý quỹ với các quy định rất chặt chẽ. Phần lớn các quỹ đầu tư là quỹ đại chúng do công ty quản lý quỹ thành lập, quản lý nhưng đều chịu sự giám sát của ngân hàng giám sát. Vì vậy, so với dự thảo Luật trình Quốc hội vào tháng 10 năm 2017, Chính phủ đề nghị không đưa quỹ đầu tư là đối tượng áp dụng một số biện pháp PCTN trong dự thảo lần này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo tóm tắt thẩm tra dự án Luật

Thay mặt Ủy ban Tư pháp (UBTP) trình bày Báo cáo tóm tắt thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến UBTP tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Kết luận 10-KL/TW; đồng thời bảo đảm đồng bộ với Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định trách nhiệm hình sự của người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước đối với các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ; yêu cầu tại Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra cũng cho rằng: cũng có ý kiến đề nghị trong khi chúng ta còn chưa làm tốt công tác PCTN trong khu vực nhà nước thì trước mắt chưa nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, mà tập trung nguồn lực làm tốt công tác PCTN trong khu vực nhà nước. Đối với các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ khu vực ngoài nhà nước nếu đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại Phiên họp

Thảo luận, cho ý kiến tại Phiên họp, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định: Kết luận 10-KL/TW của Trung ương là đường lối, chỉ đạo của Đảng, là tư tưởng chính trị rất đúng. Tuy nhiên, việc “từng bước mở rộng” ngay trong luật này hay luật chỉ mở rộng đến bước đó và “còn các bước khác đến bao giờ mở” là việc cần phải làm rõ.

Nhất trí việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cũng cho rằng: cần hết sức thận trọng khi mở rộng phạm vi ra ngoài cơ quan nhà nước. Cần tập trung trước hết là cơ quan nhà nước, nếu có mở rộng ra thì nên có một quy trình rõ ràng.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại Phiên họp

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại Phiên họp

Đồng tình với ý kiến trên, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đặt câu hỏi: việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra là tốt, tuy nhiên việc kê khai tài sản ở cán bộ, công chức có số lượng là rất nhiều, vì vậy nếu mở rộng ra khối tư nhân thì có làm tốt không, có khả thi hay không?. Do đó, theo Trưởng Ban Nguyễn Thanh Hải, cần hết sức cân nhắc, thận trọng, phải có lộ trình, có những quy trình, thủ tục, đối tượng rõ ràng. Cơ bản đồng quan điểm với các ý kiến trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng: "chưa thể vội vàng để chúng ta mở rộng hết cỡ được".

Giải trình, làm rõ ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: Phạm vi điều chỉnh mở rộng ra khu vực ngoài Nhà nước, ở đây theo chủ truơng của Đảng là từng bước. Do đó, trong đợt trình lần đầu mở ra 4 đối tượng là: tổ chức xã hội; công ty đại chúng; tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư. Tuy nhiên, sau khi tính toán, cân nhắc, Ban soạn thảo đã rút quỹ đầu tư bởi vì không phù hợp. Vì vậy, đối tượng điều chỉnh hiện chỉ còn 3 đối tượng, không phải tất cả các doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận tại Phiên họp

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật ra khu vực ngoài nhà nước trên cơ sở từng bước cụ thể hóa quy định của Đảng. Tuy nhiên, không phải tất cả những quy định trong luật này đều áp dụng đối với khu vực ngoài Nhà nước./.

Quang Minh - Trọng Quỳnh