ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG XÃ HỘI VÀ TÁC ĐỘNG GIỚI CỦA CÁC CHÍNH SÁCH TRONG DỰ ÁN LUẬT THƯ VIỆN

26/03/2018

Sáng 26/3, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị đánh giá tác động xã hội và tác động giới của các chính sách trong một số dự án luật. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì hội nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì hội nghị

Trình bày báo cáo đánh giá tác động xã hội và tác động giới của các chính sách trong dự án Luật thư viện, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật thư viện được xây dựng theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và văn bản chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy trình bày báo cáo

Qua rà soát, đánh giá thực tiễn các quy định của Hiến pháp 2013 và các đạo luật liên quan, dự án Luật thư viện lựa chọn 6 vấn đề lớn để đánh giá trong báo cáo đánh giá tác động. Cụ thể: đa dạng hóa các loại hình thư viện nhằm đẩy mạnh xã hội hóa; phát triển thư viện số; điều kiện thành lập, giải thể, chấm dứt hoạt động của thư viện; mở rộng chức năng và hoạt động của thư viện công lập; kiện toàn mạng lưới thư viện cơ sở; đổi mới quy định về phân hạng và xếp hạng thư viện. Việc đánh giá tác động chính sách về thư viện còn gặp nhiều khó khăn. Các tác động của chính sách chủ yếu dựa trên cơ sở định tính. Việc định lượng chưa được đưa ra từ việc lựa chọn những mô hình tiêu biểu hoặc số liệu thống kê trên từng lĩnh vực, nhóm đối tượng đặc thù do phần lớn các tác động đều vô hình, ảnh hưởng của thư viện về cơ bản không phải là duy nhất càng không phải là rõ rệt nhất.

Toàn cảnh hội thảo

Đối với vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật thư viện, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, Dự thảo không phân biệt về giới trong các hoạt động thư viện, cụ thể: trong các điều khoản của dự thảo luật không có một điều khoản riêng nào quy định về giới; các quy định không làm ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và hưởng thụ các quyền, lợi ích của mỗi giới; phù hợp với quy định của Luật bình đẳng giới, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng nhấn mạnh, do đặc thù của ngành thư viện đa số cán bộ làm việc trong lĩnh vực thư viện là nữ nên việc thay đổi chính sách cũng có tác động tích cực, mang lại nhiều lợi ích cho nữ giới. Ngoài ra việc đa dạng hóa các loại hình thư viện, nâng cao chất lượng phục vụ của thư viện cũng tạo điều kiện cho nữ giới, đặc biệt là vùng nông thôn, có nhiều cơ hội về thời gian và địa điểm để tiếp cận thông tin, tri thức hơn./.

 

Hồ Hương