XÓA BỎ PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VỀ GIỚI TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

26/03/2018

Sáng 26/3, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị đánh giá tác động xã hội và tác động giới của chính sách trong đề nghị chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.

Toàn cảnh hội nghị

Tham dự hội nghị có đại diện một số Ủy ban của Quốc hội, đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Nội Vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, Bộ Xây dựng…cùng một số chuyên gia, nhà nghiên cứu có quan tâm đến vấn đề trên.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Luật bình đẳng giới được Quốc hội ban hành năm 2006, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ban hành năm 2015 đã quy định về nguyên tắc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; quy trình lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra trong việc thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Với tư cách là cơ quan được phân công phụ trách lĩnh vực bình đẳng giới trong các hoạt động của Quốc hội, cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động thẩm tra về bình đẳng giới, Uỷ ban Về các vấn đề xã hội luôn xác định cần tích cực, chủ động thúc đẩy việc triển khai các hoạt động này để xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực,

Tại buổi làm việc, Hội nghị nghe các báo cáo về việc đánh giá tác động xã hội và tác động giới của chính sách trong các dự án luật như: Bộ luật lao động (sửa đổi), Luật thư viện, Luật dân quân tự về (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống HIV/AIDS, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều cuả Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật…  

Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp trình bày báo cáo

Báo cáo về đánh giá tác động xã hội và tác động giới của chính sách trong Bộ luật lao động sửa đổi, Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, thực hiện quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc đánh giá tác động giới đã được lồng ghép về kinh tế xã hội đối với nam và nữ theo 04 tiêu chí, gồm: cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới khi thực hiện chính sách. Bộ cũng xác định, việc xây dựng nội dung chính sách và lồng ghép giới nhằm bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới, không phân biệt về quyền, lợi ích và trách nhiệm của nam và nữ trong lao động.

Do đó, trong lần sửa đổi bổ sung Bộ luật lao động lần này, cơ quan soạn thảo sẽ tiến hành hoàn thiện các thuật ngữ còn chưa rõ, chưa cụ thể về nguyên tắc đảm bảo bình đẳng giới trong Bộ luật; sửa đổi điều kiện nghỉ hưu của lao động nam và nữ nhằm thu hẹp khoảng cách giới; chuyển từ cách tiếp cận bảo vệ lao động nữ sang bảo vệ người lao động nam và nữ trên cơ sở bình đẳng giới theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013 và các cam kết quốc tế về bình đẳng giới; mở rộng quyền chủ động của lao động nữ/ lao động nam đơn thân nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi trong việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do chăm nuôi con…

Các đại biểu nghiên cứu Báo cáo tại hội nghị

Cùng với các giải pháp chính sách trên, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội dự kiến rà soát bổ sung, sửa đổi các quy định hướng dẫn các nội dung trên của dự thảo luật để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật, cũng như phù hợp hơn với nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử trong lao động bao gồm cả phân biệt đối xử trên tuổi tác, tình trạng khuyết tật, nguồn gốc xã hội./.

Hồ Hương