ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁO DỤC

12/03/2018

Chiều 12/03, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 22, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp

Trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, qua 12 năm thực hiện, Luật Giáo dục đã góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Luật đã nảy sinh một số điểm chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Do đó, yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục cho phù hợp, khắc phục những hạn chế, bất cập và giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong thời gian qua, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày Tờ trình

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đảm bảo phù hợp với đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, không trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan đến lĩnh vực giáo dục, bao gồm các hiệp định song phương về hợp tác giáo dục, các hiệp định về công nhận văn bằng của Việt Nam với các nước, cam kết mở cửa thị trường đối với dịch vụ giáo dục trong cam kết WTO và các hiệp định đa phương khác. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục có bố cục gồm 03 điều, trong đó, tập trung vào ba nhóm chính sách và bảy vấn đề cần sửa đổi, bổ sung.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra

Thay mặt Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình cho biết, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng tán thành với sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục; cho rằng hồ sơ Dự án Luật đã cơ bản bảo đảm các đầu mục văn bản so với quy định. Tuy nhiên, để cung cấp thêm thông tin cho các đại biểu Quốc hội trong việc xem xét và quyết định các chính sách mới, đề nghị Ban Soạn thảo và các cơ quan hữu quan bổ sung thêm các luận cứ, đánh giá đầy đủ các tác động do việc thực hiện chính sách mới mang lại, trong đó có đánh giá tác động về vấn đề bình đẳng giới trong Dự án Luật.

Về phạm vi sửa đổi, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng cơ bản nhất trí với quan điểm: Trên cơ sở rà soát toàn diện các chính sách, quy định của Luật Giáo dục hiện hành; kết quả tổng kết việc thực hiện Luật Giáo dục thời gian qua, Dự thảo Luật tập trung sửa đổi những nội dung thật sự bức xúc, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban nhận thấy, việc sửa đổi, bổ sung như trong Dự thảo Luật chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội, chưa giải quyết thấu đáo các vấn đề đặt ra trong Tờ trình.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu ý kiến

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cũng nhận định rằng, Luật Giáo dục là Luật quan trọng, cần phải mở rộng phạm vi điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, và toàn diện như quan điểm được nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu ý kiến

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh, trên cơ sở Hiến pháp 2013, Nghị quyết 29-NQ/TW và thực trạng giáo dục của nước ta, trong thời gian tới chúng ta cần phải rà soát lại toàn bộ các nội dung quy định trong Luật để sửa đổi một cách toàn diện hơn. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề xuất tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, tiến tới xây dựng Luật Giáo dục (sửa đổi) hoặc ra hẳn một Luật mới - Luật Giáo dục 2018 để đáp ứng yêu cầu về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bám sát các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước để thể chế hóa các chính sách cơ bản, tập trung làm rõ triết lý giáo dục, các điều kiện bảo đảm để phát triển giáo dục có chất lượng. Đồng thời, cần nghiên cứu để đưa ra những quy định mang tính dự báo, đặt nền móng và tạo cơ sở pháp lý để triển khai những chính sách giáo dục mới.

Về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng đề nghị cần có những quy định mang tính nguyên tắc ngay trong Luật Giáo dục về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; nguyên tắc lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa; quy định về cơ chế tài chính trong việc biên soạn, in, phát hành sách giáo khoa (trợ giá, đấu thầu, đặt hàng…) bảo đảm công bằng, minh bạch, phù hợp với Luật Xuất bản và pháp luật có liên quan.

Liên quan đến chính sách thu hút học sinh, sinh viên sư phạm, dự thảo Luật đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng quy định được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm. Thường trực Ủy ban cho rằng, dù thực hiện chính sách cấp tín dụng hay miễn học phí, để giải quyết các bất cập về lãng phí ngân sách, thời gian, nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, cần tổ chức tốt công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm và nhân lực ngành giáo dục, làm căn cứ để đầu tư đúng và đủ, bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp; sửa đổi các quy định về tuyển sinh, đào tạo sư phạm để nâng cao chất lượng đầu vào; nâng cao vị thế nhà giáo, tăng tính hấp dẫn của nghề giáo, cùng với chính sách ưu đãi trong đào tạo, bồi dưỡng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục trong thời gian tới.

Về đào tạo ngành, nghề đặc thù, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu Niên và Nhi đồng đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu để có những quy định mang tính nguyên tắc về chương trình, phương pháp, thời gian đào tạo, văn bằng, cũng như về cơ sở đào tạo, chức danh giảng dạy của giảng viên… đối với các lĩnh vực đào tạo đặc thù, mang tính thực hành cao (như y tế, nghệ thuật, thể thao…), bổ sung giải thích thuật ngữ ngành đào tạo đặc thù, tạo hành lang pháp lý cho việc hướng dẫn và tổ chức thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu ý kiến

Quan tâm đến lĩnh vực tài chính cho giáo dục, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Hiến pháp 2013 quy định “giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí”. Như vậy, các trường tiểu học công lập sẽ không được thu học phí của học sinh. Tuy nhiên, chính sách về cơ chế tài chính đối với các trường tiểu học ngoài công lập (tư thục, dân lập, các trường có vốn đầu tư nước ngoài, các trường phi lợi nhuận) lại chưa được đề cập. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết trên thực tế, mức phí ở các trường tiểu học ngoài công lập thu hiện nay rất khác nhau. Do vậy, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục cần quy định cụ thể vấn đề này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu ý kiến

Cũng quan tâm đến vấn đề tài chính trong giáo dục, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Nhà nước chủ trương “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu” và “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”, tuy nhiên nguồn kinh phí bố trí cho lĩnh vực này còn chưa hợp lý. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định rõ tỷ trọng và nội dung đầu tư ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo, làm căn cứ để giám sát hiệu quả sử dụng tài chính trong giáo dục.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng cũng đề nghị bổ sung quy định về vai trò của ngành giáo dục trong việc tham gia xây dựng kế hoạch tài chính, giám sát, kiểm tra việc phân bổ và sử dụng ngân sách nhà nước dành cho giáo dục.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu

Ngoài ra, để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, các đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo rà soát các quy định của Luật để tránh mâu thuẫn, chồng chéo với quy định của các Luật khác; điều chỉnh các lỗi kỹ thuật, bảo đảm tính nhất quán trong các quy định của Luật; tách riêng một điều về giải thích từ ngữ trong Luật Giáo dục. Bên cạnh đó, rà soát kỹ lưỡng các vấn đề, nội dung dự kiến được quy định chi tiết; nghiên cứu để đưa ngay vào Luật các quy định mang tính nguyên tắc, làm căn cứ hướng dẫn thi hành; luật hóa những nội dung được thực hiện ổn định và phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là đối với lĩnh vực giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và đầu tư, tài chính, xã hội hóa trong giáo dục...

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội; đề nghị Ban soạn thảo xem xét cân đối lại các luận cứ của Tờ trình; đồng thời rà soát kỹ các nội dung sửa đổi để hoàn chỉnh dự án Luật, đảm bảo tính kế thừa, tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn./.

Thu Phương - Ảnh: Trọng Hiếu, Trọng Quỳnh, Lê Huy