Trình bày báo cáo một số vấn đề về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đo đạc và bản đồ, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã xem xét cho ý kiến về dự án Luật Đo đạc và bản đồ. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 14 và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, dự thảo luật lần này đã được tiếp thu, chỉnh lý tương đối hoàn thiện với nhiều nội dung quan trọng: nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đo đạc và bản đồ; cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia; Về đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm; Quản lý nhà nước về hoạt động đo đạc và bản đồ, nhằm thể hiện đầy đủ, rõ ràng, cụ thể hơn phạm vi điều chỉnh của Luật. Ban soạn thảo cũng rà soát, đối chiếu các quy định của Dự thảo Luật với quy định liên quan đến hoạt động đo đạc và bản đồ trong các Luật khác; chỉnh sửa về văn phong, kỹ thuật văn bản; bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi của Luật.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo tại phiên họp
Cho ý kiến về quy định cung cấp miễn phí thông tin, dữ liệu phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh để bảo đảm việc thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh cấp bách, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, cần quy định cụ thể việc miễn lệ phí đối với dữ liệu phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. Theo Phó Chủ tịch Đỗ Bá Tỵ, những doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng nhưng sử dụng thông tin không phải để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng thì vẫn phải nộp phí như tất cả các đối tượng khác.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại phiên họp
Tại Khoản 9 điều 22 quy định về Thành lập Atlas quốc gia, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng cần giải thích rõ hơn về Atlas vì tại khoản 1 điều 31 cũng nêu: "Atlas quốc gia là tập hợp các bản đồ, biểu đồ, hình ảnh được thành lập theo nguyên tắc, bố cục thống nhất thể hiện điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của quốc gia; được thành lập, xuất bản theo từng giai đoạn phát triển của đất nước". Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, tại dự thảo luật nên thay từ Atlas thành “Tập bản đồ chính thức Quốc gia”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cũng đồng tình với ý kiến này.
Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, dự thảo luật còn nhiều quy định mang tính quy phạm pháp luật, nhiều điều nên quy định trong luật mà không cần giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Về quản lý nhà nước, phân công cụ thể chi tiết nên giao thẳng cho các bộ có liên quan, tránh trùng lặp và làm gọn nhẹ bộ máy theo đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương VI khoá XII.
Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho ý kiến tại phiên họp
Cho ý kiến về Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng: đối với dữ liệu nền Quốc gia cần có phần mềm để quản lý thống nhất, phải có định dạng dữ liệu chung để quy định để các cơ quan có thể sử dụng hiệu quả. Liên quan đến vấn đề quốc phòng an ninh, cần xem lại cơ chế cho phép khai thác sử dụng, vì trong dự thảo luật quy định Bộ Tài nguyên Môi trường là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý, nhưng quốc phòng an ninh là vấn đề rất quan trọng nên cần có cơ chế phối hợp giữa 3 bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng và Bộ Công An để đảm bảo tính thống nhất. Ngoài ra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 đang phát triển như hiện nay, trong luật cần có định hướng rõ hơn về khoa học công nghệ để tránh sự lạc hậu.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp
Góp ý vào điểm C, khoản 5, Điều 41, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định lưu ý xu hướng chuyển từ cơ chế “phí” sang “giá” và đặc điểm của hoạt động này là có những phần việc do tư nhân, thậm chí đơn vị nước ngoài thực hiện, chỉ có thể “miễn phí” đối với những thông tin, dữ liệu được thu thập, xử lý bằng tiền ngân sách. Đại biểu đề nghị quy định là “kinh phí do nhà nước bảo đảm” thì hợp lý hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp
Giải trình và làm rõ thêm những nội dung đại biểu nêu, Bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết sẽ làm rõ những hoạt động được miễn phí; đồng thời thiết kế “bộ lọc” theo hướng mở, hoạt động nào Nhà nước không cấm thì tư nhân được làm. Theo Bộ trưởng, điều này sẽ tạo thuận lợi cho công tác xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ.
Bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giải trình tại phiên họp
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: về chính sách miễn giảm phí sử dụng dữ liệu đo đạc và bản đồ cho quốc phòng an ninh, phòng chống bão lũ sẽ có quy định về nguyên tắc. Còn những vấn đề cụ thể về an ninh quốc phòng phải được quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan, hoặc giao cho Chính phủ quy định. Về từ ngữ, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nên dùng “Tập bản đồ chính thức Quốc gia” thay cho từ Atlas. Đồng thời nhấn mạnh, về vấn đề quản lý nhà nước: Thường vụ quyết định cho nguyên tắc, còn trách nhiệm thống nhất quản lý về đo đạc và bản đồ là của Chính phủ. Cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý là bộ Tài nguyên và Môi trường, còn các bộ khác sẽ làm việc theo sự phân công.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu kết luận
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cùng cơ quan soạn thảo phối hợp, chỉnh lý, hoàn thiện nội dung toàn bộ dự án luật để xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới./.