Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ dự Kỳ họp thứ 2, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khoá XV

01/08/2016

Sáng 1/8, tại Hà Nội, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã khai mạc kỳ họp thứ 2 khoá XV nhiệm kỳ 2016- 2021. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ tới dự và phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại kỳ họp thứ 2, HĐND thành phố Hà Nội

Đây là kỳ họp đầu tiên sau khi bộ máy Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân của Thành phố được bầu tại Kỳ họp thứ nhất và đã đi vào hoạt động. Diễn ra từ ngày 1- 4/8, tại kỳ họp này, HĐND thành phố Hà Nội khoá XV sẽ xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội của Thành phố 6 tháng đầu năm, quyết định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016; Quyết nghị Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm giai đoạn 2016- 2020 của Thành phố; Quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của thành phố từ năm học 2016- 2017 đến năm học 2020- 2021; Quy hoạch phát triển điện lực thành phố giai đoạn 2016- 2025; Phân cấp quản lý nhà nước đối với một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế- xã hội; Hỗ trợ giám định viên tư pháp, người giúp việc cho giám định viên tư pháp; Mức chi hoạt động của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021; Nội quy kỳ họp HĐND Thành phố nhiệm kỳ 2016-2021; Đặt tên, đổi tên và điều chỉnh độ dài một số đường phố; Tổ chức giám sát thông qua hoạt động chất vấn; xem xét việc bãi nhiệm tư cách đại biểu HĐND Thành phố đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường…

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù Hà Nội thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có chuyển biến, thu ngân sách đạt 50,5% dự toán; triển khai thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế- xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, tiếp tục thực hiện năm trật tự văn minh đô thị, đẩy mạnh cải cách hành chính, đảm bảo trật tự an toàn xã hội... Đặc biệt, Hà Nội đã tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, Hà Nội vẫn còn một số hạn chế, yếu kém như: một số chỉ tiêu kinh tế thấp hơn kế hoạch, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đáp ứng yêu cầu... Do đó, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị, với vai trò là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, các vị đại biểu HĐND Thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, nghiên cứu, thảo luận dân chủ, tham gia đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, xem xét kỹ lưỡng các chỉ tiêu đề ra, đảm bảo thực hiện khả thi, góp phần vào thành công của kỳ họp, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân Thủ đô.

Phát biểu tại phiên khai mạc, thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ ghi nhận và đánh giá cao những thành tích, kết quả phát triển kinh tế- xã hội, an ninh, quốc phòng đạt được trong 6 tháng đầu năm 2016 của Thủ đô.

Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, năm 2016 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; bộ máy chính quyền các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 mới được kiện toàn. Do đó, để hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế- xã hội, an ninh, quốc phòng đã đề ra, Thành phố Hà Nội cần phải có quyết tâm cao, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành và có các giải pháp sát thực.

Tán thành với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp Thành phố nêu trong các Báo cáo của, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND Thủ Đô cần đánh giá, phân tích chính xác tình hình, làm rõ ưu, khuyết điểm và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan trước những yếu kém, khuyết điểm trong điều hành kinh tế- xã hội thời gian qua; có giải pháp quyết liệt, nhưng linh hoạt, thận trọng trong chỉ đạo điều hành, phù hợp với tình hình thực tế của Thủ đô, phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của năm 2016.

Đối với Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của Thành phố 5 năm 2016- 2020; phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế- xã hội, cần bám sát Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011- 2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thủ đô lần thứ 16, Luật Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội và chỉ đạo của Trung ương nhằm thảo luận, quyết nghị các nhiệm vụ, giải pháp đột phá để Thủ đô của chúng ta có những bước phát triển vượt bậc trong giai đoạn mới.

Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, các cấp, các ngành của Hà Nội cần chủ động, sáng tạo và quyết liệt hơn nữa, tiếp tục đổi mới tư duy, đổi mới phong cách lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức điều hành công việc theo tinh thần sâu sát, hiệu quả, thiết thực; nêu cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong điều hành, xử lý công việc. Đồng thời, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4, Khóa 11 về “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút ngày càng nhiều hơn các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế- xã hội Thủ đô.

Phó Chủ tịch Đỗ Bá Tý cho rằng, cần nâng cao vai trò và trách nhiệm của HĐND trong việc thực hiện quyết định các vấn đề quan trọng của Thành phố. Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, Mặt trận Tổ quốc và cử tri để nâng cao hiệu quả giám sát việc tuân thủ pháp luật trên địa bàn, nhất là giám sát những vấn đề quan trọng, vấn đề dân sinh bức xúc, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, coi hoạt động chất vấn là một hình thức giám sát trực tiếp và hiệu quả đối với bộ máy chính quyền các cấp. Tiếp tục làm tốt công tác tiếp xúc với cử tri để nắm bắt kịp thời tâm tư, ý nguyện của nhân dân; đồng thời, quan tâm đôn đốc giải quyết dứt điểm các kiến nghị chính đáng của cử tri và các kết luận sau giám sát.

Thường trực HĐND, các Ban của HĐND cần tăng cường giữ mối liên hệ, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Ủy ban nhân dân Thành phố trong công tác chuẩn bị nội dung các tờ trình, đề án phát triển kinh tế- xã hội. Các nội dung đưa ra thảo luận, quyết định phải đúng thời hạn, thẩm quyền, quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật. Các Ban HĐND cần chủ động trong công tác thẩm tra bảo đảm kết quả thẩm tra toàn diện, sát thực làm cơ sở để HĐND thảo luận và quyết định các vấn đề phát triển kinh tế- xã hội.

Quang Minh