Rút một số dự án luật ra khỏi chương trình năm 2016 do chưa đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật
Nghị quyết của Quốc hội quyết nghị Bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 các dự án: Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp (cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 2 theo quy trình tại một kỳ họp; Luật quy hoạch (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2); Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án (trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 11/2016). Đồng thời, rút khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 các dự án: Luật năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Luật chứng thực; Luật biểu tình; Luật về máu và tế bào gốc; Luật quốc phòng (sửa đổi) (chuyển sang Chương trình 2017 cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4).
Giải trình về việc rút dự án Luật biểu tình ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc cần sớm ban hành Luật biểu tình nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, bảo đảm quyền cơ bản của công dân và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước như ý kiến đại biểu Quốc hội đã nêu. Tuy nhiên, do vẫn còn một số nội dung có ý kiến khác nhau cần được nghiên cứu chuẩn bị kỹ để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật, cho đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa nhận được hồ sơ dự án Luật này, nên chưa có đủ cơ sở để trình Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình.
Đại biểu Quốc hội thông qua chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2017 Ảnh: Đình Nam
Dự kiến Quốc hội thông qua 24 dự án luật năm 2017
Đối với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 15 dự án luật gồm: Luật công an xã; Luật đường sắt (sửa đổi); Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật quản lý ngoại thương; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật thủy lợi; Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật cảnh vệ; Luật du lịch (sửa đổi); Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ; Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 (theo quy trình tại một kỳ họp).
Đồng thời, Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với 08 dự án gồm: Luật bảo vệ bí mật nhà nước; Luật cạnh tranh (sửa đổi); Luật quản lý nợ công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động; Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật thủy sản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tố cáo; Luật biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện.
Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 09 dự án luật gồm: Luật bảo vệ bí mật nhà nước; Luật cạnh tranh (sửa đổi); Luật quản lý nợ công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động; Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật thủy sản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tố cáo; Luật biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (theo quy trình tại một kỳ họp).
Quốc hội sẽ cho ý kiến về 06 dự án luật gồm: Luật quốc phòng (sửa đổi); Luật an ninh mạng; Luật hành chính công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao; Luật lý lịch tư pháp (sửa đổi); Luật đo đạc và bản đồ.
Bên cạnh đó, trong năm 2017, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 11/2016.
Tiếp tục rút kinh nghiệm hoàn thiện, cải tiến quy trình làm luật
Trước ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, quy trình làm luật tuy đã được cải tiến song vẫn cần được tiếp tục rút kinh nghiệm để hoàn thiện thêm. Việc chuẩn bị các dự án cần được làm kỹ lưỡng hơn; đề cao trách nhiệm đến cuối cùng của cơ quan chủ trì soạn thảo; cải tiến việc lấy ý kiến về các dự án luật để huy động được trí tuệ của tất cả các đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội chuyên trách; kịp thời ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội luôn quan tâm nghiên cứu để cải tiến, đổi mới quy trình xem xét, thông qua luật, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, nhất là vai trò và trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo trong suốt quá trình từ khâu soạn thảo đến khi thông qua dự án luật. Ý kiến của cơ quan chủ trì soạn thảo có ý nghĩa quan trọng trong việc chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật; trường hợp có ý kiến khác với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra thì cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan trình dự án có quyền báo cáo Quốc hội để Quốc hội xem xét, quyết định. Ngay cả khi dự thảo luật đã được Quốc hội thông qua, người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo vẫn có trách nhiệm xem xét, ký xác nhận vào văn bản cuối cùng trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực.
Việc xây dựng, ban hành luật của Quốc hội được quy định theo quy trình chặt chẽ, dân chủ, có cơ chế để huy động sự tham gia của các vị đại biểu Quốc hội, nhất là các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách và của các cơ quan, tổ chức hữu quan, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong suốt quá trình xây dựng, chỉnh lý và xem xét, thông qua. Thực tế cho thấy, có rất nhiều đại biểu Quốc hội chuyên trách đã tham gia tích cực, có trách nhiệm cao vào hoạt động lập pháp của Quốc hội; nhiều ý kiến đã được tiếp thu trình Quốc hội.
Về việc ban hành văn bản quy định chi tiết, mặc dù Chính phủ đã có nhiều cố gắng ban hành các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nhưng tình trạng chậm ban hành vẫn chưa được khắc phục làm cho luật, pháp lệnh chậm đi vào cuộc sống, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh phải chuẩn bị văn bản quy định chi tiết và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh; bảo đảm để các văn bản này có hiệu lực cùng thời điểm với luật, pháp lệnh.
Nhận thấy, đổi mới quy trình xây dựng pháp luật luôn là yêu cầu quan trọng để vừa nâng cao chất lượng vừa bảo đảm tiến độ chuẩn bị các dự án đã được đưa vào Chương trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cùng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan thực hiện đúng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phát huy hơn nữa vai trò và trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định, thẩm tra, các đại biểu Quốc hội chuyên trách và Đoàn đại biểu Quốc hội trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh.