(VOV)_ Thế giới đang rơi vào cuộc khủng hoảng lương thực, giá gạo đắt chưa từng có. Một trong những nguyên nhân quan trọng bậc nhất, đó là, hơn hai thập kỷ qua, thế giới - đặc biệt là các nước châu Á - đã để mất đất sản xuất nông nghiệp quá nhiều.
Những con số báo động
Theo Bộ Tài nguyên & Môi trường, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010, diện tích đất nông nghiệp sẽ tăng từ 8.973.783ha (năm 2000) lên 9.363.063 (năm 2010). Nhưng, dân số trong khoảng thời gian này cũng tăng từ 77,6 triệu lên 86,5 triệu người. Thông qua điều tra thực tế, Bộ NN&PTNT có được số liệu cảnh báo: Mỗi năm dân số tăng xấp xỉ 1,3%, trong khi diện tích canh tác giảm 1%. Tính ra, bình quân đất nông nghiệp trên bình quân đầu người sẽ giảm từ 0,113ha (năm 2000) xuống còn 0,108ha (năm 2010) (mức bình quân của thế giới hiện nay là 0,23ha). Đây là con số mà nhiều nhà khoa học ở Hội Đất Việt Nam cho rằng rất đáng lo ngại. Vì, dù 20 năm nay nước ta đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hoá và đô thị hoá, nhưng hiện vẫn còn khoảng 75% dân số làm nông nghiệp trong điều kiện "tam sơn, tứ hải, nhất phần điền" và khí hậu nhiều rủi ro.
Theo tính toán của Cục HTX (Bộ NN&PTNT), việc thu hồi đất trong giai đoạn vừa qua đã ảnh hưởng tới đời sống của 627.500 hộ, với khoảng 2,5 triệu người và 950.000 lao động. Tương lai nào cho người mất đất? Vẫn là một bài toán lớn, chưa có lời giải trọn vẹn(!) |
|
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên & Môi trường, trong 7 năm (2001-2007), tổng diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi chuyển sang đất phi nông nghiệp là trên 500.000 ha. Một con số không hề nhỏ. Và xin lưu ý, diện tích này "một đi không trở lại". Tính bình quân, đất nông nghiệp bị thôn tính trên 73.000 ha/năm, trong đó gần 80% là đất chuyên canh lúa. Đáng lo ngại hơn là đất nông nghiệp bị thu hồi cho việc mở rộng các khu công nghiệp (KCN) và khu đô thị (KĐT) năm sau tăng hơn năm trước. Qua điều tra của Bộ NN&PTNT tại 16 tỉnh, thành phố trọng điểm về thu hồi đất cho thấy, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi chiếm khoảng 89%, hầu hết là đất lúa thuộc diện phì nhiêu, màu mỡ, có năng suất cao.
Bắc Ninh là tỉnh "rải thảm đỏ" khá sớm. Năm 2000, toàn tỉnh có diện tích đất nông nghiệp hơn 49.000 ha, nhưng sang đầu năm 2008 giảm chỉ còn hơn 42.000ha. Các KCN mọc lên như nấm giữa tỉnh nhỏ nhất nước. Theo thống kê, ở tỉnh này, cứ 5 hộ dân có 1 hộ mất đất canh tác. Có những thôn, xóm 90 - 95% đất nông nghiệp đã bị "nuốt chửng". Cùng với Bắc Ninh, Hưng Yên là một trong những điển hình về đất nông nghiệp bị "bức tử", phục vụ cho công nghiệp. Đến thời điểm này, tỉnh đã quy hoạch tới 20 KCN tập trung, cần tới 6.155 ha vào năm 2015 và 9.305 ha vào năm 2020. Ngoài những nhà máy mọc san sát theo quốc lộ 5, quốc lộ 39, tỉnh này còn "học tập" Long An đưa cả dự án sân golf, khu vui chơi giải trí về giữa đồng lúa. Đó là 180ha đất lúa tại 2 xã Long Hưng và Nghĩa Trụ (huyện Văn Giang) đã được phê duyệt cho khu Tổ hợp dịch vụ Văn Giang mà thực chất là dự án sân golf 18 lỗ.
Có thể nói, nguyên nhân mất nhiều đất nông nghiệp (đặc biệt là đất lúa) bắt đầu từ chính sách đất đai có nhiều lỗ hổng và tư duy "công nghiệp hoá" bằng mọi giá của nhiều địa phương. Điều nguy hiểm là các tỉnh, thành phố được trao quyền khá lớn trong việc bố trí, quy hoạch đất đai nên trong cuộc chạy đua "trải thảm đỏ", tốc độ mất đất lúa rất lớn.
Sân golf xé nát đồng lúa
Thế giới đang rơi vào cuộc khủng hoảng lương thực, giá gạo tăng tới 68% kể từ đầu năm đến nay. Khoảng 33 quốc gia có nguy cơ phải đối mặt với bất ổn xã hội, do giá lương thực, năng lượng tăng vọt. Hiện người ta có thể nêu ra hàng loạt nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực, như: giá nhiên liệu, phân bón, nhu cầu tiêu thụ tăng cao; sự phát triển của năng lượng sinh học, nạn đầu cơ, thời tiết bất ổn ở nhiều quốc gia... Tuy nhiên, các nhà kinh tế chỉ ra một nguyên nhân có tác động lâu dài hơn, đó là sự lơ là của chính phủ nhiều nước đối với sản xuất nông nghiệp.
Ông Lennart Bage - Chủ tịch Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế, cơ quan chuyên trách của LHQ trong việc đối phó với tình trạng nghèo đói ở khu vực nông thôn - nhận định: "Trong vòng 10 - 15 năm trở lại đây, chính phủ nhiều nước đã không còn mặn mà trong việc đầu tư cho nông nghiệp. Chúng ta cũng thấy, viện trợ phát triển quốc tế cho ngành kinh tế này đã giảm từ 20% vào đầu thập niên 1980 xuống chưa tới 3%". Vì vậy, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp trầm trọng tại nhiều nước châu Á do tốc độ đô thị hoá và công nghiệp hoá.
Theo GS Nguyễn Lân Dũng: "Ở Trung Quốc, muốn chuyển đổi sản xuất trên diện tích 5 mẫu (1/3ha), nhất thiết phải có sự chấp thuận của Quốc vụ viện (Chính phủ)". Còn tại Thái Lan, Chính phủ đã quyết định tăng diện tích đất trồng lúa từ 9,2 triệu ha lên 9,6 triệu ha. Thái Lan còn dành ra khoản ngân sách 317,5 triệu USD để chấm dứt tình trạng chuyển đất nông nghiệp sang các mục đích khác.
|
|
Nói tới khủng hoảng lương thực toàn cầu, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, một trong những nguyên nhân là do sân golf lấn đồng lúa ở một số quốc gia châu Á. Số liệu của Bộ Nông nghiệp Indonesia cho biết, tại Bali, sân golf mọc lên như nấm, diện tích đất trồng lúa từ 182.000ha (1980) nay giảm xuống còn 145.000ha. Hãng tin Reuters bình luận: "Các sân golf đang xé nát những cánh đồng lúa ở châu Á". Thậm chí năm 2006, các dự án golf bùng nổ tại Trung Quốc đến nỗi, Bắc Kinh phải đưa hoạt động xây dựng sân golf vào danh sách "những hoạt động bị cấm"!
Tuy vậy, sân golf hay các khu nghỉ dưỡng không phải là mối đe doạ duy nhất đối với đất nông nghiệp. Ở Philippines, 50% đất nông nghiệp đã bị đô thị hoá trong vòng 2 thập kỷ qua. Theo cách nói của người dân thì nước họ đã tự bắn vào chân mình khi biến đồng ruộng thành đất ở, sân golf và đất trồng các loại cây khác đem lại nhiều lợi nhuận hơn. Đầu những năm 1970, Philippines vẫn còn là một nước xuất khẩu gạo, nhưng lâu nay đã trở thành nước nhập khẩu gạo nhiều nhất thế giới (khoảng 2 triệu tấn/năm). Nhiều quan chức quốc tế lo ngại, tình trạng khan hiếm gạo hiện nay sẽ dẫn đến những bất ổn về xã hội tại quốc gia này.
"Phi nông bất ổn", chuyện không mới, nhưng hơn một lần thế giới phải nhận thức lại tầm quan trọng của vấn đề này. Gần đây, nhiều quốc gia đưa ra những chính sách siết chặt, quản lý đất nông nghiệp.
Vì an ninh lương thực
Trở lại với nước ta, ngày 18/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức có Quyết định số 391/QĐ-TTg về việc rà soát, kiểm tra thực trạng quản lý quy hoạch, kế hoạch và sử dụng đất 5 năm (2006-2010) trên địa bàn cả nước, trong đó tập trung vào đất nông nghiệp nói chung và đất lúa nói riêng.
Thủ tướng nêu rõ: Không xét duyệt quy hoạch chuyển đất chuyên trồng lúa nước đang sử dụng vào mục đích sản xuất, dịch vụ phi nông nghiệp ở những địa phương có điều kiện sử dụng các loại đất khác. Trường hợp cần thiết phải chuyển, cần có các giải pháp sử dụng đất tiết kiệm và bảo đảm tính khả thi, an toàn cho sản xuất nông nghiệp trong khi thực hiện dự án.
Đồng thời, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi phê duyệt dự án. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang xây dựng Đề án về chiến lược bảo đảm an ninh lương thực và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 8/2008. Trong đó, yêu cầu đặt ra trước tiên là bảo đảm diện tích lúa ít nhất là 3,8 - 4 triệu ha. Con số này là cố định, bất khả xâm phạm. Tuy vậy, việc giữ đất lúa không dễ, vì nước ta đang thiếu bản đồ quy hoạch cụ thể về đất nông nghiệp được phê duyệt ở cấp cao, mang tính pháp lý làm cây "gậy thần" cho ngành chuyên môn và các địa phương. Vì vậy, đất lúa vẫn bị xà xẻo bởi cái nhìn ngắn hạn, nhiệm kỳ... của các nhà chức trách địa phương./.
|