Trách nhiệm chính thuộc về các tổng công ty, tập đoàn nhà nước

13/04/2008

Trong bối cảnh đất nước đang gặp khó khăn do lạm phát tăng cao, các hoạt động sản xuất kinh doanh có dấu hiệu chững lại, thì các doanh nghiệp, các tổng công ty, các tập đoàn nhà nước phải là những đầu tàu đưa nền kinh tế vượt qua những thách thức hiện nay

Và lúc này, các tổng công ty, các tập đoàn nhà nước những thành phần nắm giữ những hoạt động, ngành nghề xương sống của nền kinh tế cần phải được phát huy….

 

Hiện nay, các doanh nghiệp, tổng công ty, tập đoàn nhà nước đang giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước, mỗi năm đóng góp 40% tăng trưởng GDP. Tuy nhiên hiện nay lượng vốn tín dụng dành cho các tổng công ty và tập đoàn nhà nước chiếm 60%, còn vay nợ nước ngoài là chiếm khoảng 70% của cả nước. Trong bối cảnh đất nước đang gặp khó khăn do lạm phát tăng cao, các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế đang có dấu hiệu chững lại, thì các doanh nghiệp, các tổng công ty, các tập đoàn nhà nước phải là những đầu tàu đưa nền kinh tế nước ta vượt qua những khó khăn thách thức hiện nay.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các tổng công ty, các tập đoàn, phải nâng cao ý thức, trách nhiệm với quốc gia, tập trung mọi nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh. Các tổng công ty và tập đoàn nhanh chóng thực hiện hiệu quả 8 nhóm biện pháp mà Chính phủ đã đề ra, trong đó Thủ tướng nhấn mạnh 4 nhóm giải pháp. Thứ nhất là rà soát lại các danh mục đầu tư.  Thứ hai triệt để thực hiện các biện pháp tiết kiệm, tránh tăng giá trong thời điểm này. Thứ ba là đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, đảm bảo cung cấp hàng hóa trong nước và giảm nhập siêu. Thứ 4 là thực hiện các biện pháp kiểm soát giá, tránh tình trạng đầu cơ tích trữ.    

 

Việc đảm bảo nguồn vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh là rất quan trọng, nhưng trong bối cảnh hiện nay các ngân hàng thương mại đang rất thiếu vốn để cho các doanh nghiệp vay vốn. Ông Trần Bắc Hà, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho biết chủ trương rút toàn bộ số dư tài khoản kho bạc nhà nước tại các ngân hàng, ước khoảng 52 ngàn tỉ  đồng đang tạo ra một áp lực rất lớn đối với các ngân hàng thương mại, và nếu không có nguồn cung tiền phù hợp thì có thể sẽ làm lãi suất ra tăng. Hiện nay, để kiềm chế lạm phát thì việc thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ là rất cần thiết nhưng việc áp dụng các chính sách tiền tệ để giảm lượng cung tiền cần phải hợp lý,  linh hoạt, tránh gây sốc cho thị trường, đồng thời phải có kế hoạch lộ trình và thông tin phải đầy đủ kịp thời cho các đối tượng chủ thể.

 

Về hướng giải quyết vấn đề thiếu vốn tín dụng của các ngân hàng hiện nay, ông Trần Bắc Hà kiến nghị: “Vào  năm 1993, nước ta cũng gặp phải tình trạng như thế này. Và lúc đấy Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định về vốn tín dụng đầu tư dài hạn mà nội dung trong đó là sử dụng một phần quỹ dự trữ ngoại tệ để cho các ngân hàng thương mại vay vốn. Trong thời điểm hiện nay, các ngân hàng thương mại đề nghị Thủ tướng Chính phủ trích trong phần dự trữ ngoại tệ quốc gia một phần để giải quyết cho các ngân hàng thương mại, tạo nguồn ngoại tệ cho vay. Nhưng nguồn cho vay ở đây phải sử dụng đúng mục đích đặc biệt là cho vay trung hạn”.

 

Khi nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn thì thực hành tiết kiệm là rất quan trọng. Tuy nhiên hiện nay chúng ta làm điều này chưa tốt. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết tốc độ tăng trưởng điện của nước ta đã là 18,41%, tuy nhiên chúng ta vẫn đối mặt với tình trạng thiếu điện. Theo khảo sát của tập đoàn điện lực thì  đến hơn một nửa các cơ quan hành chính hưởng nguồn điện từ ngân sách nhà nước sử dụng điện rất lãng phí còn các doanh nghiệp thì đang sử dụng các công nghệ lạc hậu nên rất tiêu tốn năng lượng. Để tăng trưởng 1%GDP, Trung Quốc chỉ cần tăng trưởng 1% điện năng, trong khí đó để tăng trưởng 1%GDP thì nước ta phải tăng trưởng đến 2% điện năng. Hiện nay các tổng công ty, các tập đoàn muốn thực hành tốt các biện pháp tiết kiệm, giảm chi phí đầu vào thì việc trang bị những thiết bị, công nghệ tiên tiến hiện đại nhằm tăng năng suất, và sử dụng những biện pháp quản lý chặt chẽ là rất quan trọng.

 

Ông Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam cho biết: “Việc áp dụng những công nghệ mới sẽ giúp giảm thiểu tiêu hao năng lượng như xăng dầu, điện, đồng thời tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó chúng tôi đã thực hiện quản trị chi phí theo côn đoạn rất rõ ràng minh bạch. Chúng tôi đẩy mạnh khoán chi phí cho các mỏ, các công ty  than, dù đã cổ phần hóa nhưng các công ty vẫn được tập đoàn khoán chi phí. Các công ty khoán chi phí cho tổ đội phân xưởng, cho tới người lao động”.

 

Hiện nay, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất thì một nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với các tổng công ty, tập đoàn nhà nước là rà soát lại hiệu quả các dự án đầu tư, đồng thời cơ cấu tổ chức lại hoạt động. Có một thực tế đáng báo động là các tập đoàn, các tổng công ty lớn của chúng ta đang mở rộng quá nhiều lĩnh vực đầu tư kinh doanh như chứng khoán, bất động sản, ngân hàng… khiến nguồn vốn bị đầu tư dàn trải, không hiệu quả ảnh hưởng tới nhiệm vụ chính của các tổng công ty và tập đoàn nhà nước trong việc ổn định nền kinh tế vĩ mô.

 

Hiện, Nhà nước chỉ cho phép các tổng công ty, các tập đoàn đầu tư ngoài lĩnh vực chính 30% số vốn, nhưng hiện nay con số này đã lên tới 37%. Về biện pháp giải quyết tình trạng này, Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung Ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho biết: “Số vốn  hiện nay mà các doanh nghiệp dành cho hoạt động không phải chính của mình làm cho khả năng tập trung vào ngành nghề chính rất hạn chế. Những người lãnh đạo ở những đơn vị này khi làm tay ngang thì tất nhiên là không có nghề, không có nghề đi làm ắt hiệu quả phải thấp. Trong tình hình như hiện nay phải có biện pháp hành chính, từ cấp giấy phép, kiểm tra, xử lý cần phải nghiêm. Cần nhanh chóng chấn chỉnh lại, loại bỏ đi những danh mục đầu tư ngoài hoạt động chính thì hậu họa mới giảm và lâu  dài mới không có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế”.

 

Để duy trì sản xuất và phát triển, vượt qua tình trạng khó khăn hiện nay thì vai trò của các tổng công ty, các tập đoàn Nhà nước là hết sức quan trọng. Do đó trong những tháng còn lại của năm, các tổng công ty, các tập đoàn Nhà nước cần phải nỗ lực hơn nữa để thực hiện tốt trọng trách mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân giao phó./.

Tiến Đức

(http://www.vovnews.vn)