Bộ trưởng NN&PTNT thực hiện một số giải pháp cấp bách để kiềm chế tăng giá

11/04/2008

Các giải pháp đã được lãnh đạo Bộ NN&PTNT đề ra cụ thể và chi tiết, vấn đề còn lại là sự thực hiện của các cơ quan dưới Bộ và sự giám sát, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ…

Thúc đẩy sản xuất là giải pháp không chỉ đảm bảo đáp ứng nguồn cung cho thị trường trong nước.

Chỉ số giá tiêu dùng 3 tháng đầu năm tăng tới 9,19%, trong đó nhóm hàng lương thực thực phẩm tăng tới hơn 10%. Nhóm hàng này tăng cao một phần là do thiếu nguồn cung, đặc biệt là các loại rau xanh và thịt các loại. Trong năm 2007 ngành chăn nuôi chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 4,6% trong khi đó nhu cầu tiêu thụ tăng tới 7%. Sang đầu năm 2008 này, tình trạng thiếu hụt nguồn cung càng nghiêm trọng hơn khi ngành chăn nuôi nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung tại các tỉnh miền Bắc chịu thiệt hại lớn do đợt rét đậm, rét hại kéo dài suốt 38 ngày gây ra.

 

Để thúc đẩy phát triển đàn gia súc, gia cầm, cung ứng đủ thực phẩm thịt cho thị trường, Bộ NN&PTNT chỉ đạo các Sở NN&PTNT địa phương đẩy mạnh nguồn cung giống; tập trung giải quyết thức ăn chăn nuôi bằng cách đẩy mạnh trồng các loại cây làm thức ăn ở trong nước như ngô, đỗ tương, đặc biệt là cây cỏ; đồng thời đẩy mạnh công tác hướng dẫn cho bà con nông dân sử dụng thức ăn công nghiệp và các hình thức chế biến thức ăn để sử dụng tiết kiệm thức ăn.

 

Về thúc đẩy phát triển thủy hải sản, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đang tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực hiện mua USD cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản để có tiền đồng thu mua thủy hải sản nguyên liệu cho người nuôi cá; tiếp tục cung cấp nguồn tín dụng cho người nuôi cá và doanh nghiệp chế biến để có vốn phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu.

 

Riêng đối với các giải pháp hỗ trợ cho ngư dân trong điều kiện giá xăng dầu lên cao, ông Chu Tiến Vĩnh, Cục trưởng cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cho biết: “Chúng tôi đã có chính sách hỗ trợ cho ngư dân khai thác thủy sản như cho vay vốn tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho vay đầu tư, cho chuyển đổi một số máy cũ ăn nhiều dầu chuyển sang những tàu tiêu hao ít dầu hơn. Bảo hiểm thuyền viên 100%”.

 

Để phòng ngừa các dịch bệnh trên lúa, đảm bảo đạt tổng sản lượng như mục tiêu Bộ đề ra cho năm 2008, Bộ NN&PTNT chỉ đạo Trung tâm khuyến nông quốc gia tăng cường khuyến cáo người dân canh tác giống lúa chống chịu rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá và hạn chế canh tác các giống lúa nhiễm các đối tượng dịch hại này; Cục Bảo vệ thực vật cử cán bộ cơ sở thăm đồng thường xuyên, phát hiện và xử lý kịp thời những ổ dịch hại trong từng khu vực, từng vùng, ngăn chặn sự lây lan trên diện rộng trong suốt các vụ sản xuất năm 2008 này. Cục Thủy lợi theo dõi sát sao tình hình mực nước trên các sông, tình hình khí tượng thủy văn, thông báo kịp thời những biến động về mực nước và nước tưới cho lúa vụ Hè Thu. Cục chế biến nông lâm sản và nghề muối có trách nhiệm nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho người dân mua máy nông nghiệp, đảm bảo thu hoạch lúa kịp thời.

 

Về lâu dài, Bộ yêu cầu các cơ quan trong ngành nghiên cứu thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển sản xuất nông nghiệp, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn nguyên, nhiên vật liệu để giảm chi phí giá thành; nâng cao công đoạn chế biến sau thu hoạch để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp; nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, cho biết: “Bộ đã chỉ đạo các địa phương điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất, để sử dụng tối ưu các loại vật tư. Đối với ngành chăn nuôi, trong điều kiện giá thức ăn tinh lên cao, Bộ chỉ đạo tập trung vào thúc đẩy phát triển các loại gia súc ăn cỏ. Trong ngành thủy sản, phải hỗ trợ cho ngư dân khi giá xăng dầu tăng, mặt khác khuyến khích ngư dân chuyển đổi sang làm những nghề tiêu thụ ít nhiên liệu hơn.

 

Đẩy mạnh hướng dẫn cho bà con nông dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật để tiết kiệm đầu tư cũng là biện pháp mà ngành nông nghiệp đưa ra để kiềm chế tăng giá. Ví dụ, trong trồng lúa có chương trình 3 giảm, 3 tăng, hệ thống canh tác lúa bền vững… Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát “Tất cả những tập hợp kỹ thuật này đều cho phép giảm đầu tư, có nơi tới 30% giống, 30% phân bón, 10-20% thuốc trừ sâu, nhưng vẫn tăng năng suất và chất lượng cho nông sản. Trong chăn nuôi, cần nỗ lực cao để hướng dẫn cho bà con cách sản xuất, chế biến và sử dụng thức ăn một cách tiết kiệm nhất. Tất nhiên, trong một số trường hợp, Nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ cho bà con nông dân. Ví dụ, hỗ trợ về giống để khắc phục thiệt hại do rét đối với chăn nuôi, trồng trọt ở miền Bắc; hỗ trợ về giá dầu đối với ngư dân. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình để đề xuất các biện pháp hỗ trợ khác đối với bà con nông dân, nhất là bà con nông dân nghèo ở những vùng khó khăn”.

 

Thúc đẩy sản xuất trong nước là giải pháp không chỉ đảm bảo đáp ứng nguồn cung cho thị trường trong nước, góp phần kiềm chế lạm phát, mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và tổ chức sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Các giải pháp đã được lãnh đạo Bộ đề ra cụ thể và chi tiết, vấn đề còn lại là sự thực hiện của các cơ quan dưới Bộ và sự giám sát, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ./.

Thanh Trường

(http://www.vovnews.vn)