USD mất giá: Các doanh nghiệp thiệt hại nặng

13/03/2008

(LĐ) - Trong khi mục tiêu xuất khẩu đặt ra cho năm nay khá nặng nề thì ngay từ những tháng đầu năm, các doanh nghiệp xuất khẩu đã liên tục bị thiệt hại nặng do đồng USD suy yếu so với tiền đồng VN, trong khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng chóng mặt.

Ngày 11.3, lãnh đạo Bộ Công Thương đã chủ trì cuộc họp khẩn với Vụ Xuất nhập khẩu, bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN XK. Cũng tuần này, Bộ Công Thương sẽ họp với Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ, may ra...

2 lần bị giảm giá bán

Ông Lê Tiến Trường - GĐ điều hành Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex) - hết sức băn khoăn với khó khăn của các DN dệt may tại thời điểm hiện nay.

"Hầu hết các DN dệt may làm hàng XK đều thu về ngoại tệ bằng USD, trong khi đồng USD suy yếu thì hàng hoá VN XK sang các thị trường đều bị thiệt hại nặng nề, ít nhất là giảm khoảng 4-5% giá XK. Trong khi đó, giá các loại vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ làm hàng XK trong nước đều đắt lên như xăng dầu, xơ sợi... tăng khoảng 15-30% tuỳ loại. Các DN XK hàng sang Mỹ hiện bị giảm tới 20% giá trị. Như vậy là DN XK cùng lúc bị giảm giá tới 2 lần, làm sao gượng dậy" - ông Trường nói.

Đại diện Cty CP may Nhà Bè cũng cho biết: "Giá nguyên liệu tăng chóng mặt, nhưng giá xuất FOB lại bị cạnh tranh mạnh. Hiện mỗi tháng, May Nhà Bè XK theo hình thức này lên tới vài chục triệu USD, nhưng so với năm ngoái do tỉ giá USD yếu hơn tiền đồng nên DN đang ăn cả vào lãi. Đã vậy, DN XK muốn bán ngoại tệ cũng không bán được cho ai vì ngân hàng mua vào rất hạn chế.

Trong lúc này, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản VN (VASEP) cũng vừa gửi công văn khẩn cấp lên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Cao Đức Phát về khó khăn mà DN, nông dân, ngư dân đang phải đối mặt khi USD mất giá.

 Tương tự như các DN dệt may XK, các DN XK thuỷ sản chủ yếu thanh toán bằng USD, trong khi nguyên liệu, vật tư cho sản xuất đa phần dựa vào các nguồn trong nước và thanh toán bằng tiền đồng.

Khi USD mất giá, tiền đồng bị thiếu hụt trong lưu thông khiến các DN rất khó bán ngoại tệ thu về sau XK để thu hồi vốn, trang trải chi phí sản xuất.

Các DN cho biết, hiện các DN chế biến xuất khẩu cá gặp khó khăn về đầu ra, nên hạn chế sản xuất khiến nguồn cá nguyên liệu dư thừa. Riêng An Giang, hiện có khoảng 70.000 tấn cá tra, cá ba sa nguyên liệu đã đến tuổi khai thác nhưng không có người mua.

Cứu DN xuất khẩu - cách nào?

Lúc này, dường như các bộ, ngành đều đang hết sức lúng túng và phó mặc cho DN tìm cách lo liệu. Mặc dù thông tin về cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ Công Thương với Vụ Xuất nhập khẩu không được tiết lộ cho báo chí, song một quan chức Vụ XNK bộ này cho biết: Hiện bộ cũng đang tập hợp kiến nghị của DN để chuyển tiếp lên trên. Dự kiến hôm nay (12.3), lãnh đạo Bộ Công Thương sẽ có cuộc họp với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước để tìm cách tháo gỡ. Tóm lại là chưa có quyết sách rõ ràng sẽ tháo gỡ như thế nào.

Song các DN thì đang "nếm đòn" ngày một gay gắt. Ông Lê Tiến Trường cho biết: "Đương nhiên là DN đã tìm mọi cách giảm tối đa chi phí, hay đàm phán lại hợp đồng, tăng đơn giá gia công hoặc giá đơn hàng lên 3-5% để yêu cầu khách hàng cùng chia sẻ khó khăn. Song cũng không đơn giản. Bởi thị trường XK lớn nhất của VN là Hoa Kỳ luôn chịu sự cạnh tranh quyết liệt với các nước cũng XK hàng sang Hoa Kỳ".

Nhiều DN XK không khỏi tỏ ra lo lắng khi mà việc bán ngoại tệ gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng có dư ngoại tệ nhưng không bán được cho ngân hàng, trong khi vẫn phải vay vốn tiền đồng với lãi suất cao hơn trước đây do các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất cho vay lên 1,1-1,4%/tháng, đẩy các DN vào tình trạng thua lỗ nếu không muốn đổ bể các đơn hàng đã ký từ trước.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, tăng trưởng của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào XK và đầu tư trực tiếp nước ngoài, bởi vậy nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách tỉ giá như hiện nay thì sẽ còn gây thiệt hại cho các DN XK và ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng của cả nền kinh tế.

 

(http://www.laodong.com.vn/)