Kiềm chế lạm phát: Nâng giá đồng Việt Nam

13/03/2008

Theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, từ 10/3/2008, biên độ mua bán ngoại tệ của các ngân hàng thương mại so với tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng chính thức tăng thêm ± 0,25% (tăng từ ± 0,75% lên ± 1%).

(VOV)_ Động thái này cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu đưa công cụ chính sách tỷ giá vào kiềm chế lạm phát.

 

Mở rộng biên độ tỷ giá bao nhiêu là hợp lý?

 

Trước khi quyết định mở rộng biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã khuyến nghị, nên để VND tăng giá 5% so với USD trong năm 2008. Theo VAFI, trong nhiều năm qua, Việt Nam liên tục thực hiện chính sách VND yếu, khi đồng USD mất giá thì VND cũng giảm theo. Chính sách này được Việt Nam duy trì khá lâu. Nếu nhìn sang các nước trong khu vực thì đồng tiền của họ đã lên giá so với USD khoảng 25%. Việc điều chỉnh này được giải thích ở mục đích nhằm hạn chế bớt dòng vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào những công cụ nợ ngắn hạn như: kỳ phiếu, tín phiếu ngân hàng hay trái phiếu Chính phủ ngắn hạn. Mặt khác, VAFI cho rằng, đây là một giải pháp chống lạm phát khả thi. Nếu làm cho VND lên giá 5% thì cũng đồng nghĩa với việc giảm giá xăng dầu xuống 5%, đồng thời, nhiều mặt hàng nguyên liệu sản xuất cũng giảm theo.

 

Tuy nhiên, khả năng điều chỉnh VND lên giá 5% ngay trong năm 2008 xem ra rất khó khăn, bởi: Trước hết, trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp kiềm chế lạm phát năm 2008, biên độ giao động tỷ giá đã được xác định ở mức ± 2%; Thứ hai, mức tăng 5% của VND so với USD sẽ là một “cú sốc” thực sự đối với những doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là khi các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá vẫn còn khá mới mẻ. Trả lời báo chí mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, VND tăng giá sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, nhưng phải điều chỉnh tỷ giá VND thật linh hoạt để có lợi nhiều cho sản xuất phát triển kinh tế, chứ không đóng khung là chỉ xuống giá để có lợi cho xuất khẩu, hay chỉ lên giá để có lợi cho nhập khẩu.

 

Tạo sự đồng thuận về chính sách

 

Theo TS. Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học Thị trường giá cả (Bộ Tài chính), tỷ giá hối đoán là công cụ hữu hiệu thứ hai sau chính sách thắt chặt tiền tệ mà trong nền kinh tế mở người ta có thể sử dụng để xử lý vấn đề lạm phát. “Trong năm nay, tôi đặt hy vọng rất nhiều vào việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái” - TS. Vũ Đình Ánh nói. Theo phân tích của ông tăng giá VND sẽ kéo theo sự đồng thuận với chính sách thắt chặt tiền tệ. Thông thường, khi thắt chặt tiền tệ thì người ta sẽ tăng lãi suất lên, tức là tăng giá trị của đồng tiền lên, bởi vì nếu có gửi ngân hàng thì thu được nhiều lãi hơn. Đấy là tăng giá trị đối nội của đồng tiền. Đồng thời với nó, chúng ta có thể tăng cả giá trị đối ngoại của đồng tiền, bằng cách tăng giá VND so với USD là rất hợp lý. Như vậy, mọi hàng hoá nhập khẩu về quy ra USD, thì giá sẽ không tăng lên mức cao như hiện nay.

 

Đơn cử, trường hợp chỉ số giá lương thực, thực phẩm - vốn chiếm tới hơn 40% rổ hàng hoá tính CPI của Việt Nam. Một điều băn khoăn lớn nhất hiện nay là tại sao chúng ta làm ra lương thực, thực phẩm mà giá lại tăng cao đến thế? Nhiều người lý giải, là do giá đầu vào như: giống, phân bón, thuốc trừ sâu... tăng và phần lớn những nguyên liệu đầu vào này đều nhập khẩu. Vậy làm thế nào để chúng ta giảm giá lương thực, thực phẩm? Theo TS. Ánh, chúng ta có 2 cách: Một là, nếu nhập khẩu mà muốn giảm giá thì điều chỉnh tỷ giá. Ví dụ, 1 USD đổi được 16.000 đồng thì nay đưa xuống còn 15.000 đồng thôi chẳng hạn, như vậy, nghiễm nhiên giá đầu vào sẽ giảm; Thứ hai, phải tự sản xuất trong nước. Tuy nhiên, nền kinh tế của nước ta hiện nay không làm được như thế và còn phụ thuộc vào nước ngoài quá nhiều.

 

Bên cạnh đó, muốn chủ động được sản xuất trong nước, chúng ta phải thay đổi kết cấu sản xuất theo ngành dọc, chứ không phải theo chiều ngang. Tiến sĩ Ánh phân tích: “Chúng ta định hướng giảm cơ cấu nông nghiệp, tăng dịch vụ, công nghiệp lên. Nhưng có một cái phải thay đổi trong kết cấu. Ví dụ, trong nông nghiệp, giả định toàn bộ đầu vào của nông nghiệp mình đều lo được hết thì câu chuyện kiểm soát về giá lương thực, thực phẩm của nước ta dễ dàng hơn nhiều so với việc mình đi nhập khẩu của nước ngoài. Rõ ràng, thực tế, hầu hết các loại nguyên, vật liệu chúng ta đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đây là một việc rất nguy hiểm”./.

Thuận Du

(http://www.vovnews.vn)