Nền kinh tế đất nước ta sau 1 năm gia nhập Tổ chức Thương mại lớn nhất thế giới này đã đạt được nhiều thành quả, là kết quả đáng khích lệ của sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, sự vươn lên mạnh mẽ của giới doanh nghiệp và sự chủ động của mỗi địa phương trong phát triển kinh tế.
Trước hết phải khẳng định: những thành tựu trong phát triển kinh tế nước ta 1 năm qua là kết quả của quá trình cải cách không ngừng của đất nước và WTO là một cột mốc quan trọng trong tiến trình này. Trong vòng một năm hội nhập WTO, Việt Nam đã đón rất nhiều đoàn cấp cao của các nước đến thăm trao đổi các vấn đề hợp tác phát triển. Rất nhiều các nhà doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài, khách du lịch đã đến Việt Nam du lịch, tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh. Nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ về đầu tư, về xuất khẩu, du lịch... với mức cao kỷ lục.
Bắt đầu từ ngày 11/1/2007, theo cam kết trong lĩnh vực dịch vụ, Việt Nam phải mở cửa 11/12 ngành (khoảng 110 phân ngành nhỏ). Từ các cam kết này, một số ngành bán lẻ, tài chính, ngân hàng, viễn thông... phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn. Tới nay, Việt Nam đã mở cửa hầu hết các lĩnh vực sản xuất cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, điều tưởng như bất lợi này lại mang lại lợi ích vì hàng Việt Nam sẽ thâm nhập dễ dàng hơn vào thị trường nước ngoài, tạo lợi nhuận cao hơn cho nhà sản xuất trong nước. Điều này thể hiện ở kim ngạch xuất khẩu năm 2007 đạt 48 tỷ USD, tăng 8,2 tỷ USD (tương đương 20,5%) so với năm 2006, vượt 3,1% so với kế hoạch Chính phủ giao. Các mặt xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản, gạo, cà phê, rau quả, cao su, hạt tiêu, hạt điều… đều có kim ngạch xuất khẩu cao. Hàng may mặc, hàng điện tử, linh kiện máy tính… cũng tận dụng được điều kiện thuận lợi từ WTO mang lại. Tổng giám đốc Công ty may Việt Tiến, ông Nguyễn Đình Trường có những nhìn nhận lạc quan về tác động của WTO với doanh nghiệp sau 1 năm: “WTO tạo cho Việt Nam nhiều thuận lợi. Riêng trong ngành dệt may thuận lợi nhiều hơn thách thức: không bị giới hạn số lượng xuất khẩu, có thị trường của 150 nước giảm thuế; công nghệ của các nước vào ngày càng nhiều”.
Cũng từ ngày 11/1/2007, Việt Nam cam kết giảm 10.689 dòng thuế, trong đó thuế suất cam kết cuối cùng có mức bình quân giảm 23% so với mức thuế ưu đãi bình quân hiện hành, thực hiện theo lộ trình từ 5-7 năm. Những ngành có mức cắt giảm nhiều nhất là dệt may, thuỷ sản, hàng chế tạo và máy móc thiết bị thông dụng, ôtô và linh kiện ôtô... Điều này cũng đồng nghĩa với sức ép cạnh tranh ngày càng lớn đối với doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo các cam kết WTO cũng ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, trong thực tế, mức giảm thu ngân sách do giảm thu từ thuế nhập khẩu là không đáng lo ngại. Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, bà Nhữ Thị Hồng Liên cho biết: “Khi tham gia WTO có một số sắc thuế giảm nhưng tình hình thu ngân sách của tỉnh lại có nhiều khởi sắc. Tổng thu trên địa bàn đạt tới 9.300 tỷ”.
Với việc thông qua Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Việt Nam đã nỗ lực loại bỏ sự phân biệt giữa các doanh nghiệp quốc doanh và tư nhân, giữa doanh nghiệp nước ngoài và trong nước, cũng như mọi rào cản để tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng đối với mọi thành phần kinh tế. Nhà nước đã chuyển từ quản lý trực tiếp theo cách định giá, cấp phép sang quản lý gián tiếp, xây dựng chính sách, các tiêu chuẩn, tiêu chí để doanh nghiệp hoạt động theo. Điều này tạo sự chuyển biến đáng kể trong cách quản lý, cũng là động lực quan trọng đòi hỏi các doanh nghiệp chủ động hơn trong cơ chế thị trường.
Môi trường kinh doanh không ngừng rộng mở
Việt Nam đã và đang ngày càng nổi bật trên bản đồ thu hút đầu tư thế giới với vốn đăng ký đạt hơn 20 tỷ USD, vượt xa mọi dự báo và vượt tới 53,2% kế hoạch năm. Trong đó, nguồn vốn gián tiếp vào trong nước cũng tăng lên đáng kể, góp phần làm sôi động và tăng trưởng nhanh lượng vốn trên thị trường chứng khoán. Theo ông Vũ Bằng - Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước: “Một năm qua, quy mô thị trường chứng khoán tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Luồng vốn FDI vào ngày càng nhiều và đóng vai trò quan trọng đối với thị trường chứng khoán. Chúng tôi cũng nhận thấy nhiều thị trường trông vào Việt Nam, rất mong muốn có được thị trường hấp dẫn như ở Việt Nam. Chúng ta nên duy trì và thúc đẩy luồng vốn này vào thị trường Việt Nam”.
Trong lĩnh vực ngân hàng, Việt Nam mở cửa cho phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài từ ngày 1/4/2007, mặc dù vẫn có một số ràng buộc cụ thể đối với các ngân hàng nước ngoài như: không được phép mở chi nhánh phụ và vẫn chịu hạn chế về huy động tiền gửi bằng đồng Việt Nam từ Việt Nam trong vòng 5 năm kể từ khi gia nhập WTO… Tuy nhiên, để nâng cao khả năng cạnh tranh, các ngân hàng Việt Nam đã có bước chuẩn bị từ lâu, trong đó có việc tăng cường tiềm lực tài chính và đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ. Thiết kế các sản phẩm mới theo hướng đa dạng hóa để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ngoài sự đa dạng của các sản phẩm dịch vụ, các phương thức vay vốn cũng được các ngân hàng thực hiện đơn giản và nhanh chóng.
Một năm Việt Nam gia nhập WTO, ngành bán lẻ trong nước tuy phải “chia” thị phần cho các nhà bán lẻ nước ngoài, nhưng vẫn giữ vững thị phần và doanh số bán hàng liên tục tăng. Các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ đã có những chiến lược cạnh tranh riêng trong thu hút khách hàng. Sau một năm chính thức trở thành thành viên của WTO, ngành dịch vụ bán lẻ tại Việt Nam đã phát triển theo chiều hướng tích cực và bền vững. Thứ trưởng Bộ Thương mại, ông Nguyễn Cẩm Tú cho rằng: “Biến đổi đáng kể nhất là các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam từ tình trạng tạm gọi là ngủ quên trên thành công bước đầu của mình, dần dần thấy rằng cần phải vươn lên trong nhiều lĩnh vực về quy mô, quản lý, công nghệ và đặc biệt sự vươn lên trong sự liên kết, kết hợp với nhau. Đương nhiên từ một miếng bánh từ 100% của Việt Nam sau đó có tham gia của nước ngoài thì phải san sẻ một phần thị phần”.
Sau một năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả về phát triển kinh tế và giảm nghèo, với tốc độ tăng GDP đạt gần 8,5% và tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18% xuống còn 14,7% năm 2007.
Sức ép mở cửa thị trường đang tạo ra những thách thức
Tuy nhiên, sức ép mở cửa thị trường đang tạo ra những thách thức lớn đối với nền kinh tế, đặc biệt là với các doanh nghiệp trong nước khi năng lực cạnh tranh của họ còn hạn chế, còn người nông dân cũng gặp nhiều khó khăn khi vẫn với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Bên cạnh đó, khả năng tiếp nhận của nền kinh tế đối với đầu tư nước ngoài còn yếu. Dù lượng vốn đầu tư nước ngoài vào rất lớn nhưng việc sử dụng vẫn chưa thực sự hiệu quả, giải ngân chậm chạp.
Như vậy có thể thấy, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ của nền kinh tế trong 1 năm gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, nền kinh tế vẫn bộc lộ những yếu kém và khuyết điểm. Nền kinh tế chưa tranh thủ tốt nhất những cơ hội và thách thức mới; tốc độ tăng trưởng cao nhưng chưa đi liền với cải thiện nhanh về chất lượng; môi trường đầu tư và kinh doanh, nhất là thể chế kinh tế, thủ tục hành chính, kết cấu hạ tầng xã hội và nguồn nhân lực đang là những khâu còn nhiều yếu kém, bất cập, làm hạn chế sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế đất nước.
Vì vậy, để tận dụng tối đa những cơ hội từ việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, phát huy đà tăng trưởng của nền kinh tế năm 2007, điều quan trọng là phải đảm bảo được môi trường cạnh tranh lành mạnh, vừa thực hiện đúng các cam kết vừa phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh các chính sách tạo thuận lợi, các doanh nghiệp cần trang bị vốn kiến thức toàn diện và đặt mình trong bối cảnh liên kết toàn cầu nhằm thiết lập các liên kết chuỗi nâng cao năng lực cạnh tranh. Về phương diện vĩ mô, Nhà nước tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, trong đó có việc huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển nhanh vào cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đây là những yếu tố cần được tập trung đẩymạnh để nền kinh tế tăng trưởng bền vững và hội nhập thành công./.