(VOV)_Phát biểu tại lễ mít tinh kỷ niệm 1 năm ngày Việt Nam gia nhập WTO tổ chức tối ngày 11/1, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm khẳng định khả năng và sức hội nhập mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam sau 1 năm là thành viên của tổ chức thương mại toàn cầu, với nhiều kỷ lục mới về kinh tế đối ngoại và những chuyển biến rõ nét trong nội tại nền kinh tế.
Phó Thủ tướng đồng thời cũng chỉ ra rằng, những kết quả đạt được vừa qua mới chỉ là những thành công ban đầu và Việt Nam sẽ còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong thời gian tới cùng với việc thực hiện một cách đầy đủ các cam kết của WTO.
Những thành công đáng ghi nhớ
Sau một năm gia nhập WTO, thành công tiêu biểu nhất của Việt Nam là tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn dự kiến, đạt 8,5%, cao nhất trong 10 năm qua. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 20,3 tỷ USD, tăng gấp đôi so với năm trước. Kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 59 tỷ USD. Nhìn chung, các tác động của việc gia nhập WTO đối với Việt Nam là rất tích cực.
Một điều quan trọng là đa số các doanh nghiệp và ngành hàng của Việt Nam kể cả sản xuất và dịch vụ đã bước đầu tỏ ra có đủ khả năng đối phó với các thách thức. Bên cạnh các doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng phát triển rất ngoạn mục, chiếm 56,9% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Ông Ngô Quang Xuân - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết: “Ấn tượng nhất là nguồn đầu tư vào Việt Nam năm 2007 bằng cả 5 năm từ 2000-2006. Lý do chính mà các nhà đầu tư nước ngoài có mặt ngày càng nhiều là Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO. Với 20,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, mặc dù vốn giải ngân có hạn chế, nhưng rõ ràng điều này củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Các dự án sẽ tác động đến nền kinh tế rất tích cực”.
Về dịch vụ, chỉ nói riêng một ngành nhạy cảm là tài chính – ngân hàng với khả năng cạnh tranh còn chưa cao nhưng cũng đã có những bước đi lên rất ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng của các dòng vốn chu chuyển qua hệ thống ngân hàng năm qua đã đạt mức cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Năm 2007, cũng là năm hoạt động rất hiệu quả của các ngân hàng nước ngoài và đặc biệt là khối các tổ chức tài chính phi ngân hàng tại Việt Nam.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá: Trong một năm đầu tiên trở thành thành viên chính thức của WTO, doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã tự tin hơn, thấy rõ hơn con đường phía trước của mình. Cùng với cải thiện môi trường kinh tế quốc gia, thì DN đã tự nâng cao năng lực của mình về quản lý, quản trị doanh nghiệp; hoạt động sản xuất kinh doanh được đặt trong tầm nhìn toàn cầu, dài hạn.
Tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp luật
Một đất nước khi gia nhập WTO có thể phải đối mặt với những rắc rối và tranh chấp, chính vì thế hệ thống luật pháp đóng vai trò then chốt trong việc điều chỉnh và giải quyết tranh chấp. Đánh giá về việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho việc thực hiện cam kết của Việt Nam trong năm 2007, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đưa ra một số điểm nổi bật: “Tốc độ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền được duy trì ở mức độ cao, thậm chí còn được đẩy nhanh hơn với thời kỳ Việt Nam đàm phán gia nhập WTO. Chất lượng văn bản đảm bảo tuân thủ nội dung của cam kết quốc tế, góp phần làm cho hệ thống văn bản pháp luật thương mại, kinh tế của Việt Nam hội nhập nhanh hơn với các thông lệ quốc tế”.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, vẫn còn có một số văn bản không theo kịp lộ trình cam kết, chẳng hạn việc xây dựng thông tư liên tịch về việc xử lý hình sự các vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ, đành rằng việc ban hành chậm đó có nhiều lý do chính đáng, trong đó đặc biệt là các lý do khách quan, do hạn chế về kiến thức pháp luật… Đồng thời, vấn đề quan ngại lớn nhất là pháp luật Việt Nam chậm đi vào cuộc sống, cơ chế thực thi pháp luật còn lỏng lẻo, chưa nghiêm.
Ông Nguyễn Hoàng Lưu – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phàn nàn: Hệ thống toà án và thực thi luật pháp còn nhiều hạn chế do các thủ tục còn rườm rà và chi phí cao, thiếu tính minh bạch. Hiệu quả của dịch vụ hành chính vẫn còn yếu kém chưa được tinh giản, tốc độ cải cách hành chính vẫn chậm, nạn quan liêu, tham nhũng vẫn còn nhiều và ngày càng tinh vi, rất khó phát hiện.
Theo ông Liên, để thực hiện tốt các cam kết WTO, trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung rà soát các văn bản pháp luật đã được ban hành với các cam kết của Việt Nam trong WTO.
Sở hữu trí tuệ vẫn là vấn đề nóng hiện nay và là một trở ngại gây thiệt hại không chỉ doanh nghiệp nước ngoài mà cả doanh nghiệp trong nước. Tình trạng chiếm dụng thương hiệu, làm nhái sản phẩm của những thương hiệu nổi tiếng, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, tranh chấp bản quyền... Theo nhận định của Cục Sở hữu trí tuệ, trong suốt một năm qua, kể từ thời điểm kết thúc đàm phán, Việt Nam không ngừng nỗ lực để đưa hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam đến chỗ hoàn toàn phù hợp với chuẩn mực quốc tế, cụ thể ở các hoạt động hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật. Đến nay, hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã hầu như đạt được chuẩn mực quốc tế, thậm chí còn được các chuyên gia Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đánh giá là một hệ thống bảo hộ tiên tiến, nhưng vẫn còn một số điểm cần được bổ khuyết.
Còn nhiều khó khăn phải đương đầu
Thời gian tới, để nâng cao sức cạnh tranh trong WTO, theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách hành chính; ngăn chặn nạn quan liêu, tham nhũng; Tiếp tục cải cách việc soạn thảo và ban hành thực thi các văn bản pháp luật theo hướng tinh giản, thực tiễn, đồng bộ và chuẩn mực; Cải cách, đổi mới hệ thống giáo dục, đào tạo để phát triển nguồn nhân lực; Nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống cảng biển và nhà máy điện.
Theo ông Ngô Quang Xuân, với lượng vốn FDI tăng mạnh như năm 2007, chúng ta phải tính đến việc nâng cao tốc độ giải ngân cũng như hiệu quả sử các nguồn vốn đầu tư. Cơ cấu sử dụng đầu tư rất quan trọng, ngoài những dự án lớn, thu lời nhanh thì cũng phải tính đến những dự án chiến lược hay dự án khu vực nông thôn. Chỉ có 3% vốn đầu tư nước ngoài cho khu vực nông thôn như hiện nay thì vẫn chưa đủ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng thẳng thắn đưa ra những thách thức to lớn phải đối phó, đó là nhập siêu ở mức hai con số; Cơ sở hạ tầng bao gồm hệ thống đường giao thông , cảng, điện… trở nên quá tải; Thiếu lao động trình độ cao trong hầu hết các ngành đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ… đang kìm hãm quá trình chuyển dịch cơ cấu. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản khiến hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam tạo ra ít được giá trị gia tăng, kém cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Phân tích rõ hơn về những hạn chế của nguồn nhân lực, ông Nguyễn Hoàng Lưu cho rằng: “Nguồn nhân lực có trình độ quản lý và tay nghề cao còn rất thiếu. Theo thống kê, chỉ có gần 30% lực lượng lao động là đã qua đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, chưa đồng đều, sử dụng chưa hiệu quả. Ngay ở Hà Nội là trung tâm kinh tế đứng thứ hai trong cả nước, sau thành phố Hồ Chí Minh, thì với hơn nửa triệu lao động được đào tạo có bằng cấp các loại, thì số trình độ sơ cấp và công nhân kỹ thuật chiếm 37%, trung học chuyên nghiệp là 21%, đại học-cao đẳng là 40%. Số công nhân kỹ thuật bậc cao và số kỹ sư thực hành thạo chuyên môn là rất hiếm”.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, với hai điểm yếu về hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực thì DN chính là nguồn lực quan trọng để cải thiện, đầu tư lĩnh vực này. Sự đầu tư của Chính phủ nếu chỉ bằng nguồn lực của Chính phủ thì không thể dáp ứng yêu cầu trong thời gian tới./.