Cả nước hiện có khoảng gần 900 kiểm toán viên (KTV); trong khi ước tính hiện có khoảng hơn 250.000 DN đang hoạt động.
Số lượng ít - năng lực yếu
Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện toàn VN có 888 KTV đang hành nghề. Con số này còn ít hơn, khi chỉ có khoảng 300 người có chứng chỉ kiểm toán viên quốc tế. Cũng theo tính toán này thì bình quân mỗi Cty KT hiện nay chỉ có 6,5 KTV có chứng chỉ.
Con số này đã cho thấy, lực lượng KTV của VN quá mỏng và yếu, trong khi nhu cầu và các sản phẩm hoạt động KT ngày càng tăng cao; nhất là trong bối cảnh sự vận hành của kinh tế VN đang gắn liền với đòi hỏi minh bạch tài chính; đặc biệt là nhu cầu bùng phát của thị trường chứng khoán hiện nay. Một thực tế dễ thấy nhất là ngay tại cơ quan Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thì lực lượng này cũng thiếu hụt.
Cũng chính vì sự yếu thế này mà hoạt động KT của VN hiện nay thua ngay trên sân nhà. Một chuyên gia của Bộ Tài chính thừa nhận: KT của VN thua trước sức ép của nhu cầu hiện tại và thua trước trình độ, quy mô hoạt động so với các DN KT của nước ngoài.
Chính vì thế, sự thật hiển nhiên và phải chấp nhận là hầu hết các DN, tập đoàn lớn của VN khi cần đều tìm kiếm đối tác là các DN KT nước ngoài. Điều này không chỉ cho phép hoạt động KT chính xác, minh bạch, mà còn giúp cho thương hiệu của DN được KT, được xếp hạng tăng lên đáng kể nhờ chính danh tiếng của DN KT.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn thế là trong khi chưa đủ sức mạnh "đấu" với KT nước ngoài, song bản thân các Cty KT VN cũng lại hoạt động manh mún, phân tán, thậm chí là cạnh tranh không lành mạnh.
Cụ thể, để kiếm được khách hàng và "thông đồng" với khách hàng, các Cty KT có thể chấp nhận giảm phí và cắt giảm dịch vụ. Vì thế, chất lượng KT của các Cty KT của VN ít có sức thuyết phục.
Hay như với số lượng bình quân 6,5 KTV có chứng chỉ, các chuyên gia cho rằng "không thể làm được việc lớn" cả về số lượng khách hàng cũng như chất lượng dịch vụ.
Loay hoay tìm giải pháp
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn thế là cùng với sự phát triển của nền kinh tế; tầm vóc và hướng phát triển đội ngũ KTV tại VN vẫn chưa hề rõ ràng. Cụ thể, các chuyên gia cho rằng: Cách đào tạo chưa chuyên nghiệp; mang tính cào bằng chứ chưa chuyên sâu vào mảng kế toán quản trị, kiểm toán.
Kiểu đào tạo này cung cấp kiến thức rộng, nhưng không sâu; trong khi đó hoạt động KTKT là ngành nghề chuyên sâu. Bên cạnh đó, giáo trình và kiến thức đào tạo cũng chưa đủ, chưa chuẩn; mỗi trường đào tạo khác nhau nên khả năng tiếp cận đến trình độ quốc tế còn rất hạn chế.
Một vấn đề khác là môi trường pháp lý của hoạt động này đang trong quá trình xây dựng. Đại diện Bộ Tài chính cho biết, bộ đang tiếp tục xây dựng, sửa đổi và bổ sung các văn bản pháp quy và chế tài liên quan.
Mới đây nhất, bộ này thực hiện việc sửa đổi quy chế thi và cấp chứng chỉ KTV với dự kiến có thể áp dụng từ năm 2008; đang thực hiện việc sửa đổi và hạ thấp tiêu chuẩn KT trên thị trường chứng khoán. Còn đối với KTNN, cơ quan này cũng đang trong quá trình xây dựng một đề tài về định hướng giải pháp xây dựng khung khổ pháp lý cho KT độc lập...
Với những bước đi rất chậm, các cơ quan quản lý cho biết, phấn đấu đến 2010 VN sẽ có khoảng 3.000 nhân viên hoạt động trong lĩnh vực KT; trong đó khoảng một nửa số này có thể đăng ký hành nghề. Với con số này, các chuyên gia nhận định: Trong thời gian tới, các Cty KT nước ngoài sẽ vẫn thống lĩnh tại thị trường VN.