Ngày làm việc thứ 13, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XII: Chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cán bộ nhũng nhiễu người dân

07/11/2007

ND – Trong ngày làm việc thứ 13, ngày 6-11, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường trình bày báo cáo việc thực hiện pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó nêu rõ, việc cấp giấy chứng nhận nhìn chung còn chậm, nhất là các loại đất chuyên dùng, đất ở đô thị và đất lâm nghiệp do cán bộ, công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân.

Ngày 6-11, tại kỳ họp thứ hai, QH khóa XII, với sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, nghe Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày báo cáo việc thực hiện pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDÐ); báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ QH do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền trình bày và thảo luận về vấn đề này.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, Chính phủ và các bộ, ngành ở T.Ư đã khẩn trương xây dựng các văn bản để cụ thể hóa và hướng dẫn thi hành Luật Ðất đai, trong đó đã quy định khá chi tiết, rõ ràng, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các địa phương tổ chức cấp giấy chứng nhận được tốt hơn, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận.

Cùng với các quy định của Luật Ðất đai năm 2003, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ðất đai có những bước cải cách quan trọng về thẩm quyền và thủ tục cấp giấy chứng nhận. Việc cấp giấy chứng nhận được phân cấp giữa UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện, giữa UBND cấp tỉnh với cơ quan quản lý đất đai cùng cấp, thủ tục cấp Giấy chứng nhận có những đổi mới cơ bản, giảm phiền hà trong cấp giấy chứng nhận. Do vậy, tiến độ cấp Giấy chứng nhận được đẩy nhanh hơn trong gần ba năm qua. Theo đó, kết quả cấp giấy chứng nhận của cả nước đến ngày 30-9-2007 như sau: Ðối với đất sản xuất nông nghiệp, đã cấp 13.686.351 giấy với diện tích 7.485.643 ha, đạt 82,1% so với diện tích cần cấp; trong đó cấp cho hộ gia đình và cá nhân là 13.681.327 giấy với diện tích 6.963.330 ha; cấp cho tổ chức 5.024 giấy với diện tích 522.313 ha. Có 31 tỉnh đạt hơn 90%, 11 tỉnh đạt từ 80% đến 90%, tám tỉnh đạt từ 70% đến dưới 80%; 12 tỉnh đạt từ 50% đến 70%; hai tỉnh còn lại đạt dưới 50%.

Báo cáo cũng nêu rõ, việc cấp giấy chứng nhận nhìn chung còn chậm, nhất là các loại đất chuyên dùng, đất ở đô thị và đất lâm nghiệp. Một số địa phương chưa triển khai thực hiện đồng bộ cấp Giấy chứng nhận cho tất cả các loại đất mà chủ yếu tập trung vào một số loại đất chính như đất sản xuất nông nghiệp, đất ở nông thôn và đất ở đô thị. Một số tỉnh, thành phố còn tồn đọng nhiều giấy chứng nhận do người sử dụng đất chưa đến nhận hoặc do UBND cấp xã đã nhận được nhưng chưa trao cho người được cấp giấy.

Nhiều địa phương hiểu không đúng và không đầy đủ những quy định của Luật Ðất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành, dẫn tới những vận dụng không đúng quy định khi cấp giấy chứng nhận (nhất là trong việc xác định điều kiện cấp giấy chứng nhận đối với những trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất; xác định diện tích đất ở đối với trường hợp thửa đất có vườn, ao gắn liền; xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai) và khi lập hồ sơ địa chính.

Một số địa phương chưa ban hành đầy đủ các quy định cụ thể hóa pháp luật về đất đai liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận; nhất là quy định về thời gian giải quyết thủ tục hành chính ở từng khâu công việc (thẩm định hồ sơ, xác định nghĩa vụ tài chính...).

Nhiều địa phương vẫn chưa coi trọng việc cải cách thủ tục hành chính khi giải quyết cấp giấy chứng nhận, vẫn còn tình trạng gây phiền hà cho người sử dụng đất khi làm thủ tục cấy giấy chứng nhận như yêu cầu người dân phải nộp thêm các loại giấy tờ ngoài quy định hoặc phải tự mang hồ sơ đến từng cơ quan có thẩm quyền để giải quyết và không xem xét cấp giấy chứng nhận cho các trường hợp sử dụng đất thuộc phạm vi quy hoạch, đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình mà không thuộc trường hợp phải thu hồi đất; thậm chí có nơi vẫn yêu cầu người dân phải xin xác nhận của những người liền kề về ranh giới sử dụng đất; nhận và trả kết quả hồ sơ không đúng địa chỉ quy định; nhận hồ sơ không bảo đảm yêu cầu, gây phiền hà cho người dân hoặc phải giải quyết thủ tục gượng ép thiếu chặt chẽ về pháp lý; cá biệt có nơi còn đòi hỏi phải có hộ khẩu thường trú mới xem xét cấp giấy chứng nhận.

Nguyên nhân chủ yếu của việc cấp giấy chứng nhận chậm là do việc triển khai thi hành Luật Ðất đai ở các địa phương nhìn chung còn chậm. Tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Chưa bảo đảm kinh phí cho việc cấp giấy chứng nhận. Hệ thống pháp luật còn một số điểm bất cập. Cấp giấy chứng nhận là một công việc khó khăn, phức tạp do một thời gian dài buông lỏng quản lý đất đai; tình trạng vi phạm Luật Ðất đai trong sử dụng đất (như lấn chiếm, chuyển mục đích trái phép, tranh chấp, không sử dụng hoặc sử dụng không hết, không hiệu quả đất được giao) của các tổ chức, cá nhân là khá phổ biến với số lượng lớn; nhiều vụ việc kéo dài nhiều năm chưa được xử lý dứt điểm.

Một bộ phận người sử dụng đất chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của giấy chứng nhận hoặc chưa có nhu cầu thực hiện các quyền của người sử dụng đất (thế chấp vay vốn, chuyển quyền sử dụng đất...) nên chưa thực hiện kê khai đăng ký cấp Giấy chứng nhận.

Báo cáo của Chính phủ cũng đã đưa ra một số giải pháp nhằm khắc phục tình trạng nói trên.

Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ QH nhận định, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm, không đạt tiến độ theo kế hoạch đã đề ra, nhất là đối với các loại đất chuyên dùng, đất ở đô thị và đất lâm nghiệp. Ủy ban Thường vụ QH đã kiến nghị QH ra Nghị quyết, quyết nghị hoàn thành cơ bản việc cấp GCNQSDÐ trong năm 2008.

Thảo luận về hai bản báo cáo nói trên, các ý kiến phát biểu cơ bản tán thành với những đánh giá về kết quả đã đạt được trong công tác này, và đi sâu phân tích về những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân của hạn chế, yếu kém, đồng thời kiến nghị các giải pháp tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDÐ trong thời gian tới. Nhiều ý kiến cho rằng, vướng mắc hiện nay làm chậm tiến độ cấp GCNQSDÐ là do một số chính sách không phù hợp, thiếu nhất quán, nhiều quy định pháp luật mâu thuẫn nhau (Ðại biểu Võ Ðình Tuyến, Bình Phước; Nguyễn Bá Thanh, Ðà Nẵng; Ðặng Thị Mỹ Hương, Ninh Thuận). Một số ý kiến cho rằng, tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm là do nghĩa vụ tài chính phải nộp quá cao, vượt khả năng của người sử dụng đất, do đó họ không thiết tha với việc nhận GCNQSDÐ, mặc dù đã có giấy chứng nhận nhưng không đến nhận vì không có tiền nộp nghĩa vụ tài chính (Ðặng Huyền Thái - Hà Nội, đại biểu Y Vêng, Kon Tum, Ðặng Thị Mỹ Hương, Ninh Thuận).

 

Một số ý kiến nhận xét, không ít địa phương chưa thật sự quan tâm công tác này thể hiện ở chỗ, đến nay vẫn còn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chưa ban hành các văn bản thực hiện Luật Ðất đai và các văn bản pháp luật khác liên quan (24 tỉnh, thành phố). Có những ý kiến cho rằng, đặt ra thời hạn cấp xong GCNQSDÐ trong năm 2008 là không khả thi.

Trong thảo luận, nhiều đại biểu QH kiến nghị các giải pháp thực tế và khả thi nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDÐ vào năm 2010. Ðại biểu Nguyễn Thị Thanh Huyền (Phú Thọ) thống kê Chính phủ và các bộ ra tới 40 Nghị định và Thông tư hướng dẫn cấp GCNQSDÐ; vì thế, theo đại biểu Hoàng Thị Hạnh (Bắc Giang) các văn bản này có chỗ không khớp nhau, rất khó áp dụng chính xác trong một số trường hợp.

Các đại biểu này đều cho rằng, Chính phủ phải rà soát kỹ các văn bản này, chỉnh sửa và hoàn thiện, thống nhất một loại giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở. Ðại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) nêu ra một hiện tượng đáng lưu tâm trong việc cấp GCNQSDÐ ở đô thị "vênh" nhau giữa quy định của Luật Ðất đai và quy định của Luật Nhà ở, và đề nghị nên thống nhất việc cấp giấy này trên cơ sở quy định của Luật Ðất đai, và khẳng định Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu nhà ở của công dân.

Ðại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) đề nghị Chính phủ cần quan tâm công tác thanh tra, kiểm tra sau khi đã cấp GCNQSDÐ, vì ở nhiều địa phương có tình trạng cấp xong giấy chứng nhận thì đất rơi vào tình trạng quản lý lỏng lẻo, dễ nảy sinh những vấn đề phức tạp. Ðại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) nêu ra tình trạng một số Văn phòng đăng ký cấp GCNQSDÐ ở quận, huyện, thị trấn thiếu kinh phí và điều kiện làm việc rất khó khăn, bản thân cán bộ địa chính làm công việc này đã thiếu lại yếu trình độ chuyên môn, làm cho việc cấp giấy chứng nhận chậm tiến độ. Vấn đề là ở chỗ,

Chính phủ cần đầu tư kinh phí, đào tạo cán bộ để làm tốt hơn nữa công việc cần thiết và quan trọng này. Một số đại biểu QH nhấn mạnh, yếu tố quan trọng nhất trong việc cấp GCNQSDÐ cho người dân là Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất của họ, tạo điều kiện cho người dân làm ăn, sinh sống, tăng cường và hoàn thiện công tác quản lý đất đai của Nhà nước, không phải vì mục tiêu thu được nhiều tiền từ thuế và lệ phí về đất đai. Nhiều đại biểu đề nghị QH cần xây dựng và ban hành Nghị quyết chuyên đề về cấp GCNQSDÐ thời hạn hoàn thành trong cả nước là năm 2010.

 

VŨ HOÀNG LONG và TRẦN ÐÌNH CHÍNH

(http://www.nhandan.com.vn/)