Nỗ lực giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách

18/10/2007

Từ thực tế hoạt động của Ngân hàng phát triển Việt Nam trong 9 tháng qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu các bộ, ngành địa phương cần phối hợp với Ngân hàng để khắc phục tình trạng chậm giải ngân các dự án

Tiến độ giải ngân chậm

Trong cuộc làm việc với Ngân hàng phát triển Việt Nam gần đây, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng một lần nữa nhấn mạnh vai trò của Ngân hàng phát triển trong việc hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương triển khai các dự án quan trọng sử dụng vốn ngân sách nhà nước; có chính sách tín dụng nâng đỡ nhiều ngành kinh tế để nâng cao khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, từ thực tế hoạt động của Ngân hàng trong 9 tháng qua, Phó Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành địa phương cần phối hợp với ngân hàng để khắc phục tình trạng chậm giải ngân các dự án, nhất là dự án nhóm A kể từ đầu năm đến nay.

Năm nay, Ngân hàng phát triển đã bố trí kế hoạch giải ngân 339 dự án chuyển tiếp với số vốn trên 16.500 tỷ đồng, trong đó có 68 dự án Nhóm A. Tuy nhiên, tình hình giải ngân trong 9 tháng qua rất chậm, thậm chí có nhiều dự án nhóm A không giải ngân được đồng nào. Ví dụ: Dự án Xi măng Thái Nguyên do Bộ công nghiệp quản lý, mới đạt 26,7%, hay Dự án dệt sợi Hoà Khánh ở Đà Nẵng mới giải ngân được 4%, Dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Uông Bí chỉ giải ngân được 1,16%. Đây là những dự án có tốc độ giải ngân quá chậm so với kế hoạch giải ngân 22.200 tỷ đồng của cả năm 2007 này.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Quang Dũng, Tổng giám đốc Ngân hàng phát triển Việt Nam: “Dự án của Bộ Xây dựng hiện nay chỉ giải ngân được 25%; Bộ GTVT 8,3%, đặc biệt trong Bộ GTVT chậm nhất lại là các dự án của ngành đường sắt. Các bộ ngành khác, tốc độ giải ngân hiện nay chỉ được 28,9%. Có những dự án trong nhóm A, cho đến nay chưa giải ngân đồng nào đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải ngân”.

Nguyên nhân và giải pháp

Tiến độ giải ngân các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách hiện nay chậm, nguyên nhân chính là do việc triển khai dự án ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư chậm khiến các nhà đầu tư mất nhiều thời gian để điều chỉnh lại tổng dự toán nên thủ tục bị chậm. Công tác giải phóng mặt bằng cũng còn nhiều vướng mắc, đặc biệt chính sách giải phóng mặt bằng mỗi địa phương lại qui định khác nhau, nhất là giá đền bù, khiến các nhà đầu tư liên tục phải phối hợp với các địa phương điều chỉnh phương án, bàn thảo lại kế hoạch triển khai. Trong khi đó,  năng lực tư vấn của không ít nhà thầu cũng như năng lực quản lý điều hành dự án và khả năng tài chính của nhiều chủ đầu tư còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Từ thực tế của việc triển khai dự án ở ngành giao thông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Ngô Thịnh Đức cho biết: “Ngành giao thông mỗi sở có một quy hoạch, ngành xây dựng mỗi sở cũng có quy hoạch. Ví dụ một tư vấn ở Hà Nội với một tư vấn ở Gia Lai, Cà Mau… thì mặt bằng tư vấn khác nhau hoàn toàn. Việc tiếp cận với các thông tư nghị định cũng khác. Theo tôi, Chính phủ nên giao cho từng ngành nhưng đối với các bộ thì quản lý hệ thống tư vấn của bộ mình theo”.

Tiến độ giải ngân chậm còn do một số dự án có nợ quá hạn và lãi treo kéo dài nên ngân hàng phải tạm dừng giải ngân vốn để thống nhất lại phương án xử lý chủ đầu tư các dự án. Riêng đối với các dự án do Bộ Giao thông - Vận tải thực hiện, ước tính số nợ quá hạn lên đến gần 5.000 tỷ đồng. Trước tình trạng này, quan điểm của Bộ Tài chính là phải yêu cầu chủ đầu tư cơ cấu lại nguồn trả nợ cả gốc và lãi rồi mới quyết định giải ngân tiếp.

Để giải quyết những vướng mắc này, Ngân hàng phát triển Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có giải pháp xử lý dứt điểm nợ tồn đọng của các dự án đầu tư thuộc chương trình đánh bắt hải sản xa bờ, ước tính số nợ này khoảng 700 tỷ đồng; đồng thời chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam chuyển 390 tỷ đồng để phục vụ cho dự án di dân, tái định cư Dự án Thủy điện Sơn La theo đúng tiến độ cũng như chỉ đạo các bộ, ngành liên quan trong việc hỗ trợ tài chính và phương án trả nợ đối với dự án Nhà máy bột giấy Kon Tum và các dự án hạ tầng giao thông....

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, Ngân hàng phát triển Việt Nam cần nỗ lực trong việc thực hiện 3 mục tiêu lớn, trong đó có việc tăng cường giải ngân các dự án trọng điểm, trong đó có việc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc cân đối các nguồn vốn để giải quyết dứt điểm các khoản nợ đọng, từ đó có cơ chế mới đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Phó Thủ tướng nói: “Nhiệm vụ trước mắt phải cố gắng hoàn thành kế hoạch năm 2007. So với chỉ tiêu thì cho tới nay, việc giải ngân tín dụng, hỗ trợ sau đầu tư, kể cả hỗ trợ xuất khẩu còn đạt ở mức độ thấp. Danh mục nào ngân hàng cảm thấy chậm thì tìm cơ chế khắc phục, không nên để tiền đọng lại”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh, Ngân hàng phải tiến tới việc thực hiện theo chuẩn quốc tế về hoạt động ngân hàng, trong đó có việc đánh giá chất lượng tín dụng, phân tích rủi ro, đảm bảo tính an toàn của hệ thống, đồng thời mở rộng tín dụng hơn nữa đối với hoạt động xuất nhập khẩu nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh và thúc đẩy xuất khẩu, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước./.

Đức Thành

(http://www.vovnews.vn/)