Sáng 5.3, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Trương Quang Được, UBTVQH đã cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ KT- XH và ngân sách Nhà nước năm 2006; Tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ KT- XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2007.
Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ KT- XH và ngân sách Nhà nước năm 2006; Tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ KT- XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2007 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày, nêu rõ nền kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng cao và ổn định. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với con số đã báo cáo với QH tại Kỳ họp thứ 10. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước GDP đạt 8,17%. Hoạt động đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế đạt nhiều kết quả tích cực. Huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển. Thu cân đối ngân sách vượt 11,1% so với dự toán, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với con số đã báo cáo với QH. Bội chi ngân sách là 4,98% GDP, bằng mức báo cáo với QH và dự toán năm. Tình hình giá cả thị trường tương đối ổn định. Công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo tiếp tục thu được những kết quả tích cực...
Cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo bổ sung trên, Báo cáo thẩm tra do Phó chủ nhiệm UB Kinh tế và Ngân sách Tào Hữu Phùng trình bày cho rằng, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao, nhưng chưa bền vững. Đầu tư phát triển có chuyển biến tích cực, nhưng công tác chấp hành kỷ luật trong đầu tư chưa nghiêm, hiệu quả đầu tư chưa cao. Một số thị trường còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một số khoản thu không đạt so với con số đã báo cáo với QH. Nhiều vấn đề xã hội chưa được khắc phục gây bất bình trong dân chúng...
Nhất trí với những nội dung mà báo cáo của Chính phủ đưa ra, nhưng cũng như báo cáo thẩm tra của UB Kinh tế và Ngân sách, đa số Ủy viên UBTVQH cho rằng báo cáo có phần nghiêng về những thành tựu kinh tế, chưa chú ý đúng mức đến những vấn đề xã hội, gây bức xúc cho nhân dân. Những đánh giá về một số chỉ tiêu phát triển KT- XH chưa phản ánh sát tình hình thực tiễn.
Chủ trương của chúng ta là kiềm chế và giảm dần tai nạn giao thông- Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu nêu vấn đề. Nhưng, năm 2006, đặc biệt là những tháng đầu năm 2007, số vụ tai nạn giao thông và số người chết tăng cao. Theo báo cáo của Chính phủ, riêng trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Hợi vừa qua, cả nước đã xảy ra 570 vụ tai nạn giao thông làm chết 375 người, bị thương 643 người. So với cùng thời điểm này của năm 2006, tai nạn giao thông tăng khoảng 20% về số vụ và 16% về số người chết. Đây có phải là sự thách đố hay không?- Chủ nhiệm Nguyễn Thị Hoài Thu bức xúc. Trách nhiệm của ngành giao thông và vận tải như thế nào trong việc quản lý phương tiện và người tham gia giao thông?
Cùng với tai nạn giao thông, sự gia tăng tội phạm hình sự do đạo đức suy đồi, tham nhũng, lãng phí, ô nhiễm môi trường, sự chênh lệch vêç tốc độ phát triển KT- XH giữa các địa phương... đã được các Ủy viên UBTVQH nêu lên như những minh chứng cho sự phát triển chưa bền vững. Nếu chỉ chăm chú phát triển kinh tế mà không quan tâm giải quyết triệt để những vấn đề xã hội bức xúc như trên thì dễ kéo lùi sự phát triển của kinh tế- Chủ nhiệm Nguyễn Thị Hoài Thu trăn trở. Điều này chưa được báo cáo bổ sung của Chính phủ đề cập và làm rõ.
Một hiện tượng tài chính, tiền tệ khá bức xúc, nhưng cũng chưa được báo cáo làm rõ, đó là sự nóng lên bất thường của thị trường chứng khoán. Trong đó, đáng lưu ý là sự gia tăng ảo giá trị vốn của một số doanh nghiệp, tạo sự chênh lệch lớn với giá trị tài sản thực của những doanh nghiệp này. Nếu không được điều chỉnh kịp thời, dễ dẫn đến tình trạng đổ bể giống như đã xảy ra với các Quỹ tín dụng Nhân dân trong những năm 1990 ở nước ta- Chủ nhiệm UB Pháp luật Vũ Đức Khiển cảnh báo. Đây không đơn giản chỉ liên quan đến lĩnh vực tài chính, tiền tệ mà còn ảnh hưởng tới các lĩnh vực xã hội và sự ổn định chính trị. Để tránh nguy cơ rủi ro này, Chủ nhiệm Vũ Đức Khiển cho rằng, Chính phủ cần quan tâm, đưa ra những đánh giá cụ thể, tìm nguyên nhân để chấn chỉnh tình trạng trên. Đây cũng là ý kiến của Phó chủ tịch QH Nguyễn Phúc Thanh, Phó chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu...
56/64 địa phương quyết định dự toán thu nội địa và 11/64 địa phương quyết định dự toán thu hoạt động xuất nhập khẩu cao hơn so với hướng dẫn của TƯ, không có địa phương nào quyết định dự toán thu thấp hơn là tích cực hay tiêu cực- Chủ nhiệm VPQH Bùi Ngọc Thanh phân vân. Đây là việc đương nhiên mà hầu hết các địa phương đều làm. Đồng thời với việc ghi tăng thu ngân sách, báo cáo cho biết nhiều địa phương cũng ghi tăng chi. Điều này có đồng nghĩa với việc hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh tăng hay không? Tương tự như vậy, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 394 nghìn tỷ đồng, bằng 40,4% GDP, vượt so với con số 40% GDP đã báo cáo với QH phản ánh một kết quả đầu tư khá- Phó chủ tịch Nguyễn Văn Yểu nhận định. Nhưng, hiệu quả đầu tư như thế nào. Thực tế, báo cáo của Chính phủ cho biết, năm 2007 vẫn tiếp diễn tình trạng một số bộ, ngành, địa phương bố trí vốn cho các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư... Vẫn là những băn khoăn về con số, một số Ủy viên UBTVQH còn bày tỏ sự chưa yên tâm về con số 1,65 triệu người được tạo việc làm mới mà Chính phủ đưa ra. So với 1,6 triệu người đã báo cáo với QH, là vượt kế hoạch đã đề ra. Song, khi đối chiếu với thực tế, nhất là số người thất nghiệp ở các khu công nghiệp và thành phố, Chủ nhiệm Bùi Ngọc Thanh cho rằng, con số này quá tiên tiến. Thực tế, tỷ lệ thất nghiệp của chúng ta đang có xu hướng gia tăng.
Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá những kết quả KT- XH và ngân sách Nhà nước một cách thực chất hơn, nhất là những chỉ tiêu về giải quyết việc làm, tăng thu- chi ngân sách Nhà nước... là đề nghị của nhiều Ủy viên UBTVQH.
Buổi chiều cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về phương án xây dựng Nhà QH.