(VOV)_Hôm nay (3/3), phiên họp thứ 47 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra nhằm góp ý vào Báo cáo của Chính phủ về kết quả việc tổ chức thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Một số ý kiến cho rằng việc xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu tại các đơn vị xảy ra tham nhũng nhiều nơi chưa được làm nghiêm túc.
Báo cáo của Chính phủ do ông Lê Tiến Hào - Phó Tổng thanh tra Chính phủ nêu rõ: Sau 9 tháng Luật Phòng chống tham nhũng có hiệu lực đã đạt được những kết quả bước đầu. Trong năm 2006, ngành thanh tra tiến hành 33 cuộc thanh tra, qua đó phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý, chi tiêu, thất thoát lên tới 1.560 tỷ đồng và gần 5,5 triệu USD. Các cơ quan chức năng cũng khám phá nhiều vụ án, nhiều vụ việc tham nhũng lớn như tiêu cực tại PMU 18, vụ Nguyễn Lâm Thái, vụ Nguyễn Đức Chi, vụ điện kế điện tử tại thành phố Hồ Chí Minh, sai phạm của một số cán bộ ngành thanh tra khi thanh tra tại Tổng công ty Dầu khí Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại cần khắc phục như quán triệt Luật ở một số nơi chưa sâu, chưa tạo được ý thức tự giác, nhiều địa phương còn chậm triển khai tuyên truyền. Sự lãnh đạo công tác xây dựng chương trình hành động thực hiện Luật ở một số Bộ, ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chậm đề ra các biện pháp cụ thể phòng ngừa. Một thực tế là công tác xây dựng, kiện toàn tổ chức hoạt động của các cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng còn chậm so với yêu cầu, ảnh hưởng đến sự điều hành từ Trung ương xuống cơ sở.
Ông Đỗ Duy Thường - Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh đến vai trò của phòng hơn chống trong đấu tranh phòng chống tham nhũng: Chính phủ cần chú trọng đến biện pháp phòng ngừa tham nhũng lãng phí, coi đây là khâu quan trọng. Các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong công tác này, để tăng cường chức năng giám sát của tổ chức này.
Góp ý báo cáo của Chính phủ về tổ chức thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, ông Tráng A Pao - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng cần nhấn mạnh hơn các biện pháp phòng tham nhũng. Các vụ án tham nhũng lớn, đặc biệt là 8 vụ mà Thủ tướng đã chỉ đạo xử lý trong năm 2006 cần phải làm ngay để dân tin. Bộ máy phòng chống tham nhũng, chính sách liên quan phải tiếp tục hoàn thiện tránh tình trạng "đều đều' trong hoạt động và có thể "lờ" đi trong xử lý.
Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội về thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng chỉ rõ những tồn tại. Đó là nhiều vụ án tham nhũng xử lý chưa nghiêm minh, chưa gắn với trách nhiệm của người đứng đầu theo quy định của pháp luật. Việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập còn mang tính hình thức thiếu thống nhất và chưa triệt để. Phòng chống tham nhũng là chủ trương lớn, đòi hỏi tập trung cao trong chỉ đạo, điều hành cũng như sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng hoạt động rất tích cực từ khi được thành lập nhưng với địa phương, cơ sở cũng cần có cơ chế hoạt động phù hợp. Theo ông Nguyễn Tiến Chiến - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương thì nên thành lập Ban chỉ đạo PCTN ở địa phương, do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban.
Cùng với báo cáo về tình hình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; báo cáo về tổ chức thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XI./.