Trước đó, sau hội nghị hiệp thương lần 1 nhằm thỏa thuận về cơ cấu, số lượng ĐBQH khóa XII được bầu ở các đơn vị, cơ quan TƯ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam có biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ nhất gửi UBTVQH.
Theo đó, Đoàn Chủ tịch kiến nghị UBTVQH xem xét điều chỉnh cơ cấu và phân bổ số lượng ĐBQH được bầu theo hệ thống chính trị (theo 3 khối Đảng, Nhà nước (cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và lực lượng vũ trang), MTTQ và các tổ chức thành viên), đồng thời chú ý đến cơ cấu kết hợp, nhưng cần phải đảm bảo tiêu chuẩn ĐBQH mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới...
Đồng thời, kiến nghị nên giảm số lượng ĐBQH được bầu ở các cơ quan Đảng ở TƯ, không nên giữ nguyên như QH khóa XI là 10 người, vì theo Nghị quyết lần 4 BCH TƯ Đảng khóa X, bộ máy chuyên trách Đảng ở TƯ giảm. Đoàn Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cũng kiến nghị cơ quan Chủ tịch nước chỉ nên có 1 - 2 ĐB.
Đối với số lượng từ 84 - 85 ĐBQH chuyên trách ở TƯ, cần phân bổ và hướng dẫn nguồn để sau bầu cử không làm ảnh hưởng đến các cơ cấu khác. Đồng thời, nên giảm số lượng ĐBQH của các cơ quan hành pháp. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thuộc cơ cấu Chính phủ vì vậy không tán thành cơ cấu riêng. Lực lượng vũ trang cần có cơ cấu riêng (bao gồm quân đội, công an) trừ 2 bộ trưởng đã chuyển về cơ cấu Chính phủ. Cũng không nên phân bổ cụ thể 4 cơ quan báo chí lớn ở TƯ (gồm Đài THVN, Đài TNVN, Báo Nhân dân, TTXVN), mà cơ quan báo chí thuộc khối nào thì phân bổ về khối đó để giới thiệu ứng cử.
Đặc biệt, Đoàn Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cũng kiến nghị UBTVQH xem xét có cơ cấu hướng dẫn để phân bổ cho địa phương có người tự ứng cử để MTTQ hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu được những người đủ tiêu chuẩn ra ứng cử ĐBQH khóa XII. Đồng thời, cần tăng cơ cấu người ngoài Đảng tham gia QH khóa XII lên ít nhất là 20% (80% ĐBQH là đảng viên, 20% ĐBQH ngoài Đảng).
Nếu cơ cấu như dự kiến (90% ĐBQH là đảng viên) thì số người ngoài Đảng còn thấp hơn QH khóa XI.