Dự án Luật Dữ liệu: Cần quy định rõ phạm vi điều chỉnh, tránh chồng chéo với các luật liên quan
Dự án Luật Dữ liệu: Cân nhắc áp dụng thí điểm về Sàn giao dịch dữ liệu
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dữ liệu.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 08/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dữ liệu.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội thống nhất cho rằng, việc xây dựng Luật Dữ liệu là rất quan trọng, cần thiết để đảm bảo công tác chuyển đổi số quốc gia, nhằm phục vụ quản lý nhà nước, vừa khai thác, ứng dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa thắt chặt dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.
Dự án luật được xây dựng dựa trên quan điểm quán triệt và cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về dữ liệu; phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.
Cân nhắc việc thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia
Cho ý kiến về Quỹ phát triển dữ liệu Quốc gia trong dự thảo Luật Dữ liệu, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề xuất cần cân nhắc việc thành lập Quỹ, bởi vì hầu hết các nội dung chi của quỹ đã được đảm bảo từ ngân sách nhà nước.
“Dữ liệu quốc gia là phạm vi trách nhiệm của Nhà nước phải chi từ ngân sách. Nhiệm vụ chi của quỹ cũng trùng lấp với một số quỹ khác như báo cáo thẩm tra. Ngoài ra, nếu thành lập sẽ phát sinh bộ máy và biên chế, tăng áp lực tài chính bổ sung cho quỹ của người dân, mà nhất là doanh nghiệp”, đại biểu đoàn Đồng Tháp nêu ý kiến.
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, cần làm rõ về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để thành lập Quỹ phát triển dữ liệu Quốc gia. Quỹ này được thành lập ở Trung ương, thuộc cơ quan nào quản lý; về mô hình tổ chức bộ máy, biên chế và hoạt động của quỹ cần được làm rõ hơn.
Đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật rà soát các ưu tiên chi các hoạt động tại khoản 3 của Điều 29 để tránh trùng lặp với các với hoạt động chi của các loại quỹ khác, bao gồm cả quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam…
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre.
Nhất trí với quan điểm xây dựng Luật, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho rằng, dữ liệu vừa là tài nguyên, vừa là cơ sở, nền tảng để phát triển công nghệ số quốc gia.
“Cũng giống như hạ tầng giao thông phải được ngân sách nhà nước đảm bảo, tổ chức cá nhân khi khai thác sử dụng phải trả phí theo các hình thức phù hợp với từng loại phương tiện và mục đích khai thác, sử dụng như quy định về thu phí khai thác dữ liệu và nguồn thu từ cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu, trong khi phải phát sinh bộ máy và chi phí cho bộ máy quản lý quỹ không cần thiết”, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy phân tích và đề nghị hết sức cân nhắc việc thành lập quỹ này.
Đồng quan điểm đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nêu ý kiến, khoản 3, điều 29 quy định các hoạt động chi từ Quỹ phát triển dữ liệu Quốc gia, tuy nhiên nội dung chi của quỹ phần lớn đã được đảm bảo từ ngân sách nhà nước và các quỹ khác như Quỹ Đổi mới Khoa học Công nghệ Quốc gia.
“Để tránh trùng lặp và bảo đảm hiệu quả về quản lý tài chính, đề nghị cần rà soát các hoạt động ưu tiên chi từ Quỹ này”, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nêu rõ.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đại biểu Trình Lam Sinh, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho rằng, nguồn kinh phí để Quỹ phát triển dữ liệu Quốc gia hoạt động rất quan trọng. Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn khi cùng các luật được ban hành, nhiều quỹ đã được hình thành để hỗ trợ phát triển nhưng hiệu quả hoạt động cũng cần làm rõ.
“Tôi đề nghị cần đánh giá kỹ về cơ sở pháp lý, thực tiễn, tính hiệu quả để xem việc thành lập Quỹ phát triển dữ liệu Quốc gia đã phù hợp với Luật Ngân sách chưa và có trùng với một số quỹ khác hay không?”, đại biểu đoàn An Giang nhấn mạnh.
Ngoài ra, dữ liệu là một dạng “tài sản” mới rất quan trọng, có thể xem như “tài sản” quốc gia. Vậy khi có các nguồn tài chính hỗ trợ, tài trợ từ trong nước và nước ngoài, chúng ta có chịu tác động gì hay không? “Cần đánh giá các tác động này để đảm bảo chúng ta không bị chi phối hay lộ lọt thông tin khi tìm kiếm thông tin của các nhà tài trợ”, đại biểu Trình Lam Sinh đề xuất.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tiếp thu ý kiến của các ĐBQH.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội rất sâu sát, cụ thể theo từng vấn đề dù đây là một luật mới, chuyên ngành và rất khó, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết sẽ chỉ đạo Bộ Công an tập trung nguồn lực nghiên cứu, tiếp thu, giải trình một cách hợp lý, xác đáng các ý kiến của đại biểu Quốc hội.
“Bộ Công an sẽ sớm hoàn thiện tiếp thu, chỉnh lý cố gắng đảm bảo chất lượng để Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Dữ liệu tại kỳ họp này”, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho hay./.
Một số hình ảnh tại phiên họp:
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.
Các đại biểu dự phiên họp.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên
Đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn
Đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp.