Nghiên cứu tiêu chí công khai, tính đủ và dần xóa bỏ cơ chế bù chéo về giá điện
Cần có sự đánh giá tác động kỹ lưỡng khi sửa đổi Luật Điện lực
Toàn cảnh Phiên thảo luận
Chiều 7/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Luật Điện lực năm 2004 được sửa đổi, bổ sung qua 04 lần vào các năm 2012; năm 2018; năm 2022 và năm 2023 (mới có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024). Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai thi hành đến giai đoạn hiện nay còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và các luật, nghị quyết khác.
Trên cơ sở nhận diện các cơ sở chính trị và tổng kết các tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong thi hành Luật Điện lực thời gian, vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) với 06 chính sách lớn và không bổ sung chính sách mới.
Nên công khai điều chỉnh giá điện và có sự giám sát của cơ quan quản lý
Ngày 26/10/2024, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Tổng số có 104 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến. Để góp phần hoàn thiện dự án Luật, trong phiên thảo luận ở Hội trường chiều 7/11, các ĐBQH cơ bản thống nhất việc cần thiết sửa đổi Luật nhằm đáp ứng các điều kiện, tiêu chí phù hợp với hiện nay; đồng thời tập trung vào một số nội dung như: đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực; cơ chế giá điện minh bạch và linh hoạt; phát triển năng lượng tái tạo; đảm bảo an ninh, an toàn năng lượng...
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
Đề cập về cơ chế giá điện minh bạch và linh hoạt, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung và làm rõ các quy định về cơ chế giá điện, đặc biệt là giá điện cho từng loại hình năng lượng khác nhau và cho từng khu vực.
Theo đại biểu Thạch Phước Bình, cần xây dựng cơ chế tính giá điện linh hoạt dựa trên các yếu tố như giờ cao điểm và thấp điểm, điều kiện địa lý và nguồn cung cấp năng lượng. Điều này sẽ khuyến khích sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm vào các khung giờ thấp điểm; đảm bảo quyền của người tiêu dùng trong việc tiếp cận thông tin về giá điện và quy trình điều chỉnh giá điện. Các quyết định điều chỉnh giá điện nên được công khai minh bạch và có sự tham gia giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
Liên quan đến chính sách giá điện và giá các dịch vụ về điện, đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nêu quan điểm: Nguyên tắc định giá, vấn đề nhất quán là giá điện phải đảm bảo bù đắp toàn bộ chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, hợp lệ và có lợi nhuận cho đơn vị điện lực. Nếu thực hiện đúng nguyên tắc này sẽ có tác dụng "đòn bẩy" tích cực đến nền kinh tế, khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nguồn và lưới điện, cũng như tạo áp lực sử dụng điện tiết kiệm. Để từ đó giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, vùng miền.
Cần có ưu tiên đầu tư vào điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi
Liên quan đến chính sách ưu tiên đối với việc đầu tư vào điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi, đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật Điện lực (sửa đổi) bổ sung các loại hình điện trên vào Điều 27 về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực không thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư công.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
Bởi hiện nay có nhiều nhà đầu tư điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi đang rất cần sự an toàn vốn khi họ bỏ ra một số tiền rất lớn để đầu tư. Điển hình như các nhà đầu tư cần sự bảo đảm của Nhà nước trong bảo lãnh đầu tư, chuyển đổi ngoại tệ, cam kết về chuyển giao công nghệ và sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước…
Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, nếu được bổ sung ưu tiên đầu tư sẽ thu hút được nhiều hơn các nhà đầu tư điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi tham gia phát triển điện lực trong nước, góp phần lớn vào việc vừa đạt mục tiêu vừa bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và cũng vừa thực hiện đúng cam kết quốc tế của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận
Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đề nghị bổ sung thêm loại hình “điện gió ngoài khơi” trong các loại hình điện để làm cơ sở cho triển khai thực hiện trên thực tế. Vì Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi và hiện nay có nhiều nhà đầu tư đang xin chủ trương đầu tư loại hình này nhưng chưa được quy định trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, cần có điều khoản nhằm hạn chế các nhà đầu tư điện gió ngoài khơi chuyển nhượng dự án cho các đối tác khác.
Giải trình, làm rõ một số nội dung của các ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, với sự hội nhập quốc tế và thực hiện các cam kết quốc tế cũng như khắc phục những bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn thì việc sửa đổi toàn diện Luật Điện lực là cần thiết.
Việc bổ sung các loại năng lượng mới như điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi hay những loại năng khác là cũng cần được đề cập trong dự án Luật Điện lực (sửa đổi), đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, cần có những quy định chặt chẽ trong việc thu hút đầu tư, đảm bảo an toàn năng lượng và an ninh quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Đề cập về giá điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đến nay, Chính phủ đã có khung giá điện theo quy định của Luật Điện lực và Luật Giá. Dựa vào khung giá đó, các bên có thể đàm phán với nhau để thực hiện.
Phát biểu kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Qua thảo luận, các ĐBQH nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực để khắc phục những bất cập luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có tính chất cấp bách để phát triển điện lực bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng, cung cấp đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng, nhu cầu điện của quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đa dạng hóa các hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh, xóa bỏ mọi rào cản để đảm bảo giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định. Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận Phiên thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại Tổ và các ý kiến gửi bằng văn bản ngay sau Kỳ họp để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án Luật, đảm bảo chất lượng cao nhất trình Quốc hội xem xét, quy định thông qua tại kỳ họp này hoặc kỳ họp tiếp theo.
Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận:
Toàn cảnh Phiên thảo luận
Các ĐBQH tham dự Phiên thảo luận về dự án Luật Điện lực (sửa đổi)
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương
Đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Đại biểu Lê Minh Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau
Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam
Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương
Đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang
Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa
Đại biểu Đỗ Đức Hiển - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh
Đại biểu Trần Hữu Hậu - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải trình, làm rõ một số nội dung ĐBQH nêu
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận Phiên thảo luận./.