Sửa đổi Luật Điện lực: Bổ sung các quy định cải cách thị trường điện hiện đại, xứng tầm

07/11/2024

Theo chương trình kỳ họp, ngày 7/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, một số đại biểu và chuyên gia cho rằng, một trong những điểm mới tiến bộ của dự thảo là phân quyền nhiều hơn trong việc ban hành các quyết định, quy trình, quy định liên quan đặc thù của ngành điện; đồng thời, đề nghị bổ sung các quy định nhằm cải cách thị trường điện hiện đại, xứng tầm.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Sửa đổi Luật Điện lực cần có tầm nhìn để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới

Sửa đổi Luật Điện lực nhằm khai thác tối ưu mọi nguồn lực

Trên cơ sở nhận diện các cơ sở chính trị và tổng kết các tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong thi hành Luật Điện lực thời gian qua, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV với 06 chính sách lớn gồm: (1) Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; (2) Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; (3) Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực (4) Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường; (5) Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; (6) An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.

Đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

Đánh giá cao vai trò của ngành điện lực trong việc đưa điện về nông thôn, miền núi, góp phần thay đổi cơ bản diện mạo nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi luật để tạo nguồn lực phát triển trong giai đoạn mới. Đại biểu bày tỏ vui mừng vì hệ thống điện lưới quốc gia đã tới vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; điện lưới 3 pha đã đến với các thôn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng.

Ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và an sinh xã hội, đại biểu Nguyễn Tạo kỳ vọng trong lần sửa đổi Luật Điện lực này sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đạt được mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển điện lực với tính chất là ngành kết cấu hạ tầng kỹ thuật quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân; phát triển bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực, với chất lượng ổn định, an toàn, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre 

Cũng đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre kỳ vọng các quy định trong dự thảo luật sẽ tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Thời gian qua, mặc dù khá thành công trong việc thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này, nhưng cơ chế, chính sách, thủ tục, quy trình vẫn còn nhiều vướng mắc. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Điện lực sẽ gỡ nút thắt; đồng thời hướng tới thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho biết, qua thảo luận tại tổ, các ý kiến đều bày tỏ ủng hộ và đồng thuận cao với các chính sách liên quan đến đầu tư cho ngành điện, nhất là năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Tỉnh Bến Tre cũng có nhiều dự án về năng lượng tái tạo, hiện đã triển khai được 1/3 danh mục dự án trong Quy hoạch điện VIII, từng bước phát huy hiệu quả kinh tế, rất cao. Trong đó, đã cung cấp thêm điện cho điện lưới quốc gia và có thêm nguồn thu ngân sách cho địa phương.

Từ thực tế tại Bến Tre cho thấy, điện đóng vai trò quan trọng, là động lực phát triển, nhất là trong hoạt động nuôi trồng thủy sản công nghệ cao. Với gần 5.000 hecta nuôi tôm công nghệ cao, nếu không có điện, sản lượng tôm thu hoạch sẽ không đạt như kỳ vọng. Phát triển bền vững ngành điện là điều kiện cần thiết thu hút các nhà đầu tư, do đó cần sớm tháo gỡ nút thắt của ngành điện nhằm huy động thêm nguồn vốn đầu tư cho các lĩnh vực kinh tế khác.

Thực hiện cải cách thị trường điện hiện đại, xứng tầm

Quan tâm góp ý hoàn thiện dự thảo luật, TS. Thái Doãn Hoàng Cầu, Tư vấn chủ chốt của Công ty tư vấn năng lượng Oakley Greenwood, Chuyên gia kiểm toán độc lập của Cục Điều tiết Năng lượng Úc cho rằng, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) trình Quốc hội cơ bản đáp ứng các mục đích, mục tiêu và quan điểm xây dựng luật đã đề ra.

TS. Thái Doãn Hoàng Cầu, Chuyên gia kiểm toán độc lập của Cục Điều tiết Năng lượng Úc 

Trong đó, một trong những điểm mới tiến bộ nổi bật của dự luật lần này là phân quyền nhiều hơn cho Chính phủ, Bộ Công Thương, các cấp có thẩm quyền trong việc ban hành các quyết định, quy trình, quy định liên quan đặc thù của ngành điện. Các văn bản có tính pháp lý bổ trợ cho Luật Điện lực này sẽ được cập nhật, thay đổi linh hoạt, thường xuyên hơn, nhằm đáp ứng các thay đổi nhanh về công nghệ, nhu cầu điện năng, phát triển kinh tế cũng như thiết kế, vận hành các cơ chế thị trường điện, hệ thống điện tương ứng. Nhờ đó, tăng tính khả thi và ổn định của dự luật trước những thay đổi của thực tiễn.

Theo TS. Thái Doãn Hoàng Cầu, trong lần sửa đổi luật lần này cần lưu ý đến vấn đề cấp bách là triển khai thực hiện cải cách thị trường điện hiện đại, xứng tầm. Bởi thời gian qua, một số chính sách được đặc biệt quan tâm như quy hoạch phát triển điện lực, năng lượng tái tạo, cơ chế mua bán điện trực tiếp, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đều gặp vướng mắc, chậm trễ trong việc xây dựng cũng như thực thi chính sách. Nguyên nhân gốc rễ của những vướng mắc vừa nêu đều liên quan đến việc chưa có các cơ chế thị trường điện phù hợp làm nền tảng cho các chính sách.

TS. Thái Doãn Hoàng Cầu khẳng định, việc chậm thực hiện các cơ chế thị trường điện phù hợp chính là các điểm nghẽn cần khai thông nhanh chóng để phát triển ngành điện lực, phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể:

Thứ nhất, giá điện bán lẻ chưa thực sự theo cơ chế thị trường, không phản ánh kịp thời chi phí đầu vào biến động và khan hiếm cung - cầu của kinh tế học, là một trong các nguyên nhân chính gây khó khăn cho việc thương thảo hợp đồng mua bán điện dài hạn, gây chậm trễ thực hiện các dự án phát triển nguồn, lưới điện theo các quy hoạch điện.

Theo TS. Thái Doãn Hoàng Cầu, trong lần sửa đổi Luật Điện lực lần này cần lưu ý đến vấn đề cấp bách là triển khai thực hiện cải cách thị trường điện hiện đại, xứng tầm

Tiến tới thực hiện thị trường bán lẻ điện với nhiều người cạnh tranh mua buôn điện sẽ giúp nhà đầu tư dễ đạt được thỏa thuận hợp đồng bán buôn điện dài hạn hơn là với chỉ một công ty mua buôn, bán lẻ điện. Cơ chế này cũng sẽ giúp khách hàng có động lực sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, góp phần giảm bớt áp lực đầu tư công suất nguồn, lưới điện mới.

Thứ hai, thị trường bán buôn điện hiện tại được thiết kế từ năm 2015 không còn phù hợp với nhu cầu tăng trưởng nhanh và các mục tiêu bền vững về môi trường đầy thách thức như tỷ trọng năng lượng tái tạo cao và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Do đó, thiết kế mới cần hoàn thiện các cơ chế bán buôn điện cạnh tranh: hợp đồng phái sinh/tài chính, điện năng giao ngay và dịch vụ phụ trợ. Đặc biệt, thiết kế thị trường bán buôn giao ngay cần xem xét cho phép chào giá tự do, giá sàn âm và chào giá phía nhu cầu; xem xét thay cơ chế định giá điện giao ngay phù hợp theo miền, thậm chí nhiều vùng thay cho cơ chế định giá điện giao ngay đồng nhất cho toàn hệ thống để xóa bỏ bù chéo, nâng cao hiệu quả kinh tế vận hành ngắn hạn, thời gian thực.

Ngoài giúp đạt vận hành ngắn hạn tối ưu, giá điện giao ngay cho từng miền, vùng cung cấp tín hiệu kinh tế đúng đắn cho các quyết định mua bán hợp đồng điện trung hạn và đầu tư dài hạn, bao gồm cả việc định giá hợp lý, cạnh tranh cho các hợp đồng mua bán điện trực tiếp và mua bán sản lượng điện dư của điện mặt trời tự sản, tự tiêu.

Thứ ba, cơ chế phát triển công suất mới thông qua quy hoạch điện cần cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (đã được nêu trong dự thảo Luật Điện lực sửa đổi) để đạt chi phí mua điện từ hợp đồng dài hạn cạnh tranh, hiệu quả.

Cơ chế quản lý công suất mới cần xem xét lựa chọn các cấu trúc hợp đồng mua bán điện phù hợp cho sản phẩm công suất lẫn điện năng, giúp nhà đầu tư khôi phục các chi phí cố định, chi phí biến đổi và thu lợi nhuận hợp lý đủ bù rủi ro cho từng loại công nghệ phát điện (năng lượng tái tạo, điện khí), nguồn lực linh hoạt (lưu trữ, đáp ứng phía nhu cầu).

Thứ tư, các cơ chế chính sách lớn, bao trùm đều được yêu cầu tuân thủ nguyên tắc thị trường cạnh tranh. Chẳng hạn, Quyết định phê duyệt Quy hoạch điện VIII của Thủ tướng nêu phát triển ngành điện “trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh và thực hiện cơ chế thị trường về giá bán điện”.

Quốc hội cần có cơ chế giám sát việc thực hiện chương trình cải cách thị trường điện

Vì tính chất quan trọng và cấp bách nêu trên, TS. Thái Doãn Hoàng Cầu cho rằng, ngoài việc xem xét, ban hành Luật Điện lực (sửa đổi), Quốc hội cần tiếp tục hỗ trợ Chính phủ giải quyết những vướng mắc về thể chế có thể phát sinh và có cơ chế giám sát việc thực hiện hiệu quả chương trình cải cách thị trường điện.

TS. Thái Doãn Hoàng Cầu cho rằng, Quốc hội cần có cơ chế giám sát việc thực hiện hiệu quả chương trình cải cách thị trường điện.

Trong đó, xem xét quy định các dự án thuộc chương trình cải cách, phát triển các cơ chế thị trường điện thuộc nhóm dự án phát triển điện lực cấp bách, quan trọng, cần ưu tiên hàng đầu. Bởi, việc chậm có các cơ chế thị trường điện phù hợp sẽ gây nên những hệ lụy tiêu cực cho phát triển điện lực và kinh tế - xã hội, trái ngược với mục tiêu phát triển bền vững của Luật Điện lực.

Đầu tư đúng mức nguồn lực, kinh phí thực hiện cải cách xứng tầm quy mô và tăng trưởng rất lớn của thị trường điện Việt Nam. Có chính sách đãi ngộ, thu hút và phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, hiểu biết sâu sắc về thị trường điện cho cơ quan này và các cơ quan quản trị ngành điện khác để các đơn vị này có thể hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng được giao.

Cùng với đó, thiết lập, duy trì cơ chế giám sát, đánh giá và yêu cầu định kỳ, thường xuyên hơn đối với chương trình cải cách thị trường điện, nhằm hạn chế những nguyên nhân chủ quan như thiếu kinh phí, chỉ đạo, hay điều hành có thể dẫn đến chậm trễ thực hiện các cơ chế thị trường điện. Đơn cử, Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15 ngày 13/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 đã đánh giá hiện trạng, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp và yêu cầu tổ chức thực hiện cụ thể, xác đáng cho lĩnh vực năng lượng nói chung và việc thực hiện thị trường điện nói riêng.

Lan Hương