Xây dựng cơ sở pháp lý phù hợp cho chuyển đổi số trong hoạt động công chứng

07/11/2024

Theo các ĐBQH việc bổ sung quy định về công chứng điện tử là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động công chứng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong các giao dịch dân sự, kinh tế… Tuy nhiên, cần rà soát quy định tại dự thảo Luật đảm bảo đồng bộ với các quy định của pháp luật hiện hành; có lộ trình, bước đi phù hợp với cơ sở dữ liệu trong hoạt động này.

Đảm bảo công bằng và ổn định trong hoạt động công chứng

Cân nhắc: Không giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Tạo cơ sở pháp lý về công chứng điện tử

Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 lần này có 79 điều (sửa đổi, bổ sung 73 điều; giữ nguyên 05 điều; bổ sung 01 điều 36a).

Trong đó, tại dự thảo Luật đã dành một mục riêng (mục 3 Chương V) quy định về công chứng điện tử nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc quy định về công chứng điện tử chỉ là bổ sung một phương thức mới để thực hiện việc công chứng thông qua ứng dụng khoa học, công nghệ và vẫn phải bảo đảm đầy đủ những nguyên tắc cơ bản của công chứng nước ta là công chứng nội dung. Theo đó, công chứng viên không chỉ chứng nhận về thời gian, địa điểm, năng lực hành vi của các bên tham gia giao dịch mà còn chịu trách nhiệm về tính xác thực, tính hợp pháp của giao dịch.

Ngoài ra, do công chứng điện tử là vấn đề mới, việc triển khai công chứng điện tử cần thực hiện thận trọng, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của công nghệ, khả năng thực hiện của CCV, cơ sở hạ tầng và các điều kiện có liên quan, do đó dự thảo Luật chỉ quy định những vấn đề cơ bản về công chứng điện tử, gồm khái niệm, nguyên tắc, điều kiện, vấn đề cơ bản trong quy trình, thủ tục công chứng điện tử và giá trị pháp lý của văn bản công chứng điện tử… nhằm tạo cơ sở pháp lý về công chứng điện tử, đồng thời giao cho Chính phủ quy định phạm vi các giao dịch được công chứng điện tử; quy định chi tiết những vấn đề kỹ thuật, công nghệ thông tin, công tác quản lý, khai thác, sử dụng…để phù hợp với thực tiễn khi triển khai công chứng điện tử, bảo đảm tính ổn định và khả thi.

Công chứng điện tử không nên áp dụng với giao dịch bất động sản, thừa kế

Đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình 

Cơ bản đồng tình với quy định tại dự thảo Luật lần này, đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình nhấn mạnh, công chứng điện tử hiện nay đang trở thành xu hướng tất yếu trong thời đại chuyển đổi số. Sự phát triển của công chứng điện tử không chỉ đáp ứng nhu cầu thực tiễn mà còn góp phần cho quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực pháp lý, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc giao dịch điện tử.

 Đại biểu nhận định, các quy định về công chứng điện tử trong dự thảo luật để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 trong hoạt động công chứng. Việc dự thảo luật quy định theo hướng chỉ thực hiện công chứng điện tử đối với các giao dịch đơn giản, không áp dụng đối với các giao dịch bất động sản và thừa kế là hoàn toàn phù hợp. "Trong hoạt động công chứng, việc công chứng viên tiếp xúc trực tiếp với người yêu cầu công chứng là rất cần thiết để đánh giá được năng lực, hành vi và ý chí tự nguyện của người yêu cầu công chứng, nhất là trong bối cảnh hiện nay đã xuất hiện tội phạm công nghệ cao, dùng công nghệ giả giọng nói, hình ảnh để lừa đảo hoặc để đổi soát giấy tờ, việc đánh giá tính hợp pháp của nội dung giao dịch, giải thích, tư vấn cho người yêu cầu công chứng có ý nghĩa quan trọng..", đại biểu lý giải.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cần phải rà soát kỹ lưỡng các quy định về công chứng điện tử để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy định của pháp luật hiện hành; tạo thuận lợi, khả thi khi áp dụng.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, công chứng điện tử là một xu hướng quan trọng trong thời đại số hóa, đặc biệt trong bối cảnh tăng cường cải cách hành chính và hiện đại hóa dịch vụ công.

Nghiên cứu các quy định về nội dung này, đại biểu cho biết, dự thảo Luật đã điều chỉnh đối với văn bản công chứng điện tử tại Điều 61, đề cập đến hiệu lực và giá trị của văn bản công chứng điện tử. Tuy nhiên, quy định từ Điều 59 đến Điều 62 còn thiếu chi tiết, cụ thể liên quan đến các vấn đề như quy trình xác thực, bảo mật, điều kiện áp dụng và trách nhiệm của các bên có liên quan. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc cụ thể hóa một số nội dung phù hợp vào các điều luật nêu trên.

Theo đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần nghiên cứu quy định về phạm vi áp dụng công chứng điện tử. Theo đó, công chứng điện tử nên được áp dụng cho các giao dịch đơn giản, không liên quan đến tài sản có giá trị lớn hoặc những giao dịch phức tạp, đòi hỏi tính bảo mật cao như mua bán bất động sản, hợp đồng thừa kế; quy định rõ ràng hơn về loại hình giao dịch mà công chứng điện tử có thể thực hiện.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị, bổ sung quy định công chứng điện tử phải sử dụng chữ ký số đã được cấp và xác nhận bởi cơ quan có thẩm quyền; quy định về hệ thống an ninh và bảo mật thông tin; trách nhiệm của các tổ chức hành nghề công chứng trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo mật thông tin giao dịch; xác thực danh tính của người yêu cầu công chứng trong các giao dịch điện tử; quy định rõ ràng về trách nhiệm của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng và người yêu cầu công chứng trong quá trình thực hiện công chứng điện tử.

Đồng bộ, chia sẻ cơ sở dữ liệu công chứng

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An 

Quan tâm tới nội dung này, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho rằng, việc áp dụng công chứng điện tử là hoàn toàn phù hợp tuy nhiên vấn đề đặt ra là cần quan tâm xây dựng các phần mềm cơ sở dữ liệu và đảm bảo hoạt động theo đúng quy định pháp luật.

Theo đại biểu việc thực hiện cần phải có lộ trình; trong hoạt động công chứng có đặc thù, do đó cần có các bước xác nhận, xác thực cụ thể, xác thực tài sản giao dịch có hay không?. Hiện nay chúng ta đã có cơ sở dữ liệu về dân cư, tuy nhiên cơ sở dữ liệu về quyền tài sản, đất đai, nhà ở đang hoàn thiện. Như vậy, khi hoàn thiện đồng bộ các cơ sở dữ liệu nêu trên sẽ thuận lợi cho việc áp dụng công chứng điện tử. Do đó, theo đại biểu tỉnh Long An tại dự thảo luật lần này chỉ quy định mang tính chất định khung chung là cần thiết.

Chia sẻ quan điểm, đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng tán thành sự cần thiết luật hóa, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động công chứng điện tử, đồng thời lưu ý, số hóa nhưng phải có phương án tích hợp dữ liệu hiệu quả để đảm bảo việc triển khai thực hiện trên thực tế được thuận lợi. Đồng thời, để khai thác dữ liệu đòi hỏi phải đồng bộ, vì vậy đại biểu đề nghị, cần quan tâm, chú trọng tới vấn đề quản lý và cung cấp dữ liệu chung./.

Lê Anh