Đảm bảo hiệu quả đầu tư, đáp ứng nhu cầu khai thác Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành
Cần làm rõ nguyên nhân chủ quan dẫn đến chậm tiến độ
Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng nhằm hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực với công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Dự án gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng 01 đường cất hạ cánh và 01 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác. Giai đoạn 2: Tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 01 đường cất hạ cánh cấu hình mở và 01 nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 3: Hoàn thành các hạng mục của Dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 05 triệu tấn hàng hóa/năm. Chính phủ chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu khả thi đối với từng giai đoạn của Dự án và báo cáo Quốc hội thông qua trước khi quyết định đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình
Trên cơ sở sự cần thiết đầu tư, khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh Nghị quyết số 94/2015/QH13 về chủ trương đầu tư Dự án và Nghị quyết số 95/2019/QH14 về Báo cáo nghiên cứu khả thi Giai đoạn 1 của Dự án. Cụ thể, điều chỉnh về quy mô, thời gian thực hiện Giai đoạn 1 tại khoản 6 Điều 2 của Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015: “Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng 02 đường cất hạ cánh ở phía Bắc và 01 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất cuối năm 2026 hoàn thành và đưa vào khai thác." Điều chỉnh quy mô đầu tư Giai đoạn 1 tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 95/2019/QH14 ngày 26 tháng 11 năm 2019: “Đầu tư xây dựng 02 đường cất hạ cánh ở phía Bắc và 01 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm". Cho phép Chính phủ tổ chức phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Giai đoạn 1 của Dự án theo thẩm quyền mà không phải báo cáo Quốc hội thông qua.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trình tự, thủ tục và hồ sơ Dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu tại Điều 20 của Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, ngày 06/11/2024, Chính phủ mới có hồ sơ Dự án gửi đến Quốc hội là chưa bảo đảm yêu cầu về thời hạn gửi hồ sơ theo quy định tại Điều 21 của Luật Đầu tư công (chậm nhất là 60 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội).
Về quy mô đầu tư Giai đoạn 1, Chính phủ kiến nghị “điều chỉnh phân kỳ đầu tư xây dựng Đường cất hạ cánh số 3 của Dự án từ Giai đoạn 3 sang Giai đoạn 1” (thay đổi so với nội dung khoản 6 Điều 2 Nghị quyết số 94/2015/QH13 và khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 95/2019/QH14).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc xây dựng ngay “Đường cất hạ cánh số 3” bên cạnh và cách “Đường cất hạ cánh số 1” đang đầu tư 400 m về phía Bắc, để đưa vào khai thác đồng bộ cùng với Giai đoạn 1 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho việc quản lý, khai thác, đáp ứng nhu cầu khai thác khi 01 đường cất hạ cánh gặp sự cố, bảo đảm sự khai thác liên tục của Cảng hàng không và góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư Dự án, do đó nhất trí với đề xuất của Chính phủ. Có ý kiến cho rằng, chi phí đầu tư Đường cất hạ cánh số 3 khoảng 3.304 tỷ đồng, được sử dụng từ nguồn tiết kiệm sau đấu thầu và dự phòng, tuy nhiên chi phí dự phòng được sử dụng cho khối lượng, công việc phát sinh và trượt giá của Dự án đang trong quá trình thực hiện, do đó việc sử dụng chi phí này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Dự án, vì vậy đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ.
Về thời gian thực hiện Giai đoạn 1, Chính phủ kiến nghị “điều chỉnh thời gian thực hiện Giai đoạn 1 của Dự án đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2026” (thay đổi so với nội dung khoản 6 Điều 2 Nghị quyết số 94/2015/QH13). Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, Dự án đã chậm tiến độ so với yêu cầu “chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác” tại Nghị quyết số 94/2015/QH13, ngoài các nguyên nhân khách quan đã nêu tại Tờ trình, đề nghị làm rõ hơn các nguyên nhân chủ quan dẫn đến chậm tiến độ Dự án. Đồng thời, cân nhắc, rà soát điều chỉnh thời gian phù hợp, phấn đấu nỗ lực cao nhất để bảo đảm hoàn thành Dự án đưa vào vận hành, khai thác hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí. Có ý kiến đề nghị làm rõ nguyên nhân do chậm tiến độ Dự án nên mới đề xuất bổ sung đầu tư đường cất hạ cánh số 3; đề nghị làm rõ trách nhiệm và rút bài học kinh nghiệm để khắc phục trong thời gian tới cũng như trong tổ chức thực hiện các dự án quan trọng quốc gia khác. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ các ý kiến này.
Nỗ lực rút ngắn thời gian thi công, đáp ứng mong mỏi của người dân
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, qua những căn cứ đã nêu cũng như kết quả khảo sát thực tiễn tại Dự án, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết. Mục tiêu đặt ra là đưa sân bay vào khai thác với công suất 25 triệu khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm vào cuối năm 2026. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đơn vị cần đảm bảo sự đồng bộ của toàn bộ Dự án, ngay từ giai đoạn 1. Việc xây dựng một sân bay quốc tế phải được thực hiện bài bản, hoàn chỉnh ngay từ đầu, tránh tình trạng xây dựng dang dở, gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ khi đi vào vận hành.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến tại phiên họp
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đơn vị nỗ lực để rút ngắn thời gian thi công so với kế hoạch ban đầu. Nhân dân đang rất mong đợi sân bay Long Thành sớm đi vào hoạt động, sau nhiều năm chờ đợi. Các thủ tục pháp lý liên quan đến Dự án cần được hoàn thiện sớm nhất để trình lên Quốc hội. Bộ Giao thông Vận tải cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để hoàn thành hồ sơ đầy đủ, đảm bảo tính minh bạch và khách quan.
Với nguồn vốn cho Dự án được đảm bảo, nhà thầu có kinh nghiệm, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng có thể hoàn thành Dự án đúng tiến độ và chất lượng. Nhấn mạnh các đại biểu Quốc hội đã nhiều lần bày tỏ quan tâm đến Dự án sân bay Long Thành. Chủ tịch Quốc hội lưu ý các cơ quan cần chuẩn bị đầy đủ tài liệu để sớm gửi tới các đại biểu Quốc hội, tạo sự đồng thuận cao khi trình Quốc hội tại Kỳ họp.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Kỳ họp thứ 8. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ, Tờ trình, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm tiến độ Giai đoạn 1 của Dự án. Chính phủ chỉ đạo gắn trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải, chủ đầu tư, nhà thầu trong việc đảm bảo tiến độ, chất lượng của Dự án, đảm bảo nguồn vốn thực hiện Dự án.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận
Đồng thời, cần tiếp tục có giải pháp để ổn định cuộc sống, chỗ ở, sinh kế, việc làm cho người dân có đất bị thu hồi, nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng của Dự án, tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung khác trong Nghị quyết của Quốc hội về Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến tham gia, hoàn thiện hồ sơ Dự án, dự thảo nội dung cần đưa vào Nghị quyết Kỳ họp để điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành gửi Quốc hội, Ủy ban Kinh tế hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:
Toàn cảnh phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng tại phiên họp
Các đại biểu tại phiên họp
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến tại phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận./.