Dự thảo Luật Dữ liệu: Xác định rõ phạm vi điều chỉnh

02/11/2024

Theo Chương trình làm việc, tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Dữ liệu. Quan tâm tới dự luật, nhiều ý kiến đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành tuy nhiên đề nghị cần xác định rõ hơn về phạm vi điều chỉnh, tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Dự án Luật Dữ liệu: Cân nhắc áp dụng thí điểm về Sàn giao dịch dữ liệu

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Dự thảo Luật Dữ liệu gồm 07 chương, 67 điều, quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu.

Tán thành sự cần thiết ban hành, các đại biểu cho rằng, việc xây dựng dự án Luật Dữ liệu nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính; phát triển kinh tế, xã hội;… Để hoàn thiện dự thảo luận, tham gia phát biểu tại phiên thảo luận Tổ về nội dung này, một số ý kiến đề nghị cần phân định rõ phạm vi điều chỉnh, tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông 

Nêu quan điểm đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, theo kết quả rà soát của Cơ quan chủ trì soạn thảo hiện nay có 69 luật có quy định về cơ sở dữ liệu (gồm cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành), trong đó một số luật quy định cụ thể về việc xây dựng, thu thập, quản lý, vận hành, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thoogn tin trong cơ sở dữ liệu… Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát và có phương án xử lý để phân định rõ phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này với các luật khác có liên quan, đặc biệt là với Luật Giao dịch điện tử, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số và dự án Luạt Bảo vệ dữ liệu cá nhân… bảo đảm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo.

Cũng theo đại biểu, phạm vi điều chirh của dự thảo Luật còn khá rộng, bao gồm cả những chính sách mới, lần đầu tiên được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật và thực tế ở nước ta cũng chưa có nhiều kinh nghiệm, ví dụ như các nội dung về sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu, sàn giao dịch dữ liệu… Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét, đánh gía kỹ tính khả thi của các quy định này, trường hợp cần thiết thì quy định một số nội dung mang tính khái quát và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính ổn định của Luật.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc, làm rõ mối quan hệ giữa quy định trong dự thảo Luật này với quy định trong dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số để phân định phạm vi điều chỉnh giữa hai luật về sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu trong hoạt động trung gian dữ liệu, phân tích, tổng hợp dữ liệu, xác thực điện tử và sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu trong hoạt động công nghiệp công nghệ số.

Đại biểu Nguyễn Văn An – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình 

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn An – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình kiến nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát để tránh sự trùng lặp, chồng chéo về phạm vi điều chỉnh cũng như dự trù xử lý những việc liên quan để tránh vướng mắc trong quá trình thực hiện. Để hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu đề nghị cần phải làm rõ quy định tại Khoản 1, Điều 3 “Dữ liệu là sự thể hiện dưới dạng kỹ thuật số của sự vật, sự kiện, bao gồm dạng âm thanh, hình ảnh, chữ số, chữ viết, ký hiệu hoặc dạng tương tự khác.”

Theo đại biểu, trong khái niệm dữ liệu được quy định tại khoản 6, Điều 3 của Luật Giao dịch điện tử  “dữ liệu là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc là dạng tương tự khác”. Như vậy, hiểu rằng, dữ liệu trong dự thảo điều chỉnh là tất cả những gì thể hiện dưới dạng kỹ thuật số của sự vật, sự kiện và bao gồm cả dữ liệu không chỉ của cơ quan, tổ chức mà còn của cá nhân dưới dạng số. “Chính phủ cũng đang nghiên cứu và xây dựng dự án Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó có điều chỉnh dữ liệu của cá nhân dưới dạng số. Ở đây chúng ta chỉ điều chỉnh dữ liệu để thể hiện dưới dạng kỹ thuật số vậy những dữ liệu tồn tại, các hình thức khác chưa được số hóa thì sẽ xử lý thế nào?. Để xử lý phải điều chỉnh và làm rõ trong dự thảo luật…”, đại biểu đặt vấn đề.

Liên quan tới vấn đề Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia,tại Điều 29 dự thảo luật, đại biểu đề nghị xem xét, nghiên cứu cân nhắc theo hướng không thành lập các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Theo đại biểu, đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia đã được nghị quyết của Chính phủ xác định với quan điểm rất là rõ, đó là do ngân sách nhà nước đảm bảo. Hơn nữa một số nội dung quy định trong dự thảo luật về nội dung chi của quỹ trùng lặp với nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước. Mặt khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết số 792 về một số nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng quỹ tài chính của nhà nước ngoài ngân sách nhà nước và nghị quyết này được xây dựng, ban hành trên cơ sở là Báo cáo số 463 của Đoàn giám sát, của Ủy ban thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật quản lý, sử dụng quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 – 2018. Theo đó, trong báo cáo cũng nêu rất rõ về những tồn tại, vướng mắc trong hoạt động xử lý quản lý quỹ.

Đại biểu Phan Đức Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Nêu quan điểm, đại biểu Phan Đức Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát, đảm bảo phù hợp, tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật; đồng thời, nghiên cứu phân định rõ phạm vi điều chỉnh đối với những hoạt động nào?; lưu ý phân biệt với tất cả các hoạt động về tạo lập các cơ sở dữ liệu thông thường và cung cấp, xử lý số liệu thông thường tránh vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện;...

Nhấn mạnh đây là dự án Luật tác động tác nhiều ngành, lĩnh vực, nhằm đảm bảo công tác chuyển đổi số quốc gia, phục vụ quản lý nhà nước, vừa khai thác, ứng dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin,.. do đó, đại biểu cũng đề nghị, cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng, nhiều chiều các chính sách mới, đảm bảo phù hợp, khả thi và hiệu quả,/.

Lê Anh