Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể lần thứ 28 (lần 2)
Quang cảnh phiên họp
Báo cáo tại phiên họp, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy nhấn mạnh, trong năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo, các cấp, các ngành đã nỗ lực, cố gắng, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, tích cực, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy
Bên cạnh đó, mặc dù có quyết tâm chính trị cao nhưng công tác rà soát, hoàn thiện pháp luật trên các lĩnh vực có nhiều khiếu nại, tố cáo còn chậm. Trong công tác tiếp công dân, có chuyển biến so với trước nhưng thủ tưởng một số cơ quan hành chính chưa đảm bảo số ngày tiếp theo quy định. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền (đạt 81,4%) thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (83%).
Thành viên Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp
Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2025, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy cho biết, các cấp, các ngành tổ chức thực hiện nghiêm các quy định Luật Tiếp công dân, Luật khiếu nại, Luật Tố cáo và các chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các bộ, ngành tiếp tục rà soát, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật nói chung và liên quan đến khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực thuộc bộ, ngành quản lý để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại tố cáo.
Đồng thời, Thanh tra Chính phủ thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, khiếu nại tố cáo; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng kết 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân;..
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung
Nêu ý kiến tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng, Báo cáo của Chính phủ đã tích hợp, phản ánh cơ bản đầy đủ kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo về hành chính năm 2024. Trong đó, đã tổng hợp số liệu từ ngày 01/10/2024 đến ngày 30/9/2024 để trình Quốc hội, bảo đảm đồng bộ với các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách, hoạt động tư pháp... Đồng thời, nhấn mạnh, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2024 tiếp tục có nhiều tiến bộ, đạt kết quả tích cực, góp phần nâng cao trách nhiệm, chất lượng thực thi công vụ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, hoàn thiện pháp luật, phát huy hiệu quả cơ chế giám sát của Nhân dân; qua đó, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục bổ sung thông tin, đánh giá sâu sắc, làm rõ thêm một số nội dung để thể hiện đầy đủ, khách quan, toàn diện kết quả của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024.
Thành viên Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp
Về kết quả tiếp công dân, các ý kiến đề nghị Chính phủ phân tích, làm rõ lý do tình hình công dân trực tiếp đến cơ quan hành chính khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm là do công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, công tác giải quyết khiếu nại tố cáo có nhiều đổi mới, hiệu quả cao hay vì lý do nào khác; đồng thời, làm rõ lý do người đứng đầu các cơ quan hành chính, nhất là việc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân theo quy định để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Về kết quả tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị Chính phủ làm rõ lý do dẫn đến tình trạng gia tăng số lượng đơn tiếp nhận thuộc trách nhiệm xử lý của các Bộ, ngành Trung ương nhưng số đơn đủ điều kiện xử lý lại có tỷ lệ thấp hơn nhiều so với ở địa phương để có giải pháp phù hợp khắc phục;…
Về kết quả kiểm tra, rà soát và việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, các nội dung về các vụ việc được xác định theo kế hoạch của Thanh tra Chính phủ, cơ bản đều là các nội dung đã được Chính phủ đề cập tại Báo cáo năm 2023 mà chưa thể hiện rõ sự chuyển biến của tình hình năm 2024;...
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm trách nhiệm giải quyết và thông báo kịp thời kết quả giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo do các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyển đến theo đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Tiếp tục nâng cao trách nhiệm, hiệu quả của việc giải quyết, thanh tra, kiểm tra công tác khiếu nại, tố cáo; Tập trung giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài;…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về cơ bản các ý kiến đều thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ. Báo cáo được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, phản ánh cơ bản đầy đủ kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo về hành chính năm 2024 của các cơ quan hành chính nhà nước và của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Kiểm toán nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, Báo cáo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024 cần rà soát, bổ sung làm rõ một số nội dung được nêu tại phiên họp liên quan tới kết quả tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo; kết quả giải quyết tố cáo; việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài;...; Thường trực Ủy ban Pháp luật tổng hợp, tiếp thu ý kiến phát biểu khẩn trương hoàn thiện Báo cáo thẩm tra trình Quốc hội./.