Hoàn thiện dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên với chất lượng tốt nhất, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8
Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 gồm 11 chương, 176 điều. Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo Luật này tại Kỳ họp thứ 8 là vấn đề tách vụ án hình sự có người chưa thành niên (NCTN) phạm tội được quy định tại Điều 140 của dự thảo Luật. Cơ bản đồng tình với sự cần thiết tách vụ án hình sự có NCTN phạm tội trong giai đoạn điều tra để giải quyết, đảm bảo thực thi đầy đủ các chính sách nhân văn, tiến bộ của dự thảo Luật, tuy nhiên các ý kiến đề nghị cần cân nhắc, không nên quy định cứng nội dung này và không phải trường họp nào cũng tách vụ án hình sự.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Cho rằng tách vụ án hình sự là một vấn đề rất lớn và còn nhiều ý kiến khác nhau gây tranh cãi, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu quan điểm, không phải vụ án nào chúng ta cũng phải tách người chưa thành niên (NCTN) phạm tội để xử lý.
Đại biểu tán thành ý kiến của Bộ Công an và ý kiến của cơ quan Tòa án là cần tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội trong giai đoạn điều tra để giải quyết. Đây là một thời điểm Bộ Công an quy định xét thấy cần phải làm rõ hành vi vi phạm tội của người chưa thành niên và có tình tiết có liên quan thì mới tách vụ án. Ngoài ra, đại biểu Phạm Văn Hòa nhận thấy, liên ngành cơ quan tư pháp, Viện kiểm sát và Tòa án cũng như cơ quan công an phối hợp với nhau có hướng dẫn chi tiết về những vụ việc này là phù hợp.
Ủng hộ việc tách vụ án hình sự có NCTN phạm tội, tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, 100% vụ án như đề xuất đều phải tách thì không hợp lý, vì có những trường hợp tình tiết trong xử lý vụ án mà NCTN có liên quan rất lớn, đặc biệt là các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nếu tách ra như vậy thì sẽ gây khó khăn cho cơ quan điều tra cũng như gây khó khăn cho cơ quan xét xử.
Đại biểu Lê Tất Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc
Góp ý về nội dung này, đại biểu Lê Tất Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, UBTVQH đã có báo cáo tiếp thu, giải trình xác định vụ án cần phải tách để áp dụng nhiều chính sách chuyên biệt đối với NCTN phạm tội
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, trong thực tiễn tội phạm NCTN đang tiếp tục gia tăng, rất nhiều vụ án có NCTN giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, khi xét xử cần phải có đầy đủ lời khai, đối chất trực tiếp của tất cả các bị cáo tại phiên tòa thì mới có đủ căn cứ để giải quyết vụ án.
“Nếu tách vụ án ra thì cả những bị cáo là người chưa thành niên và bị cáo đã thành viên đều phải có mặt tham dự cả 2 phiên tòa. Đặc biệt hơn nữa, khi vụ án phải giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, ví dụ việc tranh chấp về bồi thường thiệt hại thì sẽ giải quyết ở phiên toà nào, phiên tòa người chưa thành niên hay phiên tòa người đã thành niên?”, đại biểu Lê Tất Hiếu bày tỏ băn khoăn.
Đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa
Thống nhất nên tách vụ án có NCTN phạm tội như Báo cáo giải trình, tiếp thu của UBTVQH và các ý kiến đã nêu, đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa đề nghị không nên quy định cứng nội dung này mà việc tách hay không còn tùy vào từng vụ án, tùy từng trường hợp bị can, bị cáo nhiều, ít, đông hay tùy vào tình tiết vụ án. “Nên giao trách nhiệm đó cho cơ quan điều tra, cho Viện kiểm sát và cho Tòa án tách vụ án ra nếu như điều kiện thuận lợi chứ không phải là tất cả đều phải tách mà tách từ cơ quan điều tra. Vì vậy, tôi đề nghị nên cân nhắc lại quy định này”, đại biểu nêu quan điểm.
Đại biểu Lê Xuân Thân cũng cho rằng, hiện nay Luật đang quan tâm tới NCTN phạm tội. Nhưng trong khái niệm “người chưa thành niên” lại có một khái niệm là trẻ em. Tuổi chịu trách nhiệm đã quy định từ trước tới nay là 14 đến 16 tuổi, 16 đến dưới 18 tuổi. Do đó, chính sách hình sự đối với trẻ em phạm tội cần phải đặc biệt quan tâm hơn đối tượng là 16 tuổi tròn đến dưới 18 tuổi. Vì vậy, đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị cần xử lý chuyển hướng và tách vụ án bởi hai nội dung này, có khả năng nên áp dụng cho những đối tượng từ 14 đến dưới 16 tuổi là đối tượng trẻ em phạm tội. Còn lại, đối tượng từ tròn 16 đến dưới 18 tuổi là người chưa thành niên phạm tội thì cần quy định chặt chẽ hơn nhiều.
Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương
Cùng quan điểm với các ý kiến nêu trên, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, không phải trường hợp nào cũng tách vụ án hình sự và chỉ nên tách khi có những điều kiện nhất định. Đại biểu lý giải, khi tất cả các vụ việc được tách ra thì sẽ phát sinh thêm nhiều vụ án, thêm nhiều thủ tục tố tụng không cần thiết và gây lãng phí về nhân lực, gây lãng phí về thời gian, kinh phí và sẽ quá tải cho các ngành làm công tác tố tụng. Cùng một vụ án có thể phải mở nhiều phiên tòa khác nhau và trẻ vị thành niên sẽ phải tham gia vào nhiều quy trình tố tụng. Hoặc trong một số trường hợp, việc tách vụ án chưa chắc đã dẫn đến việc có lợi hơn cho NCTN mà có khi còn dẫn đến bất lợi hơn.
“Ví dụ, trường hợp một NCTN phạm tội nhưng tội đó cùng với người đã thành niên thì NCTN phạm tội riêng lẻ, đồng thời lại cùng phạm tội với người đã thành niên. Như vậy nếu như chúng ta tách vụ án ra thì NCTN sẽ tham gia nhiều phiên xử khác nhau. Với quy định như hiện nay, NCTN sẽ bị tổng hợp hình phạt của các bản án, nếu như nhập vụ án lại thì NCTN chỉ thêm tình tiết tăng nặng là phạm tội 2 lần trở lên và mức hình phạt sẽ nhẹ hơn”, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn nêu dẫn chứng.
Mặt khác, ở khoản 2 Điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định là cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong trường hợp cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.
Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn cho biết, nếu xét đến việc để có lợi hơn cho NCTN thì hiện nay đối với các vụ án có NCTN phạm tội, Viện kiểm sát vẫn cử các kiểm sát viên chuyên sâu về các vụ án NCTN phạm tội, Tòa án cũng cử thành phần Hội thẩm nhân dân là các giáo viên, người tham gia công tác đoàn để hiểu về tâm lý giáo dục bị cáo là NCTN. Trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử vẫn áp dụng các tình tiết giảm nhẹ đối với NCTN phạm tội, do đó, đại biểu cho rằng, quyền lợi của các bị cáo về cơ bản đều được thực hiện và có sự ưu tiên.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà
Phát biểu tại diễn đàn Quốc hội về tách vụ án hình sự có NCTN quy định tại Điều 140 của dự thảo, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà nhận thấy, các ý kiến đã phát biểu đều là ý kiến của những người làm thực tiễn trong các cơ quan thi hành tố tụng và nội dung này cần phải bàn thấu đáo. Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, nếu tách vụ án ra thì có tính nhân văn nhưng thực tế có nhiều việc chúng ta chưa lường hết được và chưa tổng kết việc này.
Mặt khác, tại Điều 11 về việc giải quyết nhanh chóng, kịp thời, dự thảo Luật có nêu “giải quyết vụ việc, vụ án có NCTN phải nhanh nhất có thể, hạn chế việc gia hạn và ưu tiên áp dụng thủ tục rút gọn”. Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, quy định như vậy rất tùy ý và không thống nhất, do đó, đề nghị cần quy định cụ thể hơn.
“Chúng ta phải có ngày cụ thể, có định lượng, sau khoảng 1-4 năm, chúng ta sẽ tổng kết. Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tôi cho rằng cần có một thời gian chuyển tiếp và tôi đề nghị sửa Điều 140 của dự thảo Luật. Đó là tách vụ án hình sự có NCTN trong vụ án hình sự có người bị buộc tội là người chưa thành niên và người đã thành niên ngay sau khi có chứng cứ xác định hành vi phạm tội của bị can là NCTN, cơ quan tiến hành tố tụng có thể tách vụ án hình sự để giải quyết vụ án độc lập đối với các bị can là NCTN hoặc là người bị hại, không phải vụ nào cũng tách. Tôi đề xuất phương án này và cần có một gian chuyển tiếp sẽ hợp lý hơn”, đại biểu nêu kiến nghị./.