Tổng thuật chiều 23/10: Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

23/10/2024

Chiều 23/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

Tổng thuật sáng 22/10: Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Theo Chương trình làm việc, trước khi tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Quốc hội nghe các báo cáo: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB); Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB)

14h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung phiên họp

Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, trong chiều nay, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB); Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Quốc hội sẽ thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Mở đầu phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).

14h01: Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB)

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình 

Trình bày Báo cáo tóm tắt về việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam (VCB) (thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu), Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu sự cần thiết đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB. Theo đó, việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 là rất cần thiết nhằm hiện thực hoá các chủ trương của Đảng, Quốc hội về việc nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước để làm tốt vai trò dẫn dắt, trụ cột trong một số lĩnh vực quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB là phù hợp với Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; giúp cho VCB nâng cao năng lực tài chính để phấn đấu vươn ra khu vực nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á; khẳng định vai trò sếu đầu đàn trong ngành tài chính ngân hàng theo định hướng của Đảng, Chính phủ.

Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB nhằm đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định; giúp VCB có tiềm lực để thực thi các chính sách của Nhà nước và hỗ trợ nền kinh tế như chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ lãi suất; cấp tín dụng cho nhiều dự án quan trọng Quốc gia với nhu cầu vốn đặc biệt lớn và thực hiện nghĩa vụ với NSNN.

Về thẩm quyền, VCB đề xuất được đầu tư bổ sung vốn nhà nước với số tiền 20.695 tỷ đồng. Căn cứ quy định tại Điều 17 Luật 69/2014/QH13, với mức vốn nhà nước đầu tư bổ sung này, Quốc hội sẽ có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành quyết định đầu tư vốn. 

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng báo cáo Quốc hội phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB, thực trạng tài chính, kết quả kinh doanh của VCB, Thực trạng vốn tự có và nhu cầu vốn tự có của VCB, kế hoạch tăng vốn của VCB và nguồn đầu tư bổ sung của Nhà nước. Theo đó, từ nhu cầu cấp thiết về vốn tự có nêu trên, VCB đã nghiên cứu các nguồn bổ sung vốn tự có như phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư riêng lẻ, phát hành trái phiếu và phát hành cổ phiếu trả cổ tức.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư riêng lẻ và phát hành trái phiếu tăng vốn không khả thi. Vì vậy, ở thời điểm này, VCB đề xuất cho phép được sử dụng lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập để tăng vốn điều lệ thông qua hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu. 

Theo báo cáo của VCB, lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của VCB là 27.702 tỷ đồng (tương đương 49,564% vốn điều lệ). VCB đề xuất được tăng vốn điều lệ từ các nguồn trên với số tiền 27.666 tỷ đồng (để đảm bảo tỷ lệ làm tròn tỷ lệ 49,5%. Phần lợi nhuận còn lại 36 tỷ đồng sẽ được bổ sung vào các đợt phát hành sau). Vốn điều lệ hiện nay của VCB là 55.891 tỷ đồng. Sau khi phát hành tăng thêm 27.666 tỷ đồng, vốn điều lệ của VCB là 83.557 tỷ đồng.

Với phương án này, phần lợi nhuận được chia cho cổ đông Nhà nước bằng cổ phiếu là 20.695 tỷ đồng (làm tròn). Đây được xem là phần đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào VCB. Số liệu trên đã được Kiểm toán xác nhận khi kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2023 của VCB. Do vậy, Chính phủ thống nhất mức vốn nhà nước đầu tư bổ sung tại VCB là 20.695 tỷ đồng.

Về kế hoạch sử dụng nguồn vốn điều lệ tăng thêm, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, toàn bộ vốn điều lệ được bổ sung sẽ tiếp tục sử dụng làm nguồn vốn hoạt động kinh doanh của VCB, đầu tư phát triển và chuyển đổi số; hướng tới mục tiêu chung là để nâng cao năng lực tài chính, phấn đấu đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn CAR theo Basel III; mở rộng quy mô hoạt động, hiện đại hóa ngân hàng; hoàn thành các mục tiêu theo Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đọan 2021-2025”; thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, căn cứ các nội dung nêu trên, căn cứ Luật 69/2014/QH13 của Quốc hội, Chính phủ kính đề nghị Ủy Ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB và đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đối với nội dung: 

Chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn góp nhà nước tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam với số tiền 20.695.100.980.000 đồng từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam.

Giao Chính phủ chỉ đạo việc đầu tư, bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính chính xác của số liệu và quy mô bổ sung vốn nhà nước cho Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam”.

14h08: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB)

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về sự cần thiết đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB với lý do như đã nêu trong Tờ trình số 564/TTr-CP và các tài liệu kèm theo nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội. VCB là một trong các ngân hàng thương mại có quy mô lớn do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, uy tín, tiên phong trong thực hiện các chính sách của Nhà nước, đóng góp hiệu quả đối với ngân sách nhà nước và sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. 

Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB sẽ giúp ngân hàng này nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm các tỷ lệ an toàn và hướng tới chuẩn mực quốc tế theo Hiệp ước Basel III, nâng cao khả năng chống chịu rủi ro trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động và tiềm ẩn rủi ro tài chính; mở rộng hoạt động tín dụng, trong đó có các dự án quan trọng quốc gia có nhu cầu vốn lớn; tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong thực hiện các chính sách của Nhà nước, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội và tăng cường năng lực cạnh tranh, tăng uy tín trong nước và quốc tế, vươn tầm khu vực theo mục tiêu đã đặt ra tại Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, có đủ nguồn lực tham gia hỗ trợ cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, cụ thể là nhận chuyển giao bắt buộc 01 ngân hàng thương mại yếu kém trong tháng 10/2024.  

Về hồ sơ trình quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Hồ sơ của Chính phủ trình đã bảo đảm yêu cầu quy định tại Điều 49 của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội. 

Về thẩm quyền quyết định đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, theo Tờ trình số 564/TTr-CP, Chính phủ đề nghị bổ sung 20.695 tỷ đồng (số làm tròn) cho VCB để duy trì tỷ lệ vốn góp nhà nước tại VCB khi tăng vốn điều lệ. VCB là ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, do đó, việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho VCB được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) và quy định có liên quan.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ hơn cơ cấu sử dụng vốn được đầu tư bổ sung tại VCB trên cơ sở bảo đảm phù hợp, thống nhất với mục đích đầu tư bổ sung vốn nhà nước, trong đó, trọng tâm là mở rộng hoạt động kinh doanh, cung ứng tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên, các dự án quan trọng quốc gia có quy mô lớn, thực thi các chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong định hướng giảm mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế; đồng thời, tiếp tục đổi mới mô hình quản trị hiện đại, đầu tư công nghệ số, cải thiện hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Về hình thức văn bản, Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc đưa nội dung đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tương tự như trường hợp bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV); nhất trí với nội dung Chính phủ đề xuất đưa vào Nghị quyết như đã nêu tại Tờ trình số 564/TTr-CP.

14h13: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiếp thu, chỉ đạo rà soát, bỏ cụm từ “di sản tư liệu” tại phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật. Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn quy định cụ thể cơ chế, biện pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của loại hình di sản này. 

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã chỉnh lý các quy định về chính sách của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và tính đặc thù của từng loại hình di sản văn hoá. 

Theo đó, dự thảo Luật quy định ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho một số hoạt động có tính đặc thù (Điều 7); biện pháp bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam (Điều 19); nguồn nhân lực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (Điều 84); đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (Điều 85); điều kiện bảo đảm cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có nguồn lực nhà nước, xã hội hóa và các điều kiện khác (Điều 82, Điều 90)…

Cùng với đó, chỉnh lý, hoàn thiện các hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm chính xác, đầy đủ hơn, làm cơ sở cho việc hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định nguyên tắc xác định khu vực bảo vệ II tại khoản 3 Điều 27; quy định khu vực tiếp giáp di tích không được xác định là khu vực bảo vệ II khi khu vực đó có công trình xây dựng không thể di dời, khu vực dân cư do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo cấp độ di tích… 

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, UBTVQH đề xuất quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa tại dự thảo Luật, đã chỉ đạo nghiên cứu kỹ về sự cần thiết, cơ sở pháp lý và thực tiễn; rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng: Quỹ chỉ hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, bổ sung quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế về yêu cầu, khả năng huy động nguồn lực, tính hiệu quả, khả thi để thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương… 

Về thanh tra di sản văn hóa, UBTVQH đã có văn bản gửi Chính phủ có ý kiến, đề xuất phương án về sự cần thiết thành lập thanh tra di sản văn hóa tại dự thảo Luật hay quy định tại Nghị định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, nếu có thành lập thanh tra chuyên ngành về di sản văn hóa. 

Ngày 22/10/2024, UBTVQH đã nhận được Công văn số 695/CP-PL của Chính phủ về tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Chính phủ đề nghị quy định về thanh tra di sản văn hóa tại dự thảo Luật. UBTVQH đã chỉ đạo, rà soát quy định này để bảo đảm tính thống nhất với quy định của pháp luật về thanh tra.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này gồm 09 chương, 100 điều, giảm 02 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 7.

14h24: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành và gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận

Điều hành Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, đây là dự án Luật có nhiều nội dung lớn, chuyên môn sâu, mang tính xã hội cao, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp rộng, nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri cả nước và các vị đại biểu Quốc hội. Tại Kỳ họp thứ 7, đã có 122 lượt ý kiến phát biểu ở Tổ và Hội trường, có 2 đại biểu gửi ý kiến góp ý bằng văn bản. Sau Kỳ họp, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, lấy kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, những người có kinh nghiệm trong công tác quản lý để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật; xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật và Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong tháng 8/2024.

UBTVQH đã có Báo cáo số 976 dài 50 trang, phản ánh đầy đủ các nội dung giải trình, tiếp thu trình Quốc hội. Chính phủ đã có văn bản số 695 về việc chỉnh lý dự thảo Luật, cơ bản thống nhất với dự thảo Luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của UBTVQH. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp này gồm 9 chương, 100 điều, giảm 2 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 và đã đạt được sự thống nhất, đồng thuận của các cơ quan, bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. 

Gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH tiếp tục quan tâm, góp ý về: chính sách của nhà nước về di sản văn hóa (Điều 7); các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9); chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể (Điều 14); về khu vực bảo vệ di tích, nguyên tắc xác định phạm vi và cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích, điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới (Điều 27); về sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích (Điều 28); về dự án đầu tư, xây dựng công trình, sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới (Điều 29); về Quỹ bảo tồn di sản văn hóa (Điều 92)…

Tiếp theo, Phó Chủ tịch Quốc hội mời đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu.

14h29: Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định: Không nên quy định không được sử dụng bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia vì mục đích lợi nhuận

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho rằng, tại đoạn 2, khoản 2, Điều 52 của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) về bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia quy định: Bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia không được sử dụng vì mục đích lợi nhuận. Đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị xem xét lại quy định này vì những lý do như:
Thứ nhất, về lý luận quan điểm, phát triển kinh tế là khai thác tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Do đó, khi đưa các bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia để trưng bày cho khách tham quan, chiêm ngưỡng có thu phí là phù hợp với quan điểm này.

Thứ hai, về thực tế, khi bảo tàng, phòng trưng bày có trưng bày bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia mở cửa có bán vé tham quan là hoạt động có thể có lợi nhuận sẽ bị cấm. Vậy bảo tàng, phòng trưng bày phải cất những bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia này đi kéo theo khách sẽ không đến nữa hoặc đến ít đi vì không có đối tượng để tham quan. Từ đó kéo theo hệ quả là bảo tàng sẽ không phát huy được vai trò của mình. Bên cạnh đó bảo tàng không có hoặc là không tăng được nguồn thu, ảnh hưởng đến sự tồn tại và tăng trưởng của mình.

Để khắc phục những vướng mắc trên, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị không nên quy định không được sử dụng bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia vì mục đích lợi nhuận như dự thảo Luật quy định tại đoạn 2, khoản 2, Điều 52. 

14h32: Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Cần có quy định riêng về mô hình quản lý đối với di sản đô thị

Để hoàn thiện dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Dương Văn Phước cho biết, tại khoản 2 Điều 3 quy định: Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Tuy nhiên đại biểu cho rằng quy định về di sản văn hóa vật thể, bao gồm cả di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới và di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới do UNESCO công nhận. Các di sản này không chỉ phải đáp ứng tiêu chí trong dự thảo luật, mà còn phải đáp ứng các tiêu chí của UNESCO. Do đó đại biểu đề nghị cần có quy định riêng về cơ chế riêng để quản lý. 

Theo đại biểu Dương Văn Phước, đô thị cổ Hội An có đặc thù khác biệt so với hầu hết các di tích khác ở Việt Nam. Đây là "bảo tàng sống", có hàng ngàn người dân sinh sống và gắn với quản lý hành chính của 4 phường thuộc thành phố Hội An. Việc quản lý di tích ở Hội An không chỉ theo Luật Di sản văn hóa, mà còn chịu tác động của nhiều luật khác như Bộ luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật Lao động, Luật Tổ chức chính quyền địa phương…

Đây là quần thể di tích kiến trúc nghệ thuật với số lượng lớn và đa dạng về loại hình, do đó đại biểu đề nghị cần có cơ chế quản lý riêng.

Về dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở riêng lẻ, đại biểu cho rằng Dự thảo luật quy định việc sửa đổi, cải tạo, xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích phải thực hiện theo quy định về quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Tuy nhiên, các quy định này chỉ áp dụng cho dự án do Nhà nước làm chủ đầu tư, chưa có quy định cụ thể cho nhà ở riêng lẻ của người dân. Việc đưa nhà ở của người dân vào quy hoạch và thực hiện các thủ tục lập dự án sẽ gây nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian và kinh phí, có thể dẫn đến phản ứng tiêu cực của chủ di tích.

Đại biểu Dương Văn Phước đề nghị cần có quy định cụ thể về dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích.

14h39: Đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang: Sửa đổi, bổ sung các quy định hướng dẫn để luật sớm đi vào cuộc sống

Góp ý về những vấn đề chung của dự thảo luật, đại biểu Trình Lam Sinh cho biết, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở kế thừa luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 và các văn bản quy phạm pháp luật, nên giữ được sự ổn định cho hoạt động bảo vệ phát huy các giá trị di sản của văn hóa. Dự thảo luật cũng quy định những vấn đề mới về bộ máy quản lý di tích, di sản, xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa, hợp tác công tư… đồng thời, thể chế hóa những nội dung cơ bản trong các công ước quốc tế về di sản văn hóa mà Việt Nam tham gia.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, thời gian vừa qua ,các quy định hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa vẫn còn thiếu, chưa cụ thể ở một số lĩnh vực như: điều kiện thành lập bảo tàng, định mức chi trong hoạt động chuyên môn thuộc lĩnh vực di sản văn hóa, định mức kiểm kê di sản, định mức xây dựng hồ sơ di tích, hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể, định mức thuê chuyên gia, nghệ nhân tham gia nghiên cứu và biểu diễn…

Bên cạnh đó, kinh phí dành cho hoạt động bảo tồn, tu bổ, phục hồi, truyền dạy cũng còn hạn chế; còn khó khăn trong xử lý giữa bảo tồn và nhu cầu phát triển du lịch; chưa có cơ chế chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể…

Những hạn chế trên đã làm cho các địa phương gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quản lý và hoạt động chuyên môn. Do đó, đại biểu đề xuất cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra quan tâm bổ sung trong dự thảo luật; đồng thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định hướng dẫn ngay sau khi luật được thông qua, nhằm giúp cho hoạt động quản lý và hoạt động chuyên môn kịp thời đáp ứng các yêu cầu xây dựng văn hóa trở thành nền tảng để phát triển kinh tế, phát triển con người và xã hội Việt Nam trong giai đoạn mới.

Về một số nội dung cụ thể, đại biểu cho biết, tại khoản 1 Điều 1 về phạm vi điều chỉnh, đề xuất ban soạn thảo điều chỉnh cụm từ “các loại hình sở hữu” thành “các hình thức sở hữu” cho phù hợp với quy định của Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và các văn bản có liên quan.

Tại khoản 5 Điều 4 về sở hữu di sản văn hóa, đại biểu đề xuất bỏ cụm từ “hình sự” trước cụm từ “và quy định khác của pháp luật có liên quan” bởi việc xác định đăng ký và giải quyết tranh chấp mà thực hiện theo Bộ luật Hình sự là chưa phù hợp. Nếu giữ cụm từ “hình sự”, đại biểu đề xuất bổ sung thêm cụm từ “xử lý vi phạm” sau cụm từ “giải quyết tranh chấp”...

14h44: Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh: Làm rõ hơn trách nhiệm quản lý nguồn lực tài chính

Tham gia phát biểu tại Hội trường, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đánh giá dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là bước tiến quan trọng trong nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của nước ta.

Góp ý cụ thể vào một số nội dung của dự thảo Luật, đại biểu cho rằng dự thảo Luật đã đưa ra các khái niệm cụ thể về di sản văn hóa phi vật thể và vật thể. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bao quát, đề nghị làm rõ khái niệm “di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền”; nguy cơ mai một cần được quy định cụ thể hơn, chẳng hạn như số lượng nghệ nhân giảm mạnh, không gian văn hóa liên quan bị xâm phạm hoặc biến mất… để tạo cơ sở vững chắc cho việc áp dụng các biện pháp bảo vệ khẩn cấp.

Về quyền và trách nhiệm của cộng đồng đối với di sản văn hóa, dự thảo Luật đã quy định rõ vấn đề này tại Điều 5. Tuy nhiên cần bổ sung các biện pháp hỗ trợ cộng đồng; đặc biệt là ở các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, nơi có nhiều di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Cộng đồng cần được hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất và được tham gia vào các chương trình đào tạo nâng cao năng lực bảo vệ di sản. 

Về trách nhiệm của nhà nước trong bảo vệ di sản văn hóa, dự thảo Luật đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm chủ đạo của nhà nước trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Điều 7. Tuy nhiên, đề nghị cần làm rõ hơn trách nhiệm của nhà nước về quản lý nguồn lực tài chính cho các hoạt động bảo vệ di sản. Theo đó, cần có quy định rõ ràng về việc phân bổ ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội từ các tổ chức phi chính phủ, tư nhân và cộng đồng để tăng cường nguồn lực cho công tác này.

Đồng thời, về cơ chế bảo vệ di sản văn hóa quốc tế, dự Luật cần quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn trong việc phối hợp với cộng đồng, chủ thể để lập hồ sơ khoa học; ngoài ra cần có cơ chế hợp tác với các tổ chức quốc tế để bảo vệ và phát huy các di sản đã được ghi danh.

14h50: Đại biểu, Thượng tọa Thích Đức Thiện  - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên: Ủng hộ việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa 

Quan tâm và ủng hộ việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, đại biểu Thích Đức Thiện cho biết, theo thống kê, cả nước ta hiện có hơn 40.000 di tích, hơn 70.000 di sản văn hóa phi vật thể, 15 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh và 9 di sản tư liệu… Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích ở nước ta còn rất thấp so với yêu cầu thực tế. Nhiều di tích, di sản văn hóa đang bị xuống cấp, mai một do thiếu kinh phí duy trì. Ví dụ như di tích Đồng Dương ở Quảng Nam đang trong tình trạng khẩn cấp và cần nguồn lực để khôi phục… 

Vì vậy, đại biểu cho rằng, việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là rất cần thiết, để hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động bảo tồn, tu bổ, phục hồi di sản văn hóa mà ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng được. Quỹ sẽ góp phần bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa, vốn là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội đất nước. 

Để Quỹ bảo tồn di sản văn hóa hoạt động hiệu quả, đại biểu cho rằng, cần có các cơ chế, chính sách đặc thù như miễn giảm thuế, phí cho các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp cho Quỹ, nhằm thu hút nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động của Quỹ. Bên cạnh đó, quá trình quản lý, điều hành và sử dụng Quỹ cần đảm bảo rõ ràng, công khai, minh bạch, để tạo niềm tin cho các nhà tài trợ; Quỹ cần phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, các chuyên gia trong việc thực hiện quy trình trùng tu, tôn tạo, bảo đảm tối đa các giá trị gốc của di tích.

Đồng thời, đại biểu cũng đề xuất mở rộng thẩm quyền thành lập Quỹ cho các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, nhằm tạo nguồn lực đa dạng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra cho công tác bảo tồn di sản văn hóa.

14h55: Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Cần quan tâm  bảo tồn, giữ gìn tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số 

Góp ý về chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, đại biểu Phạm Văn Hòa đồng tình và đánh giá cao UBTVQH, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng như Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến tham gia đóng góp của các ĐBQH trong quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa. Các chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa được quy định rất rành mạch, cụ thể tại Điều 7, Điều 19, Điều 81, Điều 85, Điều 90…

Tuy nhiên, đại biểu đặc biệt quan tâm đến văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói và chữ viết. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số là di sản rất đặc biệt, đề nghị cần phải quan tâm bảo tồn, giữ gìn và phát huy. 

Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Văn Hòa nhận thấy, thực tế thời gian qua có tình trạng di vật, bảo vật quốc gia đặc biệt quan trọng nhưng bị thất thoát, mất mát, thậm chí mua bán ra nước ngoài. Đây là vấn đề nhức nhối và thực tiễn đặt ra trong thời gian qua, do vậy, đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật không quy định cụ thể nhưng Nghị định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần quy định cụ thể để tổ chức thực hiện cho tốt.

Thống nhất với ý kiến của đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn Quảng Nam về vấn đề sửa chữa, bảo tồn, xây dựng mới trong Khu di tích lịch sử cấp quốc gia, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, cần tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho các di tích nằm trong khu quy hoạch vì việc sửa chữa, cơi nới phải qua rất nhiều khâu và gặp nhiều khó khăn, thậm chí không sửa chữa được. Vì vậy, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị dù luật không quy định nhưng Nghị định của Chính phủ cần quy định rõ ràng, rành mạch nội dung này, qua đó giúp người dân có thể thuận tiện trong các thủ tục sửa chữa, cơi nới…

15h04: Đại biểu Lý Tiết Hạnh - Đoàn ĐBQH Bình Định: Cần có quy định cụ thể hơn đối với việc ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi bị nghiêm cấm

Đề cập về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với di sản văn hóa được quy định tại  Điều 5, đại biểu Lý Tiết Hạnh cho rằng, tại điểm c khoản 2 Điều 5 quy định việc cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân có trách nhiệm, nghĩa vụ ngăn chặn hoặc đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 9 của Luật này.

Trong thực tiễn, có những trường hợp cá nhân phát hiện các hành vi vi phạm. Vậy trong trường hợp này, cá nhân đó cần làm gì và được phép làm gì? Nếu cá nhân đó ngăn chặn - đối đầu với những người có hành vi vi phạm thì cơ chế nào bảo vệ họ khi không may xảy ra các tình huống pháp lý và nếu họ phát hiện có hành vi vi phạm, nhưng làm ngơ bỏ qua thì có bị quy trách nhiệm không? Cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận thông tin, thời gian xử lý là bao lâu và các biện pháp nào có thể áp dụng ngay khi phát hiện hành vi vi phạm? Vì đây là một tình huống rất dễ xảy ra trong thực tế nên đại biểu Lý Tiết Hạnh kiến nghị cần có các quy định cụ thể hơn về nội dung này để đảm bảo phát huy được vai trò cá nhân và cộng đồng trong bảo vệ di tích và di sản. 

15h09: Đại biểu Đỗ Đức Hiển - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh: Giao Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về trình tự, thủ tục để đảm bảo tính linh hoạt của dự thảo Luật

Đánh giá cao quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Đỗ Đức Hiển cho biết, dự thảo Luật sau khi chỉnh lý có 9 chương, 100 điều với nhiều nội dung cụ thể, chi tiết.

Để góp phần hoàn thiện dự thảo và trên tinh thần đổi mới về tư duy xây dựng pháp luật, đại biểu góp ý một số nội dung: Dự thảo Luật có 17 điều quy định về trình tự, thủ tục hồ sơ giải quyết các công việc cụ thể. Do đó đại biểu đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Về Di sản tư liệu, đại biểu Đỗ Đức Hiển cho biết đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ và dựa trên các khuyến nghị của Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO. Đại biểu cho rằng các quy định về trách nhiệm, quy trình bảo vệ di sản tư liệu trong dự thảo luật còn quá cụ thể, chi tiết, chưa có kinh nghiệm thực tiễn. Do đó, đại biểu đề xuất quy định khái quát hơn, khuyến khích các cơ quan, tổ chức tự bảo vệ di sản tư liệu thay vì quy định cứng trong luật.

Về trình tự, thủ tục ghi danh Di sản tư liệu, đại biểu đề xuất cân nhắc điều chỉnh quy định này, phù hợp với khuyến nghị của UNESCO, cho phép tổ chức, cá nhân đề cử di sản tư liệu trực tiếp lên danh mục di sản thế giới.

Về cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản, đại biểu đề xuất phối hợp với cơ quan soạn thảo Luật Dữ liệu để điều chỉnh quy định này cho phù hợp và thống nhất.

Bên cạnh đó, Đại biểu Đỗ Đức Hiển đề nghị rà soát, có quy định chuyển tiếp để điều chỉnh các di sản tư liệu đã được công nhận trước đây (như bảo vật quốc gia) cho phù hợp.

15h15: Đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ: Rà soát các quy định về chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa trong dự thảo luật

Góp ý về sở hữu di sản văn hóa ở Điều 4, đại biểu Đào Chí Nghĩa cho biết, tại điểm a khoản 3 quy định di sản văn hóa được xác lập sở hữu riêng, bao gồm di vật cổ vật bảo vật quốc gia, di sản tư liệu do một cá nhân hoặc một pháp nhân sưu tầm lưu giữ. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu và cân nhắc quy định bảo vật quốc gia thuộc sở hữu riêng, bởi bảo vật quốc gia là di vật, cổ vật có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Nếu bảo vật quốc gia được xác lập sở hữu riêng, thì các tổ chức, cá nhân sẽ có quyền sở hữu đối với các di sản sẽ được quyền trao đổi, mua, bán, tặng cho, dẫn đến nguy cơ di sản dễ bị đưa ra nước ngoài hoặc lạm dụng, sử dụng không đúng mục đích, ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia. Trong khi đó, việc phát hiện, thu hồi, mua và đưa bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước đang được Đảng và Nhà nước rất quan tâm.

Về chính sách của Nhà nước đối với di sản văn hóa tại Điều 7, đại biểu cho biết, các chế chính sách của nhà nước về di sản văn hóa đã được xác lập rõ, Tuy nhiên, qua rà soát dự thảo luận, vẫn còn các quy định về chính sách di sản văn hóa rải rác ở các điều. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các nội dung về chính sách của nhà nước về di sản trong dự thảo luật vào Điều 7 của dự thảo luật. Đồng thời, cần chọn lọc có trọng tâm, trọng điểm các chính sách và chọn lọc đối tượng thụ hưởng chính sách, tránh quy định dàn trải, dẫn đến việc thực hiện không hiệu quả. Trong đó, quan tâm đến chính sách đầu tư của Nhà nước về chính sách xã hội hóa, nhất là đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong công tác quản lý về di sản văn hóa để bảo đảm phù hợp với sự phát triển của đất nước. 

Về thu hồi, mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước tại Điều 51, đại biểu cho rằng quy định tại khoản 3 chưa phù hợp với thực tiễn, khó thực hiện. Vì hiện nay, nhiều địa phương chưa có đủ điều kiện nguồn lực về tài chính cũng như kinh nghiệm để thực hiện, xác định giá trị thu hồi, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc nước ngoài về nước. 

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng điều chỉnh trường hợp phát hiện di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài, các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc thu hồi, mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia về nước.
Ngoài ra, hiện nay việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa thuộc sở hữu tư nhân vẫn đang gặp khó khăn, cần sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ soạn thảo nghiên cứu quy định cho phép bảo tàng lưu giữ di sản văn hóa, thuộc sở hữu tư nhân hoạt động dịch vụ có thu phí.

15h20: Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Cần đảm bảo thống nhất với Luật Đất đai, Luật Xây dựng

Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, về hoạt động phát huy giá trị di tích, khoản 4 Điều 26 chỉ quy định về việc tổ chức hoặc liên kết tổ chức hoạt động du lịch, dịch vụ phục vụ công chúng tham quan, nghiên cứu, học tập tại di tích. Theo đại biểu, quy định như vậy là chưa đầy đủ, vì hoạt động này cần có sự tham gia của một số thành phần kinh tế với nhiều hình thức khác như hợp tác công tư, liên doanh liên kết. 

Đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 4 Điều 26 của dự thảo Luật nội dung về liên kết hợp tác hoặc hợp tác công tư đối với hoạt động du lịch, dịch vụ phục vụ công chúng tham quan, nghiên cứu, học tập tại di tích.

Đối với khu vực bảo vệ di tích, nguyên tắc xác định và cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích, điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới, đại biểu nhận định, một điểm mới trong dự thảo luật lần này là có quy định về cải tạo, sửa chữa, xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ I và II, nhất là với khu vực II. Thực tế, các hoạt động kinh tế xã hội trong khu vực này rất khó khăn, do sau khi khoanh vùng khu vực bảo vệ II di tích trên bản đồ địa chính theo Luật Di sản văn hóa, thì bắt buộc trong quy hoạch sử dụng đất ghi chức năng sử dụng là đất di tích, nên khi triển khai, quy hoạch chi tiết xây dựng cũng sẽ thể hiện là đất di tích. Vì thế, các hoạt động sửa chữa, cải tạo, xây dựng, sửa chữa nhà cửa trở nên rất khó khăn, chưa kể đến việc xác lập các quyền thừa kế, chuyển nhượng, sở hữu, triển khai các dự án phát triển kinh tế, xã hội... Đại biểu đề nghị khắc phục triệt để tình trạng trên, tạo sự thống nhất giữa Luật Di sản văn hóa với Luật Đất đai, Luật Xây dựng, thể hiện rõ quy định về chức năng sử dụng, khoanh vùng bảo vệ đối với khu vực bảo vệ II. 

Về đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho biết, hiện Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô đang quản lý nhiều di tích, trong đó riêng quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là Di sản văn hóa thế giới đã gồm 13 điểm độc lập. Việc luân phiên trưng bày hiện vật tại các điểm di tích nhằm phát huy giá trị là hoạt động thường xuyên, nếu thực hiện theo những quy định tại Điều 31 trong dự thảo Luật thì sẽ rất khó khăn. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định rõ ràng hơn đối với việc di dời, thay đổi hiện vật đối với từng di tích độc lập và với cả quần thể di tích.

Ngoài ra, về thăm dò, khai quật khảo cổ, đại biểu cho biết, khoản 7 Điều 39 của dự thảo Luật quy định, người chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ phải đáp ứng các điều kiện sau đây: Có trình độ đại học trở lên ngành khảo cổ học; Có ít nhất 05 năm trực tiếp làm công tác khảo cổ; Được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng ý chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ trên cơ sở đề nghị của cơ quan, tổ chức. Theo đại biểu, quy định về trình độ đại học sẽ làm giới hạn số người thăm dò, khai quật do chuyên ngành khảo cổ có rất ít người theo học. Đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định phù hợp hơn, mở rộng thành có trình độ trong các chuyên ngành khác có liên quan đến khảo cổ học để đảm bảo tính khả thi.

15h50: Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn: Rà soát, bảo đảm tính khả thi nội dung về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với di sản văn hóa

Qua nghiên cứu dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Huế bày tỏ cơ bản đồng tình với nhiều nội dung. Quan tâm đến nội dung về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với di sản văn hóa, đại biểu cho biết, điểm b khoản 4 Điều 5 của dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của cộng đồng, cá nhân sở hữu di sản văn hóa: “Thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp di sản văn hóa có nguy cơ bị làm sai lệch giá trị, bị hủy hoại, bị mất” và tại điểm d khoản 6 Điều này quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân quản lý trực tiếp di sản văn hóa: “Thông báo kịp thời cho chủ sở hữu hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi gần nhất khi di sản văn hóa có biểu hiện sai lệch giá trị, có nguy cơ bị hủy hoại hoặc bị mất”. 

Tuy nhiên, đại biểu cho biết, dự thảo Luật lại không có quy định cụ thể hướng dẫn về việc xác định nguy cơ, biểu hiện bị làm sai lệch giá trị, bị hủy hoại, bị mất đối với di sản văn hoá hoặc giao cơ quan nào quy định nội dung này. Như vậy, trên thực tế rất khó để các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân xác định và thực hiện tốt trách nhiệm này, đặc biệt là đối với các di sản văn hoá phi vật thể. 

Do đó, đại biểu đề nghị cần xem xét, bổ sung quy định về nội dung này cho phù hợp, đảm bảo thuận lợi, khả thi khi thực hiện.

Bên cạnh đó, quan tâm đến nội dung về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền tại Điều 18, đại biểu cho biết, tại khoản 1 Điều này quy định tiêu chí di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền được bảo vệ đảm bảo một trong các tiêu chí: “a) Khả năng tồn tại, thực hành và trao truyền trong cộng đồng chủ thể đang bị ngăn cản hoặc đe dọa, khó có khả năng phục hồi và có thể bị biến mất; b) Suy giảm số lượng nghệ nhân, người thực hành và thế hệ kế cận; c) Suy giảm, biến đổi điều kiện và hình thức thực hành; d) Thu hẹp hoặc biến mất không gian văn hóa liên quan, môi trường thực hành di sản văn hóa phi vật thể”.

Tuy nhiên, đại biểu nêu rõ, các tiêu chí này trong dự thảo Luật còn chung chung, mang tính chất định tính, khó khăn cho các cơ quan chuyên môn trong việc xác định để đề xuất di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Trong khi đó, dự thảo Luật cũng không có quy định giao cơ quan nào hướng dẫn. Do vậy, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể các tiêu chí hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này để có cách hiểu thống nhất, thuận lợi khi thực hiện.

15h55: Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn: Cân nhắc bổ sung thêm một khoản quy định về “Hội truyền thống”

Cơ bản tán thành Hồ sơ dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Lưu Bá Mạc góp ý Điều 19 của dự thảo Luật về biện pháp bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam. Đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung thêm quy định giao Chính phủ ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến các nội dung được quy định tại Điều 19 này để đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn, đặc biệt là các nội dung liên quan đến việc nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa, biên soạn, lưu giữ, truyền dạy, dịch thuật, biên tập, xuất bản sách...  

Về người đại diện, tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích quy định tại Điều 32 của dự thảo, đại biểu đề nghị cân nhắc có sự điều chỉnh, bổ sung phù hợp tại Điều 32 này để đảm bảo rõ nghĩa hơn, không quy định chung, tất cả giống nhau, đồng thời có sự cân nhắc tính đồng bộ với khoản 4 Điều 11 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, cụ thể là: “Việc bầu, cử người đại diện hoặc thành lập ban quản lý cơ sở tín ngưỡng đã được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa”.

Tại Điều 10, dự thảo đã đề cập đến khái niệm về “Lễ hội truyền thống, bao gồm các thực hành nghi lễ và sinh hoạt văn hóa dân gian của cộng đồng, được thực hiện theo chu kỳ, tại không gian văn hóa liên quan”. Đại biểu Lưu Bá Mạc nhận thấy, trong thực tế hiện nay tại nhiều địa phương, trong đó bao gồm cả tỉnh Lạng Sơn, có loại hình Hội truyền thống, trong đó không bao gồm các thực hành nghi lễ mà chỉ bao gồm các sinh hoạt văn hóa, dân gian của cộng đồng, được thực hiện theo chu kỳ, tại không gian văn hóa liên quan. Loại hình này hiện nay đã và đang được thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân.

Do vậy, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cân nhắc bổ sung thêm một khoản quy định về “Hội truyền thống”, từ đó đảm bảo việc sử dụng tên gọi trong thực tiễn thuận lợi, không bị nhầm lẫn, tranh cãi và có nhiều ý kiến khác nhau về việc sử dụng cụm từ Lễ hội truyền thống hay Hội truyền thống.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị tại khoản 1 Điều 68 cân nhắc bổ sung thêm quy định cụ thể về nhiệm vụ của Bảo tàng, như sau: thêm một thiết chế văn hóa gắn với chức năng giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa phục vụ nhu cầu của học sinh, du khách và công chúng; quy định rõ hơn về nhiệm vụ giám định hiện vật, sưu tầm cổ vật; quy định thêm nhiệm vụ nghiên cứu lập hồ sơ khoa học xếp hạng các di tích và di sản văn hóa phi vật thể vào khoản 1 Điều 68 Dự thảo luật.

Về chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể tại Điều 14, đại biểu Lưu Bá Mạc nhận thấy, hiện nay tại nhiều địa phương có các hội nghề nghiệp, tổ chức hội, bao gồm như: Hội di sản văn hoá, Hội bảo tồn dân ca, Hội văn nghệ dân gian... là những người tâm huyết và làm công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa rất hiệu quả tại các địa phương. Do vậy, đề nghị cân nhắc, bổ sung thêm đối tượng được hưởng chính sách như trên là các tổ chức hội về bảo vệ di sản văn hoá.

16h02:  Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh: Cần quy định rõ về các biện pháp quản lý, sử dụng di tích có địa bàn phân bố từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên

Đánh giá cao Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, báo cáo đã tiếp thu các ý kiến của ĐBQH và giải trình cụ thể, khoa học, hợp lý.

 Góp ý về quy định di tích, di sản liên tỉnh, tại Khoản 4, Điều 32 quy định: Di tích có địa bàn phân bố từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định việc thành lập tổ chức được giao quản lý di tích, quyết định giao trách nhiệm cho người đại diện quản lý, sử dụng di tích trên địa bàn. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Hà cho rằng việc quản lý Di tích có địa bàn phân bố từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên có sự chưa đồng nhất.

Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về các biện pháp quản lý, sử dụng di tích cụ thể của người đại diện tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích liên tỉnh, yêu cầu phải có sự đánh giá tác động và thống nhất giữa các tỉnh có liên quan; trường hợp không thống nhất thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm hướng dẫn. 

Về Thẩm quyền quyết định giao mặt nước khu vực biển, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định giao mặt nước khu vực biển tại di tích quốc gia đặc biệt, di sản thiên nhiên thế giới, đảm bảo sự thống nhất trong công tác quản lý, bảo vệ di sản thế giới.

Về trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Dự thảo luật quy định trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị xã hội để tổ chức thực hiện pháp luật về di sản văn hóa, giám sát hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị thay đổi quy định này, thay vào đó quy định trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch trong việc thực hiện pháp luật về di sản văn hóa, giám sát hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cân nhắc rà soát quy định tại Điều 97 về thanh tra di sản văn hóa, vì pháp luật về thanh tra không quy định cơ quan thanh tra chuyên ngành có chức năng kiểm tra.

16h07: Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Xem xét đối với hành vi bị nghiêm cấm

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, cần xem xét đối với các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 9 của dự thảo Luật... 

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được giải trình, tiếp thu và chỉnh lý nhiều nội dung so với luật, dự thảo trước. Tuy nhiên, theo đại biểu Huỳnh Thị  Phúc, hiện vẫn còn những nội dung cần tiếp tục được quan tâm cụ thể. 

Đối với các hành vi bị nghiêm cấm đã được rà soát, bổ sung nhưng để đầy đủ hơn, bảo đảm cho việc triển khai tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa thuận lợi hơn, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra xem xét bổ sung tại Điều 9 đối với hành vi bị nghiêm cấm xây dựng trái phép trong các khu vực bảo vệ di tích. 

Song song với đó cũng cần bổ sung vào Điều 98 sửa đổi, bổ sung một số điều các luật có liên quan tại khoản 1 về các nội dung thuộc lĩnh vực xây dựng mà có tác động đến Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Việc làm này nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn khi thực hiện các quy định hiện hành đối với quản lý Nhà nước về di sản văn hóa tại địa phương mà dự thảo Luật chưa quy định nội dung này và để làm cơ sở cho cơ quan thẩm quyền thực hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi xây dựng trái phép trong khu vực bảo vệ di tích. 

16h13: Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Cân nhắc quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa tại địa phương

Góp ý về chính sách nhà nước về di sản văn hóa tại Điều 7, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cân nhắc kỹ quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa tại địa phương. Bởi việc hình thành quỹ ở địa phương, không phải tỉnh nào cũng có thể thành lập, nên quy định thành lập Quỹ ở trung ương do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập và quản lý quỹ. 

Tại Điều 30 về dự án đầu tư xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích di sản thế giới, đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo là cần thiết. Theo đại biểu, việc đầu tư xây dựng công trình nhờ riêng lẻ ngoài khu vực bảo vệ cũng giống như các dự án khác, đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật và tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Những công trình có khả năng tác động tiêu cực đến yếu tố gốc cấu thành di tích được quy định thuộc một trong trường hợp quy định tại khoản 2 điều này như: có thể làm sai lệch các sự kiện lịch sử, nguy cơ phá vỡ cấu trúc quy hoạch, có nguy cơ tác động tiêu cực đến sự toàn vẹn về giá trị cảnh quan thiên nhiên, nguy cơ che khuất tầm nhìn. Đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo sẽ khó xác định những trường hợp có khả năng tác động tiêu cực đến yếu tố gốc. Hơn nữa, cũng không xác định được phạm vi từ khu vực bảo vệ 2 trở ra bao nhiêu mét, nên có thể tất cả các công trình dự án nhà ở gần khu vực bảo vệ 2 đều phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về văn hóa. Như thế sẽ thêm thủ tục, khó khăn cho đầu tư xây dựng các công trình, cũng như xây dựng nhà ở riêng lẻ của người dân.

Vì vậy, đại biểu đề nghị quy định cụ thể các dự án, công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ trong phạm vi khu vực bảo vệ 2 trở ra và kèm theo các nguyên tắc, tiêu chí để nhận biết các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến các yếu tố gốc cấu thành di tích.

16h19: Đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh: Cần bổ sung quy định cấm các hành vi lấn chiếm, hủy hoại đất di tích hỗn hợp

Đồng tình cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Trần Đình Gia cho biết, khoản 8 Điều 9 quy định cấm các hành vi lấn chiếm, hủy hoại đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Theo đại biểu, quy định này cần bổ sung cụm từ “di tích hỗn hợp” để đảm bảo phù hợp với Điều 21 quy định về loại hình di tích hỗn hợp.

Bên cạnh đó, đại biểu quan tâm về thẩm quyền, trình tự thủ tục, hồ sơ xếp hạng, xếp hạng bổ sung, hủy bỏ quyết định xếp hạng và bổ sung chỉnh sửa hồ sơ khoa học của di tích. Để đảm bảo đúng quy trình và phù hợp với thực tiễn, sau khi xây dựng hồ sơ khoa học, Hội đồng xếp hạng di tích cấp tỉnh họp thẩm định hồ sơ, có kết luận của Chủ tịch Hội đồng, cơ quan chuyên môn sẽ tổng hợp các ý kiến bằng biên bản trình UBND tỉnh. Trên cơ sở đề xuất của cơ quan chuyên môn và ý kiến thẩm định của Hội đồng khoa học, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ xem xét, quyết định việc xếp hạng, xếp hạng bổ sung, hủy bỏ quyết định xếp hạng di tích hoặc bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ khoa học của di tích cấp tỉnh.

Đại biểu đề nghị sửa điểm b khoản 2 Điều 25 thành: “Đối với di tích cấp tỉnh theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 của Luật này, cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh gửi văn bản, biên bản cuộc họp Hội đồng xếp hạng di tích do Chủ tịch UBND tỉnh thành lập kèm theo hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng, xếp hạng bổ sung di tích, hồ sơ đề nghị hủy bỏ quyết định xếp hạng di tích, hồ sơ bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ khoa học di tích trên địa bàn tới Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét quyết định xếp hạng, xếp hạng bổ sung, hủy bỏ quyết định xếp hạng di tích hoặc bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ khoa học di tích cấp tỉnh sau khi có ý kiến bằng văn bản của Hội đồng thẩm định do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập.” Đại biểu cũng đề nghị quy định rõ hơn số lượng, thành phần, trình độ chuyên môn đối với Hội đồng thẩm định di tích.

16h23: Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận: Cần quy định cụ thể thời gian kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể 

Phát biểu tại Phiên họp, đại biểu Nguyễn Hữu Thông bày tỏ quan tâm đến nội dung về kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại Điều 11... 

Cụ thể, dự thảo Luật quy định: Di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê đưa vào Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể). Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể phải được rà soát, cập nhật hằng năm.

Đối với nội dung này, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét quy định cụ thể về thời gian kiểm kê, vì quy định yêu cầu kiểm kê hàng năm là chưa phù hợp với thực tế và có thể gây lãng phí. Theo đại biểu, dự thảo Luật nên quy định theo hướng chỉ cần cập nhật khi có di sản mới được phát hiện hoặc công nhận, thay vì phải kiểm kê lại toàn bộ di sản hàng năm…

Về quy định các hành vi cấm liên quan đến di sản văn hóa, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ hơn để phân biệt giữa hành vi cố ý và vô ý khi gây thiệt hại đến di sản văn hóa, nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng Luật.

Cùng với đó để đảm bảo tính thống nhất với các Luật có liên quan, đại biểu cho rằng, Cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng các quy định của dự thảo Luật so với các luật khác như: Luật Nhà ở, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quy hoạch, Luật Địa chất và Khoáng sản… để tránh chồng chéo.

16h28: Đại biểu Phạm Thúy Chinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang phát biểu tranh luận

Tranh luận với đại biểu Thích Đức Thiện - Đoàn Điện Biên và đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn Hà Tĩnh về sự cần thiết thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, đại biểu Phạm Thúy Chinh đồng tình với các đại biểu về sự cần thiết thành lập Quỹ này và nguồn lực dành cho bảo tồn di sản văn hóa. 

Đại biểu Phạm Thúy Chinh cho rằng, nguồn lực dành cho bảo tồn di sản văn hóa và các nhiệm vụ khác đang đặt ra yêu cầu, nhu cầu rất lớn về ngân sách đảm bảo. Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này đã quy định về thẩm quyền thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa và cấp thành lập gồm thành lập cả ở  Trung ương và địa phương.

Về nguồn thu, dự thảo Luật đã thể hiện rõ nguồn thu là không sử dụng NSNN. Trong Tờ trình của Chính phủ đã có báo cáo về kinh nghiệm trong việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa của tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Tuy nhiên, lưu ý trong cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, đại biểu Phạm Thúy Chinh cho rằng, Quỹ bảo tồn di sản của Thừa Thiên Huế được sử dụng các nguồn ngân sách của các tỉnh, thành phố hỗ trợ cho Thừa Thiên Huế và không sử dụng ngân sách của địa phương. Sau 3 năm triển khai thực hiện, đến nay nguồn thu của Quỹ này mới hơn 8 tỷ đồng và rất khó khăn trong triển khai thực hiện. Đại biểu nêu rõ, nguồn thu ở đây là nguồn viện trợ và các tài trợ khác, tuy nhiên đại biểu nhận thấy, dự thảo Luật chưa thể hiện rõ về nguồn thu.

Về nhiệm vụ chi, theo đại biểu Phạm Thúy Chinh, trong 4 nhiệm vụ được quy định tại Điều 92 của dự thảo Luật, có 3 nhiệm vụ có thể được chi từ nguồn NSNN, đã có nhiệm vụ được thể hiện tại Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về văn hóa. Do đó, sẽ trùng với nhiệm vụ chi của NSNN và trùng với nhiệm vụ chi của CTMTQG. 

Đại biểu cho rằng, việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa đặt ra từ yêu cầu thực tiễn, tuy nhiên điều này cũng sẽ dẫn đến nhiều rủi ro như: (1) phân tán về nguồn lực của NSNN; (2) không đảm bảo nguyên tắc là một tài liệu duy nhất về NSNN; (3) khó khăn khi triển khai tổ chức thực hiện. “Tôi cho rằng, khi nguồn lực của chúng ta không được thể hiện một cách rõ ràng thì sẽ rất khó để tổ chức được thực hiện, đặc biệt là đối với các địa phương, việc thành lập, duy trì và quản lý vận hành các quỹ này sẽ vô cùng khó khăn”, đại biểu nêu quan điểm.

Do đó, đại biểu Phạm Thúy Chinh đề nghị nội dung này cần được xem xét thấu đáo và cân nhắc việc thành lập Quỹ.

16h32: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đánh giá cao ý kiến của các ĐBQH đóng góp vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Cơ quan soạn thảo và thẩm tra sẽ tiếp thu các ý kiến tối đa các ý kiến đóng góp vào dự án Luật... 

Về vấn đề bản sao, dự thảo Luật đã quy định, bản sao chỉ được làm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép và cấm làm giả. Bản sao khác với sản phẩm phái sinh, là bản gần giống như di sản nhưng không giống hệt di sản và hiện nay, chúng ta không cấm. Do đó, việc này không ảnh hưởng đến việc kinh doanh của người dân cũng như các tổ chức.

Về khu vực bảo vệ, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, vấn đề này cũng nhận được nhiều ý kiến của các ĐBQH. Ủy ban sẽ cố gắng cùng với cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu để giải quyết hài hòa về nhiệm vụ bảo vệ di sản, bảo đảm cuộc sống cho người dân và khai thác di sản để phát triển kinh tế xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng mong muốn nhận được sự thống nhất quan điểm là di sản phải được bảo vệ chặt chẽ chứ không thể nói việc đã xác định di sản, khu vực bảo vệ nhưng lại ưu tiên những việc khác hơn là bảo vệ di sản... 

16h39: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận nội dung phiên thảo luận

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận phiên họp

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, đã có 17 ý kiến đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận, đại diện cơ quan thẩm tra đã phát biểu làm rõ một số nội dung đại biểu nêu. Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao và thống nhất với báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều nội dung của dự thảo luật. Đồng thời cũng góp nhiều ý kiến vừa đề cập đến vấn đề tổng thể, vừa góp ý trực tiếp vào các điều khoản, điểm cụ thể và kỹ thuật soạn thảo văn bản để đảm bảo tính thống nhất đồng bộ, khả thi, phát huy hiệu, lực hiệu quả khi luật được thông qua, nhằm mục tiêu bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, đây là một dự án luật có phạm vi liên quan rất rộng đến các đạo luật khác và hiện nay Chính phủ đang trình Quốc hội một luật sửa bốn luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư và một luật sửa bảy luật liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách. Trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có rất nhiều nội dung liên quan đến trách nhiệm huy động, quản lý các nguồn lực về tài chính phục vụ cho bảo vệ, bảo tồn phát huy di sản; cũng như sử dụng, khai thác di tích, di sản văn hóa mà các đại biểu đã phát biểu. Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, cập nhật kịp thời những nội dung có liên quan của các dự thảo luật đang trong quá trình đề xuất sửa đổi, để kịp thời đồng bộ, thống nhất khả thi trong dự án luật này. 

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan có liên quan nghiên cứu tiếp thu tối đa và hoàn thiện dự thảo luật với trách nhiệm cao nhất, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cổng thông tin điện tử Quốc hội