Tập trung cao độ cho hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo hiệu quả công tác thi hành pháp luật

23/10/2024

Báo cáo về tình hình KTXH của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 8 nêu rõ, năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, lấy ổn định làm tiền đề cho phát triển; củng cố các nền tảng mới để không bị “lỡ nhịp” trong triển khai kế hoạch KTXH. Để đạt được kết quả này, các đại biểu, chuyên gia cho rằng cần tập trung cao độ hơn nữa cho hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng tốt nhất cho yêu cầu đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Đáp ứng tốt nhất cho yêu cầu đổi mới sáng tạo, tạo đột phá phát triển đất nước trong tình hình mới

Khắc phục tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết

Báo cáo về tình hình KTXH của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 8 nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành kịp thời rà soát hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua 14 Luật, 23 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật, chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, cho phép các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 để kích thúc, thúc đẩy nền kinh tế; ban hành và chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành 121 văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, đặc biệt là các luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024.

Lần đầu tiên Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV theo hình thức trực tuyến đến 63 địa phương trên cả nước, nhằm đổi mới cách làm của Chính phủ trong việc đưa các luật, nghị quyết mới ban hành vào cuộc sống một cách thực chất và hiệu quả; ban hành Nghị định số 59/2024/NĐ-CP nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; kịp thời quyết nghị nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về KTXH nhằm giải quyết dứt điểm những vướng mắc, khó khăn cho địa phương, người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện một số quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa thực sự đầy đủ, thống nhất; vẫn còn tình trạng bổ sung dự án, dự thảo sát thời điểm tổ chức kỳ họp, phiên họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để; một số quy định pháp luật đến nay không còn phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển, nhưng chậm được sửa đổi, tháo gỡ; một số bộ, ngành, địa phương trong một số trường hợp chưa thực sự nêu cao tinh thần cải cách trong tham mưu, sửa đổi các quy định thuộc phạm vi quản lý; việc xử lý văn bản trái pháp luật của một số bộ, ngành, địa phương sau khi có kết luận kiểm tra còn chậm. Việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản của các địa phương chậm, chưa đầy đủ.

Ưu tiên nguồn lực cho rà soát, hoàn thiện pháp luật

Rút ra bài học kinh nghiệm từ những tồn tại, hạn chế, trong thời gian tới, Chính phủ tập trung cao độ, ưu tiên nguồn lực cho rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, bảo đảm đồng bộ, đột phá; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững các loại thị trường, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tập trung rà soát, trình Quốc hội xem xét ban hành và sớm sửa đổi các quy định còn vướng mắc ở tầm luật; xem xét ban hành nghị quyết thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh, chưa có quy định hoặc đã có nhưng không còn phù hợp.

Tiếp tục rà soát, tháo gỡ ngay các quy định, thủ tục hành chính, quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh không hợp lý, không cần thiết, gây khó khăn, vướng mắc, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân. Trong đó, tập trung xử lý dứt điểm một số quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng, phòng cháy, chữa cháy, truy xuất nguồn gốc…

Thủ tướng Chính phủ báo cáo tình hình kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 8

Chính phủ cũng tập trung tháo gỡ vướng mắc, nhất là về pháp lý, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ cấp phép, triển khai các dự án nhà ở xã hội; rà soát, sửa đổi các quy định còn bất cập về điều kiện mua nhà ở xã hội của người dân; thúc đẩy tiến độ gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội, Đề án đầu tư 01 triệu căn nhà ở xã hội. Khẩn trương tổng kết, đánh giá, trình cấp có thẩm quyền cho phép mở rộng áp dụng các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã phát huy hiệu quả; tổ chức thực hiện hiệu quả các phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thành lập và triển khai hiệu quả các Tổ công tác, Ban Chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để rà soát, tổng hợp các dự án đang gặp vướng mắc, xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp.

Tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện, chất lượng, hiệu quả công tác, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, trọng tâm là triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển”. Nghiên cứu, đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phần mềm Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác, sử dụng hiệu quả văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Các dự án Luật trình tại Kỳ họp này có tính chất tháo gỡ ngay những khó khăn trong thực tiễn

Quan tâm đến công tác xây dựng pháp luật, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Thành viên Hội đồng khoa học của UBTVQH Đậu Anh Tuấn nêu rõ, Kỳ họp thứ 8 là kỳ họp mà Quốc hội có khối lượng công việc lập pháp nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay, trong đó có nhiều dự thảo luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh có tác động trực tiếp đến doanh nghiệp. Những công việc, đặc biệt là lĩnh vực lập pháp, đều xuất phát từ thực tiễn của yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đáng chú ý là hai dự thảo một luật sửa nhiều luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Chứng khoán, Luật Quản lý thuế…

Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Thành viên Hội đồng khoa học của UBTVQH Đậu Anh Tuấn

Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam cũng nhấn mạnh, Chính phủ đề nghị bổ sung chương trình xây dựng luật và nhanh chóng trình ra dự thảo Luật để sửa các luật này thể hiện quyết tâm lớn của Chính phủ, Quốc hội trong tháo gỡ các điểm nghẽn, các khó khăn đang cản trở hoạt động kinh doanh và gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Cách đây vài tháng, Chính phủ cũng trình Quốc hội để quyết định việc có hiệu lực sớm của ba đạo luật quan trọng Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản từ 1/8/2024 -sớm hơn bốn tháng so với kế hoạch, cũng là điều chưa từng có tiền lệ. Mục tiêu chung của các hoạt động lập pháp này hướng tới là thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, kỳ vọng tạo ra được đột phá mới trong tăng trưởng.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, Kỳ họp thứ 8 lần này là một kỳ họp với khối lượng công việc rất lớn. Chính phủ và Ủy ban Thường vụ đều rất quyết liệt để có thể trình ra Quốc hội những dự Luật có tính chất tháo gỡ ngay các khó khăn trong thực tiễn. Người dân và các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng các doanh nghiệp nhà nước… sẽ được hưởng lợi từ những quyết sách mà Quốc hội lần này sẽ thông qua. Chẳng hạn như các điểm nghẽn ở các địa phương, các ngành mà từ những kỳ họp trước các đại biểu Quốc hội nêu ra ở nghị trường trong lĩnh vực đầu tư, tài chính sẽ được sửa đổi. Hay là những hình thức đầu tư vốn từng là động lực phát triển của một số địa phương, như hình thức BT, hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của các đại biểu Quốc hội và sẽ được triển khai minh bạch, theo tư duy mới trong thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Chia sẻ quan điểm về xây dựng pháp luật, GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, trong những năm qua, hệ thống pháp luật của nhà nước ta ngày càng hoàn thiện. Trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống, từ kinh tế, dân sự, lao động, đến tổ chức quyền lực nhà nước… pháp luật đều có các đạo luật cơ bản để điều chỉnh, không phải như trước đây chủ yếu điều chỉnh bằng văn bản dưới luật.

Tuy nhiên, phải tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định về quy trình xây dựng chính sách pháp luật. Trong quy trình xây dựng văn bản pháp luật hiện còn thiếu các quy định về quy trình đánh giá tác động của tham nhũng đối với các dự thảo quyết định chính sách. Cần phải đánh giá xem một dự án Luật ra đời thì sẽ có những lỗ hổng nào có thể dẫn đến tiêu cực, tham nhũng. Từ đó, phải xây dựng các quy định về quy trình đánh giá tác động của tham nhũng đối với các dự thảo quyết định chính sách. Tức là khi xây dựng chính sách, trong đánh giá tác động có một mục quy định về quy trình đánh giá tác động của tham nhũng đối với dự án hay là quyết định chính sách đó?

Đồng thời, công tác xây dựng pháp luật phải thu hút được đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, những người quản lý, người am hiểu thực tiễn tham gia vào chương trình xây dựng pháp luật… Do đó, phải có quy định về cơ chế khuyến khích tham vấn cộng đồng vào dự thảo các văn bản, quyết định chính sách; phải mở rộng thành phần ban soạn thảo, cần có sự tham gia của các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, các nhà khoa học...

Hồ Hương