ĐBQH Trần Thị Nhị Hà: Cần chính sách đột phá quản lý giá thuốc và phát triển ngành công nghiệp dược

22/10/2024

Sáng 22/10, chia sẻ bên hành lang Quốc hội về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chính sách đột phá để phát triển ngành công nghiệp dược trong nước và quản lý giá thuốc tại Việt Nam.

Tổng thuật sáng 22/10: Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược

Phóng viên: Trong phiên thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sáng 22/10, một số đại biểu nhận định các doanh nghiệp dược ở Việt Nam chưa tận dụng thế mạnh để phát triển, ngành công nghiệp dược chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Quan điểm của đại biểu về nhận định này như thế nào?

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 đã có các quy định ưu đãi để phát triển công nghiệp dược và phát triển các vùng trồng dược liệu trong nước. Hơn nữa, Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới đã nêu rõ chủ trương khuyến khích phát triển nền công nền công nghiệp dược. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quy định về mục tiêu phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam. Tôi cho rằng, đây là những chỉ đạo rất cụ thể và chúng ta cần tiếp tục luật hóa những quy định này trong dự thảo luật.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội

Qua nghiên cứu cho thấy, những nội dung của dự thảo luật đã đề cập đến những chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp dược hay chính sách nhà nước về dược. Tuy nhiên, tôi cũng mong muốn và kỳ vọng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sẽ có sự đột phá so với Luật Dược năm 2016 về chính sách phát triển công nghiệp dược. Ví dụ, ưu đãi cho doanh nghiệp khi thực hiện sản xuất những thuốc mới, thuốc công nghệ cao hay thuốc hiếm. Đây là những ưu đãi rất quan trọng và cần được quy định cụ thể tại luật để khuyến khích các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp dược.

Có thể thấy, thị trường dược liệu của Việt Nam có rất tiềm năng và chúng ta cần phải có những quy định về số hóa về thổ nhưỡng, về khí hậu, về nước, về vùng trồng. Trên cơ sở những dữ liệu này, chúng ta quy hoạch vùng trồng dược liệu và ban hành các quy định về thực hành, nuôi trồng, chế biến theo tập quán tốt để khuyến khích việc phát triển các vùng trồng dược liệu trong nước đảm bảo chất lượng.

Tôi xin nhấn mạnh, nếu chúng ta không có chính sách tốt về phát triển công nghiệp dược thì sẽ gặp nhiều khó khăn để phát triển ngành công nghiệp dược trong nước, ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho người dân. Vì vậy, tôi hy vọng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược lần này sẽ đáp ứng được những kỳ vọng theo đúng mục tiêu của Quyết định 376 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển của ngành dược tiên tiến, hiện đại.

Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, cần có chính sách đột phá quản lý giá thuốc và phát triển công nghiệp dược 

Phóng viên: Một trong những quy định mới trong dự thảo luật lần này là đã đưa ra những nhóm chính sách ưu đãi, trong đó ưu đãi cho những dự án có quy mô từ 3.000 tỉ đồng trở lên. Theo đại biểu quy định này có khả thi hay không?

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội: Trong lần sửa đổi lần này, cơ quan soạn thảo đã bổ sung các chính sách ưu đãi và có mức ưu đãi cụ thể đối với những dự án đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, tôi cho rằng, cơ quan soạn thảo cần xem xét rất kỹ lưỡng nội dung này để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn của thị trường sản xuất dược phẩm trong nước.

Bời vì đối với công nghiệp dược, cần phát triển công nghệ, phát triển vùng trồng, nếu thực hiện những dự án có vốn đầu tư lớn mà không có lộ trình thực hiện sẽ khó tìm được doanh nghiệp có đủ điều kiện được hưởng các mức ưu đãi theo quy định tại dự thảo luật.

Phóng viên: Thưa đại biểu, giá thuốc là vấn đề được cử tri và Nhân dân rất quan tâm, tuy nhiên hiện nay giá thuốc dường như chưa phản ánh đúng thực tế, theo đại biểu cần có giải pháp gì để kiểm soát được khâu trung gian trong lần sửa đổi luật này?

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội: Trong lần sửa đổi lần này, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã nêu ra các biện pháp quản lý giá thuốc như: công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá… Tôi cho rằng đây là những biện pháp rất quan trọng để quản lý giá thuốc. Tuy nhiên, cũng cần phải thể hiện trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề quản lý giá thuốc. Bởi việc thực hiện công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến do doanh nghiệp nhập khẩu và doanh duyệt sản xuất thuốc xác định và Bộ Y tế chỉ thực hiện kiến nghị về mức giá khi thuốc đã lưu hành trên thị trường. Vì vậy, tôi mong muốn trong quá trình thực hiện công bố, công bố lại, Bộ Y tế cần có những biện pháp chủ động quản lý giá thuốc, kể cả khi thuốc chưa được lưu hành trên thị trường.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng, Bộ Y tế cần có những biện pháp chủ động quản lý giá thuốc

Hơn nữa, thuốc là mặt hàng rất đặc biệt, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, tôi cũng mong muốn có những biện pháp quản lý đặc thù chuyên ngành, thay vì quản lý bằng những biện pháp quản lý được quy định tại Luật Giá.

Tôi cũng kỳ vọng ở dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dược sẽ có những quy định đột phá để quản lý giá thuốc tốt nhất, người dân được sử dụng thuốc một cách an toàn, hợp lý, hiệu quả với giá cả phù hợp.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Lan Hương - Nghĩa Đức